Thông báo gửi đi hôm 22/1 qua điện thoại vệ tinh từ châu Nam Cựccho thấy sự cam chịu, sầu muộn và mệt mỏi không thể giấu nổi.
"Khi người hùng của tôi, Ernest Shackleton, đứng cách Nam Cực 97 dặm (hơn 156 km) vào sáng 9/1/1909, ông nói rằng ông đã sức cùng lực kiệt", nhà thám hiểm người Anh Henry Worsley nói. "Vâng, hôm nay, tôi phải thông báo với các bạn trong nỗi buồn rằng, tôi cũng đã đi đến giới hạn. Hành trình của tôi đã chấm dứt".
Worsley muốn thực hiện chuyến đi để hoàn thành nỗ lực chinh phục châu Nam Cực từ một thế kỷ trước của Ernest Shackleton. Hành trình của Shackleton biến thành một cuộc vật lộn giành giật sự sống, sau khi tàu Endurance do ông chỉ huy bị mắc kẹt và chìm sau khi va phải băng năm 1915. Ông Shackleton sau đó đã xin giúp đỡ từ một trạm đánh bắt cá voi ở Nam Đại Tây Dương và giải cứu được đội ngũ đi cùng.
Theo NYTimes, Worsley bắt đầu chuyến đi của mình vào tháng 11, từ đảo Berkner, được bao quanh bởi một thềm băng. Trong thời tiết khắc nghiệt âm 40 độ C, trước những cơn cuồng phong ở độ cao hơn 2.700 m, Worsley mặc đồ leo núi và kéo theo một chiếc xe trượt để mang tư trang, bao gồm một chiếc lều, thiết bị liên lạc điện tử, dụng cụ leo núi và thức ăn đủ cho 80 ngày - chỗ đồ này nặng hơn 136 kg. Trung bình một ngày trong hành trình, ông đi bộ 13 giờ đồng hồ.
Hôm 2/1, ngày thứ 51 trong hành trình, ông đến Nam Cực và được các nhân viên của Trạm Nam Cực Amundsen-Scott chào đón, họ là những người đầu tiên ông gặp từ khi khởi hành. Ông không hề nhận đồ ăn hay đồ tiếp tế từ họ, để đảm bảo cuộc hành trình không được hỗ trợ từ bên ngoài.
Tuy vậy, ông vẫn vui vẻ nói: "Tôi tiếp tục leo thêm 60 m, lên mức hơn 2.900 m vào hôm nay", ông nói. "Tương tự hôm qua, bề mặt khá bằng phẳng và vững chắc, thời tiết đẹp". Cũng trong ngày này, ông mất một chiếc răng cửa giả khi cắn một món đồ ăn quá cứng vì bị đóng băng.
Nhưng khi càng nhiều ngày trôi qua, giọng nói đã hé lộ tình trạng sức khỏe suy yếu. "Tóm lại, hôm nay như thể một ngày trừng phạt", ông nói vào hôm 17/1, ngày thứ 66 trong hành trình. "Sự tàn ác là tuyết rất mềm. Cả ngày như thể địa ngục. Bây giờ tôi đã yếu đi rất nhiều và đó không phải là điều tôi cần. Tôi đang mất dần chút năng lượng nhỏ nhoi còn sót lại".
Đến ngày 22/1, sau khi không thể rời khỏi lều trong hai ngày, ông quyết định chấm dứt cuộc phiêu lưu dù chỉ còn cách đích chưa đầy 50 km. Ông được đưa đến bệnh viện và qua đời vào chiều 24/1 do suy đa cơ quan.
Hoàng tử William đã gửi lời chia buồn đến gia đình nhà thám hiểm, nói rằng Hoàng tử Harry và mình đã mất đi một người bạn. Cầu thủ David Beckham cũng viết rằng: "Không ngôn từ nào có thể diễn tả nỗi buồn trước sự ra đi của Henry Worsley".
Paul Rose, cựu chỉ huy cơ sở khảo sát Nam Cực của Anh cho biết: "Worsley không phải là một gã điên tùy tiện tham gia vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Ông ấy thực sự đã tính toán mọi việc rất thấu đáo", Rose nói.
Thế nhưng, "tình cảnh vẫn không thay đổi từ thời nhà thám hiểm huyền thoại Robert Falcon Scott và Shackleton", ông Rose nói thêm. "Nam Cực vẫn là nơi cực kỳ khắc nghiệt".