Giờ học sáng tạo: Gợi mở niềm tin

GD&TĐ - Trong khi thực hiện bài tập, nhiệm vụ được thầy cô giao, nhiều học sinh cùng nhau thảo luận, đưa ra ý tưởng độc đáo, thú vị đầy bất ngờ. Sự sáng tạo của trò khiến bản thân mỗi giáo viên, nhà trường được tiếp thêm lòng yêu nghề, động lực đổi mới dạy - học. 

Học sinh Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền (huyện Tương Dương, Nghệ An) thi vẽ trên tre nứa. Ảnh: T.G
Học sinh Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền (huyện Tương Dương, Nghệ An) thi vẽ trên tre nứa. Ảnh: T.G

Lập Facebook cho cụ Nguyễn Đình Chiểu

Đó là sản phẩm của nhóm học sinh lớp 11A5, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (huyện Diễn Châu, Nghệ An) khi thực hiện bài tập do cô giáo dạy Văn đưa ra. Đề bài yêu cầu các học sinh giới thiệu về Nguyễn Đình Chiểu - tác giả của “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”.

Các bạn thuộc tổ 1, lớp 11A5 đã vẽ 7 bức tranh mô phỏng giao diện trang Facebook với chủ tài khoản là Nguyễn Đình Chiểu. Trong đó, bức thứ nhất giới thiệu chân dung nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu với đủ mọi thông tin về quê quán, họ tên bố, mẹ và tình trạng hôn nhân: “Đã kết hôn” với Lê Thị Điền.

Những bức tranh tiếp theo tái hiện hình ảnh Nguyễn Đình Chiểu đi thi ở Trường thi Gia Định với dòng bình luận “Tiên sinh lên đường giữ sức khỏe nhé”. Hình ảnh “combo” cụ Nguyễn Đình Chiểu về quê mở lớp dạy chữ, bốc thuốc, làm thơ với dòng trạng thái “hãy cố gắng thắp lên ngọn nến còn hơn ngồi trong bóng tối”.

Bộ tranh còn gây ấn tượng đặc biệt ở bức tranh cuối cùng với hình ảnh một bàn tay vẫy gọi từ nước Pháp. Tuy nhiên, kèm theo đó là dòng chữ “Bạn đã chặn Pháp” để nói về việc cụ Nguyễn Đình Chiểu thẳng thừng từ chối những lời mua chuộc của thực dân Pháp trước kia.

Trước đó, thực hiện bài tập này, nhiều ý kiến được đưa ra như dựng slide trên PowerPoint và thuyết trình, vẽ sơ đồ tư duy… Nhưng khi 2 bạn Hà Phương và Thu Giang đề xuất vẽ lại tiểu sử nhà văn Nguyễn Đình Chiểu theo giao diện Facebook, cả nhóm liền đồng tình, hưởng ứng. Dù vậy, khi bắt tay vào làm bài, các bạn đối mặt với không ít trăn trở, lo lắng.

“Cụ Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ, chí sĩ yêu nước quả cảm, một con người đã đi vào lịch sử. Vì thế, khi trình bày bằng giao diện của Facebook, chúng em cũng lo sợ có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng trình bày như vậy không nghiêm túc, thiếu tôn trọng nhà văn”, Vương Thanh Bình, học sinh lớp 11A5 chia sẻ.

Chứng kiến phần thuyết trình của học sinh, cô Nguyễn Lam Thủy – giáo viên dạy môn Ngữ văn cho biết: Việc ra đề mở và khuyến khích các em sử dụng hình thức đa dạng để thể hiện nội dung bài làm được thực hiện nhiều lần trên lớp.

Cô Lam Thủy chia sẻ thêm: Nhận được những bài làm văn thú vị như vậy giúp tôi nhận ra môn Văn vẫn được nhiều học sinh yêu thích, say mê. Và giáo viên chúng tôi phải nỗ lực đổi mới dạy học để những giờ Văn trở nên lôi cuốn, truyền cảm hứng và phát huy được năng lực, sáng tạo cho học sinh.

Nhưng đây là lần đầu tiên có nhóm học sinh làm bài tập kể về cuộc đời của một tác giả độc đáo và công phu đến vậy. Quả thực, tôi khâm phục sự sáng tạo của học trò và quyết định cho cả nhóm 10 điểm. Đó là điểm 10 dành cho sự sáng tạo, ý thức, tinh thần tập thể và kiến thức cũng như đam mê đối với môn Văn của các em.

Sau khi giành điểm tuyệt đối, bài tập của nhóm học sinh tổ 1, lớp 11A5 được đưa lên Facebook và nhận được sự khen ngợi, chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. 

Vẽ tranh trên sản phẩm tre nứa

Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền (huyện Tương Dương, Nghệ An) vừa tổ chức cho học sinh tham gia cuộc thi vẽ trên sản phẩm tre nứa. Đây cũng là hoạt động nằm trong chủ đề sinh hoạt ngoại khóa tháng 10. Điều đặc biệt ở cuộc thi này chính là sự kết hợp giữa 2 môn học Công nghệ và Mỹ thuật.

Cô Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ đầu năm học, chúng tôi cho học sinh làm các sản phẩm đan lát từ tre nứa khi học môn Công nghệ. Sản phẩm đó có thể là rổ rá, đĩa đựng hoa quả, gùi, quạt nan… quen thuộc và được sử dụng thường xuyên trong đời sống của bà con người Thái, Mông.

Sau đó, nhà trường tổ chức cuộc thi vẽ trên chính sản phẩm tre nứa mà học sinh làm ra từ trước. Không chỉ học sinh hào hứng đăng ký mà phụ huynh đến cổ vũ rất đông. Dù nét vẽ còn mộc mạc, đơn giản nhưng các em khiến thầy cô và cả bố mẹ bất ngờ khi sáng tạo nên bức tranh phong cảnh bản làng, trường học, con người hồn nhiên, sinh động, đẹp mắt. “Đó là những sản phẩm hoàn toàn “made in học sinh” Lưu Kiền, nhà trường chỉ bỏ kinh phí để mua bột màu, bút vẽ cho các em mà thôi”, thầy Nguyễn Văn Dũng – giáo viên bộ môn Mỹ thuật tự hào chia sẻ.

Trong năm học trước, Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền cũng tổ chức cuộc thi vẽ tranh trên đá cuội - nguyên liệu sẵn có dọc khe suối ở vùng cao này. Kết thúc cuộc thi, các thầy cô chụp ảnh đăng những sản phẩm mỹ thuật độc đáo “rao bán” trên Facebook để gây quỹ cho học sinh nghèo. Kết quả chỉ trong mấy ngày toàn bộ số tranh đá được bán hết.

Năm nay, nhà trường tiếp tục kế hoạch này, tuy nhiên để số lượng tranh phong phú, sau cuộc thi các em học sinh có đam mê, năng khiếu có thể tiếp tục làm đồ thủ công vẽ tranh vào sau giờ học… “Qua hoạt động này, chúng tôi vừa khuyến khích học sinh tự tin sáng tạo, biết tìm hiểu, yêu nét văn hóa độc đáo của bản làng mình. Đồng thời cũng giáo dục các em tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ khó khăn với bạn nghèo”, cô Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền cho hay.

Để học sinh hư thì dễ lắm, giáo dục, uốn nắn và dạy các cháu nên người mới khó. Đó là công việc, trách nhiệm và cái tâm của người làm thầy, làm cô. Để khi đến trường các em được học tập, quan tâm chia sẻ và ngược lại các em sẽ yêu trường lớp, bạn bè, thầy cô… mà đến trường đầy đủ. Vì có trò mới có thầy cô, có nhà trường.
                                                                       Cô Nguyễn Thị Nhung 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ