Giờ học “xuyên thế kỷ”

GD&TĐ - Với một không gian rộng mở và được tương tác ngay trên sân trường, tiết học dự án “Nguyên tử - Hành trình xuyên thời gian” vận dụng dạy học STEM với công nghệ 4.0 của Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) thực sự trở thành giờ học “xuyên thế kỷ” tạo nhiều hứng khởi và say mê cho học sinh (HS).

Các nhóm tự thiết kế, trình bày bài học trong khi thầy cô quan sát và chỉ nhắc nhở khi cần
Các nhóm tự thiết kế, trình bày bài học trong khi thầy cô quan sát và chỉ nhắc nhở khi cần

Đây không phải là tiết học đầu tiên và duy nhất tại Trường Lê Quý Đôn - đơn vị đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học cấp THCS - nhưng vẫn tạo nên sức hấp dẫn với HS và đông đảo đồng nghiệp từ các trường đến dự. Có thể nói, đây là bài học mẫu trong hành trình vận dụng dạy học STEM với công nghệ 4.0.

Làm bạn với công nghệ 4.0

Điều khiến HS thích thú đầu tiên là không gian học tập rộng rãi tại sân trường rợp bóng cây. Với sự chuẩn bị của tổ chuyên môn, những đồ dùng học tập như bảng tuần hoàn, mô hình năng lượng mặt trời, máy in 3D… thật sự đã trở thành “nhân vật” bí ẩn và hấp dẫn “lấy lòng” các em ngay từ phút đầu. Tiếp đó là trò chơi về hình ảnh Hệ mặt trời đã cuốn hút sự tham gia của các thành viên trong 8 nhóm để giành điểm thưởng sau khi trả lời đúng các câu hỏi. Trò chơi này có sự “tham gia” của CNTT vì chiếc ipad là “vị cứu tinh” cho các nhóm. Không khí vui tươi đầu tiết học đã xua bớt gánh nặng tâm lý “bị” nhồi nhét kiến thức.

Hành trình xuyên thế kỷ trong giờ học chỉ thực sự bắt đầu khi 3 nhóm nhập cuộc vào 3 “trạm thông tin” theo chiều kim đồng hồ, mỗi nhóm chỉ có 5 phút để tìm ra cấu tạo nguyên tử, hoàn cảnh ra đời bảng hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học.

Nhờ có CNTT dẫn đường, cụ thể là tivi tương tác và phần mềm “atoms revealed”, các nhóm đã nhanh chóng tìm ra 2 phần chính “giấu mặt” của nguyên tử. Tất cả là hành trang tri thức đầy đủ để các nhóm sau đó tạo ra mô hình nguyên tử bằng đèn led và khắc ô nguyên tố bằng máy in 3D CNC. Những vất vả ban đầu trong quá trình đi tìm nguyên tử qua 3 trạm cam go đã được hóa giải bằng những sản phẩm cụ thể do bàn tay HS làm ra đem lại nguồn phấn khích và thích thú cho thành viên các nhóm. Những kiến thức được lĩnh hội thông qua học - hỏi - hiểu ở phần gợi mở đã lót đường thuận lợi cho phần thực hành chế tạo sản phẩm.

Niềm hứng khởi của các em vẫn chưa dừng lại ở đó khi được GV yêu cầu thực hiện thí nghiệm với đá khô. Những phản ứng hóa học trong ly tạo ra dòng khói trắng bay mù trời trên bàn học là câu trả lời rõ nhất cho nội dung bài học. Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm, thí nghiệm cùng đá khô đã giúp HS hiểu khái niệm khoảng cách nguyên tử và mối liên hệ đến trạng thái của vật chất.

Bài học khép lại với màn xem kính thực tế ảo thông qua kính VR khiến HS bất ngờ, thích thú. Những điều đã học được nhìn qua lăng kính VR như chắp cánh thêm những tri thức xuyên thời gian mà HS thu lượm được trong tiết học ứng dụng STEM với công nghệ 4.0.

 

Bệ phóng đầu tiên cho bộ môn Hóa học

Để tiết học thành công phải kể đến công lao của cô Lê Thị Ngọc Thúy - người có nhiều tâm huyết cùng dự án dạy học với công nghệ 4.0. Theo cô Thúy, đây là tiết học “lạ” rất khó khăn cho cả người dạy và người học vì bài học về nguyên tử chỉ dành cho đối tượng lớp 8 và cũng chỉ lướt qua theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Phải chờ đến khi lên lớp 10 các em mới được nghiền ngẫm trọn vẹn bài học.

Đó cũng là nguyên nhân GV cho các em làm quen với tiết dạy trước đó cả tháng, yêu cầu các em tìm hiểu thông tin trên mạng. Một công đôi việc, nhờ đó các em cũng làm bạn với phần mềm phục vụ bài học theo dự án thông qua việc trao đổi liên lạc với nhau. Rõ ràng câu nói “học thầy không tày học bạn” trong trường hợp này đã phát huy hết vai trò, HS tự học, tự kết nối với nhau. Những gì diễn ra trên lớp chỉ vài chục phút nhưng thực chất đằng sau đó là cả một quá trình lao động vất vả và không kém phần hào hứng của thầy trò. Đây cũng là bệ phóng đầu tiên cho những HS yêu thích và muốn chạm ngõ bộ môn Hóa học.

Trong quá trình tham gia tiết học, em Trần Gia Huy - trưởng nhóm Nitơ 1, đã lan tỏa niềm hứng khởi đến 5 bạn nữ trong nhóm: “Tiết học giúp em định hình được khái niệm cấu tạo nguyên tử mà không phải chờ đến lớp trên mới học. Được học ngoài trời trong không gian rộng giúp các bạn tương tác và làm việc với nhau thoải mái hơn”. Theo Huy, tiết thực hành và những bài học của dự án luôn để lại những ấn tượng sâu sắc về đổi mới phương pháp học tập, nhất là khi có ứng dụng của CNTT hiện đại.

Em Mai Nhật Minh - đại diện cho nhóm Oxy 1, cũng chia sẻ: “Được chia nhóm làm việc, được sử dụng tivi, đèn led, kính VR và đặc biệt là sự hướng dẫn nhiệt tình của GV, chúng em rất thích khi học trong một không gian mở chứ không còn phải bó hẹp đóng khung như trước. Dù đã làm quen với STEM nhưng em vẫn muốn có nhiều giờ học bổ ích như thế trong những năm học tới”.

HS biết sử dụng phần mềm Prezi, máy khắc CNC, kính thực tế ảo VR, phần mềm Kahoot là nhờ sự hợp tác tích cực của công ty GSS cung cấp phần mềm soạn giáo án và dạy học 3D - một điều kiện không thể thiếu trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy hiện đại, nhất là dạy học với công nghệ 4.0.

Theo đánh giá của các đồng nghiệp, tiết học không chỉ khiến HS hứng thú mà còn đem lại những bài học bổ ích cho người dự. Đặc biệt là qua phần họp rút kinh nghiệm thẳng thắn, chân tình, nhiều bài học mới được vỡ ra từ tiết học dự án “Dạy học STEM với công nghệ 4.0”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ