Cùng với sự phát triển bùng nổ của các mạng xã hội, nhiều nhà tuyển dụng muốn chắc chắn rằng nhân viên của họ không tiêu tốn thời gian làm việc cho những hoạt động vô bổ trên Facebook, Twitter, LinkedIn... Thống kê cho thấy, có tới 1 trong 5 người Mỹ bị cấm sử dụng các mạng xã hội trong giờ làm việc.
Câu hỏi đặt ra là, chính sách cấm sử dụng mạng xã hội này có khiến thúc đẩy năng suất làm việc hay chỉ làm nhụt ý chí của nhân viên?
Angelo Kinicki - Giáo sư tại trường kinh doanh W.P. Carey School thuộc đại học Arizona State (Mỹ) - chia sẻ: “Thời gian dành cho các mạng xã hội như Facebook thật sự hoang phí. Việc cấm sử dụng trong khi làm việc nghe có vẻ hợp lý.
Tuy nhiên, trong suốt 8 tiếng làm việc trong ngày, tôi dám chắc là không ai có thể ngồi yên vị một chỗ và tập trung hoàn toàn vào công việc.
Để giữ vững được năng suất làm việc, lấy lại tinh thần, nhân viên cần có những khoảng thời gian nghỉ ngơi thư giãn ngắn. Và Facebook, email cá nhân hay tám chuyện là những hoạt động nên làm”.
GS Kinicki khẳng định: Việc nhân viên sử dụng Facebook tới 2 tiếng một ngày là đáng lo ngại, tuy nhiên 15 phút cho các mạng xã hội thì không thành vấn đề.
Dưới đây là 4 lý do GS Kinicki giải thích việc cấm nhân viên sử dụng Facebook trong giờ làm việc sẽ mang lại kết quả không tốt:
Khiến nhân viên trẻ chán ghét công việc
Thế hệ trẻ ngày càng bị phụ thuộc, thậm chí “nghiền” mạng xã hội. GS Kinicki cho rằng: “Nếu công ty bạn cấm sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việc, một vài nhân viên, đặc biệt là những người trẻ tuổi, họ sẽ không thích ứng được với chính sách và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp ở một công ty khác chấp nhận việc này. Trong trường hợp đó, công ty của bạn có nguy cơ bị mất đi những nhân viên trẻ, năng động và có triển vọng”.
Gây hiểu nhầm về việc bạn không tin tưởng nhân viên
Việc cấm sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việc đôi khi khiến nhân viên hiểu nhầm rằng bạn không tin tưởng họ. Lời khuyên của GS Kinicki là:
“Những nhân viên có trách nhiệm luôn biết mình cần phải làm gì. Miễn là những việc mà bạn giao họ vẫn hoàn thành đúng hạn và đảm bảo chất lượng. Còn khoảng thời gian 15 phút dành cho mạng xã hội của họ hoàn toàn không đáng lo ngại”.
Biểu hiện của sự không trợ giúp
Khi cảm thấy được trợ giúp trong công việc, nhân viên có xu hướng cố gắng, nỗ lực và có mong muốn gắn bó nhiều hơn với công ty. Tuy nhiên, nếu bạn đặt ra chính sách yêu cầu không được vào mạng xã hội, nhân viên sẽ có cảm nhận ngược lại.
Phá vỡ sự cân bằng trong công việc
Giáo sư Kinicki nói: “Đối với nhiều người, mạng xã hội chỉ đơn giản là một hình thức giải trí. Lướt Facebook 15 phút không khác gì việc bạn cho nhân viên nghỉ ra ngoài hút thuốc hay làm những hoạt động tương tự như vậy”.