Giới trẻ Hà thành rủ nhau đi học hát chèo

Nhiều bạn trẻ Hà Nội tìm tới với lớp học "Chèo 48h" để trải nghiệm và học được những điều thú vị mà không một loại hình nghệ thuật nào khác có được.

Giới trẻ Hà thành rủ nhau đi học hát chèo

9x học hát chèo

Trong lớp học khám phá nghệ thuật chèo, các bạn trẻ say sưa tập hát, tập múa quạt. Bằng sự trải nghiệm, tự khám phá, kết hợp việc tiếp thu kiến thức của các giảng viên là những người làm nghề các bạn trẻ đã hiểu được về chèo nhiều hơn so với trước đây và cũng yêu mến chèo hơn bao giờ hết. Trích đoạn trong vở chèo cổ kinh điển Xã trưởng – Mẹ Đốp giờ đây không còn quá xa lạ đối với các học viên tuổi 9x.

Trước khi tham gia lớp học, hều hết tất cả các bạn trẻ đều khó khăn để hòa nhập và yêu mến chèo, trước hết là do bộ môn nghệ thuật này chủ yếu sử dụng ngôn ngữ cổ, từ Hán Việt... 

Những kiến thức về chèo được các bạn tìm hiểu qua sách vở, các video trên mạng rất chóng quên và nhạt mờ. Thế nhưng, khi trực tiếp tiếp xúc, được các thầy cô là những nghệ sĩ trong nghề chỉ dạy, các cô cậu 9X “ngấm” chèo rất nhanh và dần coi chèo là một niềm đam mê.

Giáp Trọng Đức (ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) tỏ rõ sự hưng phấn khi nói về nhân vật xã trưởng mà cậu tham gia. Là một sinh viên ngành nghệ thuật, có ước mơ trở thành một đạo diễn sân khấu trong tương lai, Đức rất chăm chỉ tham gia các khóa học về nghệ thuật dân tộc để có thêm trải nghiệm cho bản thân.

Đức gật gù công nhận rằng, ban đầu cứ tưởng chèo chỉ là những vấn đề cũ kỹ từ thời cha ông, nhưng không ngờ chèo lại có khả năng phản ánh những vấn đề nổi cộm của xã hội, cuộc sống như vậy.

Các bạn trẻ tìm hiểu thông tin qua mạng xã hội và tự tìm đến lớp học chèo để thêm hiểu biết về văn hóa dân tộc
Các bạn trẻ tìm hiểu thông tin qua mạng xã hội và tự tìm đến lớp học chèo để thêm hiểu biết về văn hóa dân tộc.

Nguyễn Thanh Hà vừa tốt nghiệp ĐH Hà Nội, khoa Tiếng Anh. Thay vì đi tìm việc, cô đến với lớp chèo. Mặc dù theo học một ngành học có tính “hướng ngoại”, nhưng từ rất lâu Thanh Hà đã yêu mến và dành nhiều tâm huyết cho nghệ thuật truyền thống. 

Với tố chất nghệ thuật tốt, Thanh Hà được thầy chọn vào vai Mẹ Đốp. Cô cười tươi: “Không tìm được việc thì có khi mình sẽ đi hát chèo”.

Hà chia sẻ: “Mình có cơ hội tiếp xúc với nhiều bạn bè thế giới, nên càng phải hiểu rõ hơn về những truyền thống văn hóa của đất nước mình để có thể kể cho các bạn khác.

Vì mới tốt nghiệp nên mình có nhiều thời gian, mình đã lên mạng tìm kiếm thông tin về các khóa đào tạo dành cho những người yêu thích nghệ thuật dân tộc và biết đến lớp học "Chèo 48h" qua mạng xã hội. 

Sau khi được học hát chèo, mình cảm thấy tự tin và tự hào hơn rất nhiều, cảm giác như mình đang là đại sứ văn hóa của đất nước mỗi khi gặp gỡ, giao lưu với bạn bè quốc tế vậy”.

Tiếp lửa cho nghệ thuật truyền thống

Lớp học chèo có khoảng 20 học viên, học căn bản về nghệ thuật chèo chỉ qua 16 buổi
Lớp học chèo có khoảng 20 học viên, học căn bản về nghệ thuật chèo chỉ qua 16 buổi.

Lớp học chèo không chuyên mà các bạn trẻ đang theo học có tên “Chèo 48h”. Cái tên “Chèo 48h” xuất phát từ thời gian mỗi học viên dành cho khóa học, 16 buổi, mỗi buổi 3 giờ. 

Với thời gian ngắn ngủi như vậy, nhưng với sự hướng dẫn tận tình của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, các sinh viên tham gia đã được tiếp xúc một cách khá toàn diện với nghệ thuật chèo.

Nghệ sĩ Lê Tuấn Cường (Đạo diễn tại Nhà hát Chèo Việt Nam) là người hướng dẫn và truyền cảm hứng cho các học viên trong lớp. Đạo diễn cho biết, lớp học này được khởi nguồn từ một số bạn trẻ là sinh viên, học sinh hoàn toàn không hề có chuyên môn âm nhạc.

Nhận thấy sự đam mê, tình yêu với âm nhạc dân tộc của các bạn trẻ là rất đáng trân trọng, nên anh tình nguyện làm cố vấn cho dự án. 

“Thực tế ai cũng biết, thế hệ trẻ hiện nay đa số đang chạy theo những loại hình âm nhạc thời thượng, hiện đại, còn những bạn trẻ như “Chèo 48h” rất hiếm” - Nghệ sĩ Tuấn Cường chia sẻ.

Nghệ sĩ Lê Tuấn Cường say sưa giảng và thị phạm cho các học viên
Nghệ sĩ Lê Tuấn Cường say sưa giảng và thị phạm cho các học viên.

Lớp học khiến cho lớp trẻ hiểu được những sáng tạo nghệ thuật mà người Việt Nam đã có từ hàng trăm năm. Thông qua chèo, các bạn trẻ đều hiểu, nhận ra sự hóm hỉnh về ngôn ngữ, câu từ trong nghệ thuật sân khấu chèo, sự độc đáo của chèo…

“Hiểu được đã là điều đáng quý, từ chỗ hiểu đến chỗ “yêu” không xa nhau. Hầu hết các bạn trẻ đến với dự án trước đây đều chưa được “khai thông” về chèo, thế nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn, bằng sự trải nghiệm, tự khám phá, kết hợp việc tiếp thu kiến thức của các giảng viên là những người làm nghề các bạn đã “thẩm thấu” được nhiều hơn về chèo và cũng đã trao gửi cho chèo một tình yêu đặc biệt” - Đạo diễn Tuấn Cường cho hay.

Bất ngờ hơn với những các nghệ sĩ tham gia dự án là các bạn trẻ không chỉ nhanh chóng nắm bắt được tinh thần của loại hình nghệ thuật truyền thống này mà còn đặt ra nhiều vấn đề ngược lại theo kiểu góp ý làm sao chèo phát triển, đi sâu vào đời sống xã hội và giới trẻ hơn. Câu hỏi được nhiều học viên đặt ra là: “Có nên đổi mới chèo hay không?” đã gây ít nhiều bối rối và bất ngờ cho người làm nghề.

Nguyễn Thanh Hà thể hiện vai diễn Mẹ Đốp
Nguyễn Thanh Hà thể hiện vai diễn Mẹ Đốp.

Nguyễn Thanh Hà chia sẻ: “Mình nghĩ nên "làm mới chứ không thay mới", tức là bổ sung đề tài hiện đại vào chèo để chèo bắt kịp hơi thở hiện đại, phổ biến chèo ở nhiều không gian khác nhau hơn nữa, chứ những giá trị cổ đặc sắc của chèo thì phải giữ.

Mình nghĩ nên có nhiều dự án để đưa chèo gần với sân khấu học đường hơn nữa. Với trải nghiệm từ dự án Chèo 48h, mình hoàn toàn tin tưởng chèo sẽ chinh phục được khán giả trẻ khi họ được phân tích và tìm hiểu kỹ về môn nghệ thuật này”.

Rồi trong mỗi giờ nghỉ giải lao, cả thầy và trò lại cùng thảo luận, trao đổi thẳng thắn và cùng nghĩ đến những tương lai xa hơn cho sự phát triển của chèo trong đời sống hiện đại.

Theo tamguong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thực tế chưa hẳn như biểu hiện

GD&TĐ - Cuộc trả đũa của Iran ngày 12/4 vừa qua tạo bước ngoặt mới trong mối quan hệ đầy thù địch và căng thẳng giữa nước này và Israel.