Gieo yêu thương nơi vùng đất khó

GD&TĐ - Yêu nghề, yêu người, trách nhiệm, tận tâm, hết lòng với học sinh, đó là lời nhận xét của đồng nghiệp dành cho cô giáo Lương Thị Huyền, Trường Tiểu học Tiên Lãng (tỉnh Quảng Ninh). Bằng tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy và tâm huyết với nghề, cô đã truyền cho HS niềm tin, giúp các em hiểu ra rằng, vượt khó trong học tập sẽ có một tương lai tươi sáng.

Cô giáo Lương Thị Huyền vận động học sinh ra lớp tại điểm trường Cống To. Ảnh nhân vật cung cấp
Cô giáo Lương Thị Huyền vận động học sinh ra lớp tại điểm trường Cống To. Ảnh nhân vật cung cấp

Đến từng nhà vận động học sinh ra lớp

Năm 1993, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh, cô Huyền về công tác tại Trường Tiểu học Tiên Lãng. Đây là ngôi trường có 3 điểm trường lẻ gồm Cống To, Cái Mắt, Thuỷ Cơ và điểm trường chính ở gần trung tâm xã. Những năm đầu công tác, khó khăn lớn nhất với các thầy cô giáo nơi đây là làm thế nào để vận động được các em người đồng bào dân tộc ra lớp. Năm nào cũng vậy, những tuần đầu tiên của năm học mới, ngoài công tác giảng dạy, các thầy cô phải đến từng nhà vận động học sinh ra lớp.

Có thâm niên 22 năm đứng lớp tại Trường Tiểu học Tiên Lãng, cô Huyền hiểu rõ tâm tư, hoàn cảnh của gia đình em học sinh quanh vùng. Cứ mỗi lần vào mùa hè, các em theo bố mẹ đi làm thêm kiếm tiền. Việc thuyết phục các em đến lớp chuyên cần là một vấn đề khó khăn.

Cô Huyền kể lại: Trong năm học 2018 - 2019, cô được BGH phân công giảng dạy và phụ trách tại điểm trường Cống To - một trong những vùng đặc biệt khó khăn của xã Tiên Lãng. Điểm trường có 5 lớp với 47 học sinh 100/100 là dân tộc Dao, trong đó 22 em thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

Những ngày mùa đông các em không có đủ quần áo ấm đến trường. Thương các em, cô Huyền bằng những mối quan hệ, vận động nhà may đồng phục cho các em được 30 áo khoác, 40 chiếc áo trắng. Cô còn vận động các thầy cô giáo tại điểm trường mua tặng giày, tất… cho các em trong những ngày trời rét để các em đủ ấm đến trường.

Trong số những HS ở điểm trường này, cô Huyền đặc biệt nhớ em Tằng Thị Yên. Gia đình em thuộc diện hộ cận nghèo của xã, hoàn cảnh lại éo le. Bố em mắc bệnh hiểm nghèo không có tiền chữa trị. Nhà lại đông anh chị em. Dù rất muốn tới trường như bao bạn bè cùng trang lứa, nhưng khi học hết lớp Hai, thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, Yên đã có ý định bỏ học để theo mẹ đi biển kiếm tiền, trang trải cuộc sống và chữa bệnh cho bố. Hiểu được tâm tư của em, cô giáo Lương Thị Huyền đã đến nhà để động viên em đi học.

Tình yêu nghề, sự tận tụy, ánh mắt trìu mến cùng với những cử chỉ gần gũi, chân tình, cô Huyền đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho Yên. Hàng ngày, Yên đến trường trong vòng tay yêu thương của cô giáo và nhà trường nâng niu, giúp đỡ.

Người đi gieo hạt giống

Cô giáo Lương Thị Huyền. Ảnh nhân vật cung cấp
Cô giáo Lương Thị Huyền. Ảnh nhân vật cung cấp

Không chỉ tích cực vận động HS ra lớp, cô Huyền còn tình nguyện đưa đón HS đến trường. Những năm trước đây, người dân xã Tiên Lãng quen thuộc với hình ảnh cô giáo đón học sinh đến trường mỗi sáng.

Hoàn cảnh gia đình em Trương Văn Thái, thôn Cái Mắt, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên vô cùng khó khăn. Nhà em cách trường 10 km, bố mẹ không có điều kiện đưa đón. Sợ học trò không được đến lớp, cô Huyền nói với gia đình sẽ đưa em đến trường. Mỗi sáng, Thái đi bộ khoảng 1 km ra đường lớn, cô Huyền qua chở em đến trường. Chiều tan học lại về cùng cô.

Một năm học kết thúc, Thái cũng bắt đầu chững chạc hơn, em có thể tự đi đến trường, cô Huyền lại tiếp tục trở đưa đón em Trương Trí Huy. Giờ đây cả 2 em Thái và Huy đều đang học THCS. Cô Huyền tâm sự: Học sinh như con của mình, trẻ được đến trường là niềm hạnh phúc. Khi trẻ hạnh phúc thì cô giáo cũng thấy vui.

Tâm sự về nghề, cô Huyền chia sẻ, cô học được nhiều ở chính các em thông qua việc khích lệ óc sáng tạo của học sinh. Cô dạy các em bằng tình yêu trẻ và đưa đến cho các em những khát vọng đầu đời như người đi gieo hạt giống để chờ mong những mùa quả ngọt.

Đối với cô, học sinh tiểu học như những hạt giống quý, nếu biết khơi dậy trong các em khát khao tìm hiểu thì các em sẽ sáng tạo không ngừng. Khi các em tò mò khám phá, nếu giáo viên luôn biết khơi dậy tinh thần học hỏi của các em thì sẽ phát hiện và nuôi dưỡng được nhiều tài năng hơn cả thực tế.

Nói về cô giáo của mình, em Tằng Thị Yên cho biết, khi bàn tay cô giáo nắm lấy tay em, cô đã truyền cho em niềm tin, giúp em hiểu ra rằng cố gắng vượt khó trong học tập sẽ có một tương lai tươi sáng, vì bên cạnh em luôn có một người mẹ dịu hiền như cô. Cô đã truyền đi ngọn lửa yêu thương cho biết bao thế hệ học trò.

Bí quyết của cô Huyền không gì khác ngoài phương châm “coi học trò như con em mình”. Cô không nhớ rõ mình đã bao nhiêu lần đi vận động học sinh bỏ học, chỉ biết rằng những cô cậu học trò nhỏ ấy đã quay lại trường, tiếp tục theo đuổi con chữ, nhiều em tiếp tục học lên cao… Vậy là cô vui lắm rồi. Đó là niềm vui, là động lực để cô Huyền tiếp tục bền bỉ trên con đường làm cầu nối con chữ cho học sinh. 

Với những nỗ lực vượt bậc, trong những năm công tác, cô Huyền đạt GV giỏi cấp huyện, tham gia GV giỏi cấp tỉnh. Từ năm 2003 đến nay đều là đoàn viên công đoàn xuất sắc. Giỏi việc trường đảm việc nhà. Dù phía trước còn không ít khó khăn, thử thách, với cô Huyền, phần thưởng lớn nhất chính là giúp các thế hệ học trò vững bước trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.