Bụng mang dạ chửa, một mình tránh bão
Năm 2008, khi vừa tốt nghiệp Trường Sư phạm Mầm non Đắk Lắk, cô giáo Hoàng Thị Hiếu tự nguyện ra đảo Cồn Cỏ dạy mầm non trong sự ái ngại của gia đình và bạn bè. Trong lần đầu tiên lênh đênh 2,5 giờ từ đất liền ra đảo, cơn say sóng “nhớ đời” không làm lung lay mong muốn mang con chữ đến nơi xa xôi và xây dựng một cuộc sống mới của cô giáo trẻ.
Tuy nhiên, ngay sau đó, cô gái 21 tuổi thấm thía nỗi vất vả khi sống ở một nơi hoang sơ, không điện, thiếu nước. Đến giờ, hình ảnh lớp học tạm bợ và không có bất cứ thiết bị học tập nào trong những ngày đầu tiên vẫn in đậm trong lòng cô Hiếu. Vất vả đã đành, nỗi cô đơn của một người trẻ giữa một nơi hiu quạnh mới là điều khó vượt qua nhất trong những ngày đầu cô Hiếu ra đảo.
Hai năm sau ngày ra đảo, cô Hiếu cũng dần quen với cuộc sống khắc nghiệt và xây dựng tổ ấm nhỏ cho riêng mình. Chưa kịp hạnh phúc với gia đình nhỏ bao lâu, cô giáo bám đảo buộc phải xa cậu con trai lớn 5 tuổi vì con phải vào đất liền ở nhà ông bà để học lớp 1.
Chồng và con trai thường xuyên công tác và học tập ở đất liền, cô giáo 29 tuổi đang sống trong một căn nhà mượn đơn sơ trên đảo cùng cô con gái vừa tròn 2 tuổi. “Yếu lòng nhất là những hôm con trai đau ốm, mình không thể về đất liền chăm con” – cô Hiếu nghẹn ngào nói.
Trong 8 năm nhiều gian khó ở đảo, cô Hiếu không thể nào quên nỗi hoang mang khi cơn bão số 11 ập vào Quảng Trị năm 2013. Cô Hiếu kể: “Ngày đó, tôi đang mang bầu tháng thứ 8 cháu thứ 2. Bão mạnh đến nỗi nhà bị tốc mái, cửa kính bể và người dân phải đi sơ tán.
Trên đường trở về nhà khi bão bắt đầu tan, Trường Mầm non Hoa Phong Ba sập ngay trước mắt tôi. Sau đó, tôi và nhiều người khác phải nấp vào nhà vệ sinh để nấu ăn vì chỗ đó kiên cố nhất lúc ấy. Sợ hãi có, hoang mang có, tôi tưởng như mình đã bỏ cuộc và cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in từng giây phút đó”.
Cô giáo kiêm… bảo vệ
Giữa cuộc sống khắc nghiệt, ngoài điểm tựa là cô con gái nhỏ, niềm an ủi lớn nhất của cô Hiếu là ngày ngày được chăm sóc và dạy dỗ những đứa trẻ hồn nhiên ở đảo. Theo cô Hiếu, trẻ em ở đảo chịu nhiều thiệt thòi khi chỉ mới 2 - 3 tuổi, nhiều em đã thiếu thốn tình cảm của cha hoặc mẹ vì cha mẹ phải vào đất liền mưu sinh. “Các em ngoài đất liền hay được bố mẹ dẫn đi chơi và mua tặng đồ chơi nhưng trẻ em trên đảo chưa từng biết đến điều ấy. Dường như biết được hoàn cảnh của mình nên các em đều hiền lành, lặng lẽ và ham học” – cô Hiếu nhận xét.
Thương các em học sinh có hoàn cảnh giống với con mình, cô Hiếu xem 11 học sinh ở nhiều lứa tuổi khác nhau tại Trường Hoa Phong Ba như ruột thịt và tận tình chỉ dạy từng câu chữ, kể từng câu chuyện hay cho các em. Để đảm bảo hoạt động cho ngôi trường chỉ có 11 học sinh này, cô Hiếu và một nữ đồng nghiệp khác kiêm nhiệm nhiều vai trò từ cô giáo đến kế toán, thậm chí là bảo vệ. Đối với hai cô giáo trẻ, miễn là các em có chỗ để học chữ, hai cô giáo sẵn sàng bỏ thêm công sức và kiêm nhiệm nhiều công việc khác nữa.
Gần chục năm gắn bó với Trường Mầm non Hoa Phong Ba, cô giáo trẻ Hoàng Thị Hiếu ấp ủ nhiều nguyện vọng để cải thiện chất lượng giảng dạy nhưng vẫn trăn trở hàng đêm mà chưa thực hiện được. Nguyện vọng lớn nhất của cô Hiếu là được tạo điều kiện để tổ chức bữa ăn trưa cho các em mầm non. Thêm vào đó, cô Hiếu cho rằng đảo đang rất thiếu cơ sở vật chất y tế để chữa bệnh cho trẻ em. “Nhiều trẻ đau ốm nhưng không có thuốc uống. Cô giáo và phụ huynh không biết phải làm sao” – cô Hiếu chia sẻ.
Khi được hỏi liệu rằng cô giáo có định rời đảo khi con gái cũng phải vào đất liền học lớp 1, cô giáo 29 tuổi của 11 học sinh mầm non trên đảo Cồn Cỏ chỉ cười trừ và nói: “Không nỡ, không nỡ”.
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Bộ GD&ĐT, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Năm 2016, chương trình sẽ tuyên dương 42 thầy cô đang công tác tại vùng biển đảo. Các thầy cô được tuyên dương sẽ nhận sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa của chương trình.