(GD&TĐ) - Rời Nha Trang từ sáng sớm, sau khoảng hơn 1 giờ xe chạy, chúng tôi đến cảng Ba Ngòi xuống tàu qua đảo Bình Ba – một địa danh thuộc xã đảo Cam Bình đã đi vào ca dao Khánh Hòa “ Yến sào hòn Nội, vịt lội Ninh Hòa, tôm hùm Bình Ba, nai khô Diên Khánh”. Bình Ba xưa và nay vẫn nổi tiếng với nghề nuôi trồng, đánh bắt hải sản, với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, phóng khoáng giao hòa giữa trời và biển. Bình Ba nay không chỉ là nơi thu hút du khách gần xa, mà còn là điểm đến và neo đậu của các thầy cô giáo “ gieo chữ - trồng Người nơi chắn sóng”.
Cô Nguyễn Thị Cảnh, 35 năm dạy học ở Trường TH Cam Bình 2 |
Cách đất liền hơn 7 hải lý, Bình Ba là nơi chắn sóng cho vịnh Cam Ranh. Mùa biển lặng, thời tiết tốt, từ đất liền qua đảo như một chuyến tham quan. Nhưng mùa gió lớn, sóng to, đường ra đảo lênh đênh và nguy hiểm. Cùng đi với chúng tôi có anh Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hội đồng nhân dân và anh Nguyễn Văn Du – Trưởng phòng giáo dục thành phố Cam Ranh. Không hẹn mà nên, vừa đến cảng Ba Ngòi, chúng tôi gặp thầy Phan Ngọc Duyệt – Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Cam Bình.
Đang trên đường vào thành phố Cam Ranh, anh đã quay lại, cùng chúng tôi xuống tàu ra đảo. Đường xa, chuyện ngắn chuyện dài - người thầy giáo là con đất đảo, ra đi - trưởng thành, hơn 24 năm nay, anh về quê hương gieo chữ, trồng người. Trong tiếng máy tàu, gió và sóng, anh Duyệt kể cho chúng tôi chuyện nhiều năm về trước. Khi chưa có nhà công vụ, không ít giáo viên được phân công về Bình Ba đã bỏ nhiệm sở, bỏ đảo, về đất liền.
Mấy năm gần đây, tình hình khác rồi. Trường ra trường, lớp ra lớp. Xã có điện, đường, trường, trạm. Tôm hùm lồng được nuôi ngày một nhiều hơn. Khi xét tuyển, giáo viên qua tham quan trước, cảm nhận những đổi thay trên đảo, họ đã ở lại. Trường anh có 3 đôi giáo viên xây dựng hạnh phúc và gắn bó lâu dài với Bình Ba. Khó khăn nhất vẫn là đối với nữ giáo viên mang thai và nuôi con trên đảo. Nhiều cô sinh con ở đất liền, mới 3,4 tháng đã phải bồng con sang đảo. Cuối tuần lại ngược từ đảo về đất liền. Thời tiết tốt cũng phải mất gần một tiếng rưỡi đồng hồ. Thời tiết xấu, biển động tàu đò không xuất bến, con nhỏ ốm đau... nỗi lo luôn canh cánh trong lòng những người mẹ trẻ. Vậy mà, các thầy cô giáo - người Nha Trang, Cam Ranh, Diên Khánh và cả ở miền Bắc vào - vẫn san sẻ, đùm bọc, hỗ trợ nhau để hoàn thành nhiệm vụ.
Anh Nguyễn Văn Du – Trưởng phòng giáo dục thành phố Cam Ranh đã nhiều lần ra với Bình Ba. Lênh đênh trên sóng, cảm xúc vẫn dâng đầy khi anh nói về các thầy cô giáo, học sinh và người dân trên đảo. Trung bình hàng năm, phòng giáo dục trên dưới 10 giáo viên, tuy không được hưởng chế độ vùng khó khăn (chỉ hưởng phụ cấp địa bàn 0,2%) nhưng phần lớn giáo viên đều tự nguyện ra Bình Ba, cống hiến cho ngành. Nhiều người đã công tác 6,7 năm. Thời gian gần đây, ngành có chủ trương thực hiện thuyên chuyển cho giáo viên: nữ: 3- 4 năm và nam: 4-5 năm công tác được về đất liền. Vậy mà vẫn có người ở lại lâu hơn với đảo. Điều đó bắt nguồn từ lòng yêu nghề, từ những đổi thay trên đảo và trên hết là tình cảm của người dân Bình Ba đối với các thầy cô giáo. Trời lúc nắng, lúc mưa, hình ảnh về giáo dục Bình Ba qua lời các anh dần hiện ra. Phía xa xa là ngôi trường mái đỏ 2 tầng - tâm điểm của xã Cam Bình - Trường THCS Nguyễn Trung Trực. Thành lập năm 2006 - 2007 ( theo dự án tách trường Phổ thông cơ sở Cam Bình). 5 năm sau, năm học 2011 - 2012, trường đã được công nhận trường Chuẩn Quốc gia và là trường Chuẩn Quốc gia đầu tiên của các trường đảo của tỉnh Khánh Hòa.
Trường chuẩn quốc gia đầu tiên của Khánh Hòa |
Từ một xã không có trường Trung học cơ sở, đến nay, Cam Bình đã có hệ thống trường từ mầm non, tiểu học đến Trung học cơ sở. Trường nào cũng khang trang, 2 tầng. Người dân đã quan tâm đến việc học của con em. 100% trẻ trong độ tuổi đã ra lớp 1. Toàn xã có trên 5200 nhân khẩu, trong đó có hơn 1000 học sinh, sinh viên. Trường không có học sinh bỏ học. Chúng tôi đến trường và được dự tiết chuyên đề về “Chủ quyền biển đảo”. Giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin, tiết dạy sống động và gần gũi với học sinh. Bởi nó được bắt nguồn từ biển đảo quê hương, với con tàu, lồng tôm và cuộc sống của người dân trên đảo. Từ Bình Ba, các em đến với biển đảo Khánh Hòa, biển đảo Việt Nam và các quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Minh Luận hào hứng nói với chúng tôi: "Trong giáo dục biển đảo về quê hương Khánh Hòa chú trọng về đảo Bình Ba, vị trí, lợi thế kinh tế, quốc phòng để các em nắm vai trò công dân biển đảo, nắm địa bàn sinh sống của mình, từ cái nhỏ mở rộng ra quê hương Khánh Hòa, sau đó giáo dục ý thức biển đảo chung cho cả nước". Những giờ học khơi dậy trong trẻ thơ tình yêu quê hương, khơi nguồn mơ ước. Em Nguyễn Văn Sinh - một học sinh lớp 7 trường THCS Nguyễn Trung Trực sôi nổi: "Con thấy tự hào về Bình Ba rất là tươi đẹp..Con muốn Bình Ba ngày càng tươi đẹp hơn, vì thế bây giờ con phải học, lớn lên.con dạy cho mọi người đánh bắt xa bờ. Ba mẹ con đã có ghe đánh bắt thủy sản. Con muốn sau này lớn lên con sẽ làm nghề nuôi bắt thủy sản ở đây phát triển rộng hơn”. Em Lâm Triệu Mẫn - một học sinh nữ lại có mơ ước học để làm nghề cô giáo về dạy ở quê hương mình. Người dân Bình Ba có nhiều tri thức để buôn bán thủy sản với số lượng lớn hơn. Mơ ước của các em nhỏ nhưng không nhỏ một chút nào.
Giữa đảo xa nhưng việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được nhà trường triển khai trong công tác quản lý, giảng dạy. Phòng máy tuy không lón nhưng đã được nối mạng internet. Học sinh được học vi tính và biết sử dụng internet từ năm lớp 6. Các em tham gia các cuộc thi Toán, Tiếng Anh dành cho học sinh trên mạng internet, như những học sinh khác ở đất liền. Sử dụng internet và học tiếng Anh bây giờ là nhu cầu không thể thiếu của học sinh xã đảo.
Lớp thầy cô đi trước trụ lại với đảo, với học sinh thân yêu đã gieo niềm tin cho lớp giáo viên trẻ về với đảo. Cho dù không hưởng chế độ đảo nhưng cuộc sống, con người và mái trường nơi đây đã là sợi dây neo - níu giữ họ đến và tiếp tục sự nghiệp "gieo chữ, trồng Người". Từ buổi đầu tiên qua đảo với ý nghĩa "qua cho biết thôi chứ chắc phải về", đến năm học này, cô giáo Võ Thanh Vy đã có 4 năm công tác tại trường tiểu học Cam Bình. Cô tâm sự: "Học sinh ở đây rất là đông và rất là ngoan. Chính vì cuộc sống nơi đây, vì những học trò bé bỏng đã tạo cho mình động lực và ở lại đây dạy. Em mong ước trường và phòng giáo dục trang bị nhiều đồ dung dạy học để giáo viên chủ động trong tiết dạy của mình, từ đó mang đến chất lượng bài dạy và mang đến kiến thức cho các em dễ dàng hơn, dễ tiếp thu hơn”.
Việc đầu tư cho giáo dục đã mang lại cho Bình Ba sự khởi sắc. Từ nay đến năm 2015, các trường của xã đảo Cam Bình sẽ được tiếp tục đầu tư theo hướng Chuẩn Quốc gia. Không chỉ ở thôn Bình Ba mà cả ở thôn Bình Hưng, trường học cũng sẽ khang trang. Tuy chưa có trường Trung học phổ thông, tốt nghiệp lớp 9, các em phải vào học ở đất liền nhưng nhiều gia đình đã cố gắng cho con em học tiếp. Ông Trần Văn Hóa Bí thư, Chủ tịch UBND xã Cam Bình phấn khởi nói với chúng tôi: “Vấn đề đầu tư cho giáo dục mang lại cho địa phương rất lớn. Ngành giáo dục toàn dân trên xã đảo có chất lượng rất cao. Hàng năm các em đi vào các trường phổ thông đậu 90% trở lên. Nhân dân cũng tập trung cho một số em đi vào Cao đẳng, Đại học. Hàng năm có khoảng 20 em. Còn lại đi vào trung cấp. Trong ngành giáo dục của địa phương đối với nhận thức của nhân dân có nhiều thay đổi và họ cũng đã tập trung tích cực hỗ trợ cho các trường đặc biệt giáo viên về công tác bên này rất là an tâm. Hướng của địa phương năm 2014 làm sao cho các trường có phòng chức năng theo chuẩn quốc gia, theo chuẩn của xây dựng nông thôn mới.”
Chuyện “Khởi sắc giáo dục Bình Ba” vẫn còn nhiều. Khó khăn của các thầy cô giáo nơi đây chưa phải đã hết. Đời sống của giáo viên còn chất vật, lo toan. Song trên hết vẫn là tinh thương, trách nhiệm, lòng yêu nghề, mến trẻ. Đã có người bén duyên, lập nghiệp. Đã có người sau 5, 7 năm về lại đất liền. Bình Ba là kỷ niệm mặn nồng với người đi xa, là tình yêu bền chặt với người bén đất. Tàu đã đợi trên cầu đò. Tạm biệt Bình Ba, tạm biệt những con người “gieo chữ - trồng người” nơi chắn sóng, hẹn ngày gặp lại.
Ký sự của Liên Minh