Theo báo cáo của Grace Ehlers - Giám đốc Chiến lược thương hiệu của tạp chí Metropolis Magazine - đăng trên trang The Robin Report, các nhà bán lẻ quần áo truyền thống đang bị đe dọa bởi các dịch vụ cho thuê như Rent the Runway hay Bag Borrow or Steal.
Xu hướng này cũng đang lan rộng đến ngành công nghiệp âm nhạc và dịch vụ như Spotify hay Airbnb. Chẳng hạn Rent the Runway đã bắt đầu triển khai dịch vụ cho thuê phụ kiện và túi xách cho những người thường xuyên thích thay đổi diện mạo, song lại không có nhiều ngân sách cho sở thích tốn kém của mình.
Bên cạnh đó, Ehlers còn cho hay: “Bạn sẽ không còn phải bận tâm việc mua một căn nhà trong khi có thể thuê một lâu đài ở Pháp thông qua Airbnb với giá 200 USD.
Ngay cả việc sở hữu album mới nhất của ban nhạc bạn yêu thích cũng giảm đi đáng kể khi bạn có thể tiếp cận thế giới âm nhạc thông qua trình nghe nhạc Spotify, cho phép bạn tiếp cận trực tuyến với nguồn dữ liệu lên đến hàng triệu bài hát mà không tốn không gian ổ cứng của bạn”.
Còn Doug Stephens, chủ trang blog Retail Prophet, nhận định: “Thế hệ trẻ ngày càng “tìm kiếm giải pháp thay thế việc sở hữu đang ngày càng tốn kém”.
Ehlers cũng cho rằng các nhà bán lẻ truyền thống đang đứng trước nguy cơ bỏ lỡ và không đáp ứng được thị hiếu mới đang nổi lên trong nhóm tiêu dùng trẻ nếu không nhanh chóng tìm cách nắm bắt lấy nó.
“Tại sao các thương hiệu bán lẻ phụ thuộc quá nhiều vào các cửa hàng để trưng bày các mẫu trang phục theo mùa trong khi họ có thể cho thuê? Tại sao các cửa hàng không lên kế hoạch cho thuê những đôi kính sẽ bị người tiêu dùng vứt đi sau mỗi mùa?”
Thực tế, dịch vụ cho thuê sản phẩm không quá xa lạ ở thị trường Việt Nam với những cửa hàng cho thuê những sản phẩm ít khi được sử dụng đến trừ những dịp đặc biệt như áo dài, trang phục biểu diễn, đồ dạ tiệc, cosplay…, hay nhóm sản phẩm cao cấp, những bộ trang phục có giá tiền triệu trở lên ít người dám mua hẳn.
Thậm chí, cũng không thiếu cả việc cho thuê cô dâu chú rể, cho thuê người khóc tang… So với trước kia, xu hướng này đang ngày càng trở nên rõ rệt khi những cửa hàng cho thuê nhỏ lẻ, quần áo vứt đống xưa kia đã trở thành những cửa hàng cho thuê đồ khang trang, bày biện đẹp đẽ, thậm chí có cả không gian chụp ảnh cho những người thích thử nghiệm những trang phục mới lạ khác hẳn ngày thường.
Đối tượng tới thuê đồ ở những cửa hàng này chủ yếu là các bạn học sinh, sinh viên thường không dư dả về tiền bạc, hay giới văn phòng thường xuyên có nhu cầu đổi mốt.
Cách thức thuê có thể là đặt cọc, tương đương 70-80% giá bán sản phẩm hoặc để lại chứng minh thư. Giá thuê thường từ 5-10% giá bán, tùy theo độ cũ mới của sản phẩm.
Có rất nhiều nguyên nhân để thị trường đồ cho thuê phát triển. Trong đó phải kể đến tâm lý sính hàng hiệu của giới trẻ nhưng ít người có điều kiện mua, cộng thêm tâm lý “cả thèm chóng chán” vốn có của con người.
Khi tính đến bài toán lợi ích, người tiêu dùng thường cảm thấy việc mua một bộ đồ rẻ tiền kém chất lượng chỉ sử dụng vài lần sẽ thiệt hơn so với việc thuê một bộ đồ đẹp cũng ngần ấy tiền với số lần mặc tương đương.
Một nguyên nhân khác khiến xu hướng đi thuê “nở rộ” cũng đến từ chính diện tích căn nhà của nhóm tiêu dùng từ 18 đến dưới 40 tuổi. Họ đang phải sống trong những căn hộ nhỏ, (rất có thể cũng là nhà đi thuê) trong các khu đô thị thay vì vùng ngoại ô rộng rãi thoáng mát.
Điều đó khiến họ không có nhiều không gian cho việc bố trí đồ dùng. Thật khó để kiếm được cái tủ nào chứa được tất cả những bộ trang phục hay đôi giày như mong ước của chị em, bởi không phải ai cũng có nhà đủ rộng lẫn đầu tư đủ tiền để cắt hẳn ra một căn phòng chỉ chuyên cất trang phục, phụ kiện...
Cách thức này cũng gần tương tự như việc “mua máy cũ, đổi máy mới” có thể thấy ở nhiều cửa hàng điện tử ở Việt Nam. Bằng việc bán đi những chiếc điện thoại hay máy tính không còn sử dụng nữa, người bán chỉ cần bỏ thêm một phần tiền nữa là có thể mua một thiết bị mới toanh hoặc mua lại chính những thiết bị cũ được những khách hàng khác cũng đem đi bán.
Nhờ đó, cơ hội tiêu dùng và trải nghiệm ngày càng được mở rộng với một chi phí rẻ hơn nhiều so với việc chỉ bỏ tiền ra mua sản phẩm mới. Tính sở hữu của giới trẻ đang thay đổi, họ sống thoáng hơn chứ không chỉ bo bo làm lụng, mua sắm cất giữ như các thế hệ trước.