Giấy khen không có lỗi!

Không khí tổng kết không chỉ tưng bừng ở mỗi trường mỗi lớp mà còn nóng cả trên mạng xã hội. Trang cá nhân của nhiều giáo viên, phụ huynh theo đó cũng tràn lan bức ảnh khoe giấy khen của con em, học trò mình.

Niềm vui, niềm tự hào của cha mẹ, thầy cô khi con em mình đạt kết quả tốt sau một năm học hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng trong cách thể hiện niềm vui riêng, nhiều người đã vô tình làm tổn thương người khác. Mới đây, cộng đồng mạng bày tỏ sự bức xúc khi lan truyền một bức ảnh chụp cả lớp khoe giấy khen, duy chỉ một em là không có. 

Không biết bức ảnh chụp khi nào, thật hay đạo diễn nhưng dư luận nói chung đều không hài lòng vì hình ảnh này gây tổn thương cho đứa trẻ duy nhất không có… giấy khen. Tác động xúc cảm từ bức ảnh đã dấy lên ý kiến nhiều chiều xung quanh câu chuyện tặng giấy khen, trong đó có cả những ý kiến phủ định giá trị của hình thức khen thưởng này.

Phải khẳng định bản thân giấy khen không có lỗi. Tặng giấy khen cho học sinh vào dịp cuối năm học không chỉ nhằm ghi nhận những thành tích đã đạt được trong năm học mà còn có tác dụng động viên, khích lệ các em cố gắng, nỗ lực nhiều hơn về học tập, rèn luyện trong năm học tới, động viên những học sinh khác nhìn vào đó mà phấn đấu, noi gương.

Tuy nhiên thời gian qua, mặc dù Bộ GD&ĐT đã rốt ráo chỉ đạo nhưng bên cạnh một số trường học làm tốt công tác đánh giá, thi đua, khen thưởng vẫn còn không ít đơn vị lạm dụng phát giấy khen tràn lan, nhất là ở bậc mầm non, tiểu học. Nhiều cán bộ làm công tác công đoàn cho biết vào cuối năm học cơ quan có khen thưởng cho con em cán bộ, công nhân viên. Giấy khen trở thành một loại "chứng từ" để cơ quan chi thưởng. Khi giữ "chứng từ" này họ mới thấy giấy khen quả thật… "trăm hoa đua nở". 

Trừ cấp trung học tương đối rõ, còn nhiều trường mầm non, tiểu học cấp giấy khen khá tùy tiện. Có nơi trường mầm non cấp giấy khen cho trẻ như phổ thông nhưng cũng có nơi chỉ tặng phiếu "Bé khỏe"; "Bé ngoan"... Tương tự, trường tiểu học có nơi cấp giấy khen cho trò vì một thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc, có nơi lại không. Trường nào rộng rãi giấy khen thì con em người đó lợi, đến nỗi trong một số cuộc họp tổ công đoàn của phụ huynh, có người còn đề nghị khỏi cần giấy khen, nếu muốn làm "chứng từ" cứ… photoshop!

Khi giấy khen bị lạm phát, không phản ánh đúng năng lực học tập, quá trình rèn luyện của học sinh, việc khen thưởng không còn mang nhiều ý nghĩa. Học sinh có thể ngộ nhận về khả năng, sức học của mình. Khi một lớp có quá nhiều học sinh được khen thưởng, những em không được nhận lại trở thành "cá biệt", trở nên dễ bị tổn thương khi câu chuyện khen thưởng của lớp được phổ biến trên mạng xã hội.

Để giấy khen phát huy ý nghĩa tích cực trong giáo dục học sinh, việc thay đổi mạnh mẽ về nhận thức trong cách thức đánh giá, khen thưởng từ cấp quản lý đến mỗi giáo viên ở các đơn vị trường học là hết sức cần thiết. Song song đó, bên cạnh việc phát huy những ưu điểm của các văn bản quy định đánh giá học sinh hiện hành, chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, bản thân ngành cũng cần thiết có những quy định mới về khen thưởng phù hợp. Hi vọng, việc khen không đúng thực chất, khen không đúng bản chất còn tồn tại ở một số cơ sở giáo dục sẽ được khắc phục trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...