Giới hạn của sự chịu đựng

Giới hạn của sự chịu đựng

(GD&TĐ) - Tiếng xe của anh Công vừa dừng trước cổng, chị vợ đã nghiệt ngã thốt lên: “Cái nhà này lạnh lẽo như cái nhà hoang hay là có ma ám mà anh đi về thất thường. Người ta làm ông to bà lớn thì bảo rằng phải đi tiếp khách, ngoại giao với đối tác chứ anh- một thằng công nhân cơ khí quèn thì đi đâu?…”.

Bản tính vốn hiền lành, anh điềm đạm phân bua: “Chẳng là cậu nhân viên mới xin vào công ty hoá ra lại là đồng hương với tôi nên hết giờ làm việc anh em trong tổ rủ nhau đi uống cốc bia làm quen với nhau…”. Chưa để anh nói hết câu chị đã bĩu môi cắt ngang lời anh: “Phung phí một đồng vào bia bọt, quán xá thết đãi bạn bè là anh gián tiếp cầm dao cắt da xẻo thịt vợ con anh đấy. Mà nào có giàu sang, dư giả gì cho cam mà bày đặt huênh hoang. Đúng là cái đồ sĩ diện hão”…

(ảnh minh họa: Internet)
(ảnh minh họa: Internet)

Ngày nào hàng xóm, láng giềng cũng nghe thấy những lời mỉa mai, chì chiết rất đỗi chua ngoa, cay độc của vợ anh Công. Là người hiền lành đến nhu mì chẳng bao giờ anh nổi xung lên hay bực bội quát tháo ầm ỹ, ngay cả khi chị vợ đập phá đồ đạc loảng xoảng, nói toàn những lời khó nghe mà lại dai như đỉa đói cũng chẳng thấy anh có “phản ứng” gì. Mọi người xung quanh ai cũng cảm thấy ấm ức, bất bình thay cho anh. Mấy đấng mày râu bên cạnh lắc đầu, tặc lưỡi thốt lên: “Nếu bị rơi vào trường hợp của anh Công dù chỉ một ngày tôi cũng tống khứ cô vợ chua ngoa, lắm điều ấy ra khỏi nhà. Đàn bà gì mà chẳng có lấy một chút nữ tính”. Mà nào có phải anh bất tài, vô dụng, kém cỏi, phải ăn bám vợ con hay đổ đốn, hư hỏng, đáng chịu sự khinh miệt. Anh là trụ cột kiếm tiền nuôi cả gia đình, trong khi cô vợ không có nghề nghiệp ổn định lại lười biếng, làm thuê cho các cơ sở tư nhân nào cũng chỉ được vài ngày đã kêu vất vả, mệt nhọc hoặc chê bai lương thấp nên lại bỏ. Chỉ ở nhà lo cho chồng con ngày hai bữa cơm nhưng vợ anh Công luôn đành hanh lấn át, bắt nạt chồng. Hiền lành, chịu khó, có trách nhiệm với gia đình nên hàng tháng lĩnh lương xong bao giờ anh cũng đưa gần hết cho vợ cất giữ chỉ để lại vài chục đổ xăng xe, uống nước hoặc khi có việc cần dùng. Vậy nhưng chị vợ sợ chồng có tiền sẽ đàn đúm bạn bè rượu chè, cờ bạc sinh thói hư tật xấu nên thường xuyên kiểm tra ví và moi sạch tiền của anh. Những đòi hỏi của vợ anh Công dường như không có điểm dừng. Chị ta luôn miệng so sánh, suy bì, hạ thấp anh: “Nhà có hai anh em trai thì bao nhiêu cái khôn ngoan, năng động dồn hết cho bác cả, còn anh chậm chạp, đần độn như người rừng. Anh là cái tội nợ của đời tôi. Biết trước thế này thì tôi ở vậy cho xong…”. Nhiều người khuyên anh Công phải cứng rắn, mạnh mẽ lên không được để vợ “được đằng chân lân đằng đầu”, thậm chí còn phải “dạy” cho cô ta một bài học để cô ta mở mắt ra… thì anh chỉ cười. Đôi mắt anh ẩn chứa một nỗi buồn xa xăm…

Trong ngày giỗ gần đây nhất, trước mặt đông đủ bố mẹ, anh em, họ hàng xa gần, chẳng hiểu phật ýý với chồng chuyện gì mà chị vợ anh Công chỉ tay vào mặt chồng gào lên: “Đến con vật nó còn có đầu óc suy nghĩ mà sao anh gần 40 tuổi đầu rồi còn vô tâm vô tính đến vậy”. Như giọt nước làm tràn li, anh Công lạnh lùng song cương quyết tuyên bố với tất cả mọi người anh sẽ giải thoát cho cuộc đời mình ngay ngày hôm đó bởi vì không thể chịu đựng thêm được lối sống thiếu văn hoá của người vợ. Anh bộc bạch rằng bấy lâu anh gắng gượng chịu đựng là vì con, anh không muốn tuổi thơ của nó bị tổn thương nhưng bây giờ anh nhận thấy duy trì tổ ấm khi không còn một chút tình yêu và lòng tôn trọng thì không chỉ tự đày đoạ bản thân mà còn làm khổ lây sang con. Đã từ lâu lắm rồi anh khao khát có một cuộc sống bình dị nhưng êm ấm song xem ra ước mơ bình dị, nhỏ nhoi ấy lại quá xa vời. Những lời nghiệt ngã, cay độc của chị vợ đã khiến ngôi nhà luôn căng thẳng, ngột ngạt, dồn đẩy anh vào trạng thái ức chế. Có lẽ bất hạnh lớn nhất đối với người đàn ông là phải chung sống cùng người phụ nữ không biết mình là ai để liệu bề đối nhân xử thế…

Sức chịu đựng của con người dẫu dẻo dai, bền bỉ bao nhiêu cũng chỉ có giới hạn nhất định mà thôi. Trong cuộc sống gia đình, đừng bao giờ phạm sai lầm đòi hỏi, lấn át bạn đời thái quá để rồi phải trả giá đắt…

Tuấn Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.