Giật mình với nợ thuế

GD&TĐ -Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa có báo cáo cho biết, tính tới hết 30/4/2016, tổng nợ thuế của cả nước là 76.000 tỷ đồng, tăng 3.123 tỷ đồng (khoảng 4,3%) so với cuối năm 2015.

Giật mình với nợ thuế

Trong số này, theo cơ quan thuế, số tiền nợ thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày là 36.729 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48,3% tổng số nợ. Các khoản phạt và tiền chậm nộp theo báo cáo hiện ở mức 23.921 tỷ đồng, tương đương 31,5% tổng số tiền nợ thuế. Con số này cũng tăng khoảng 5,4% so với cuối năm ngoái. Đằng sau những con số thống kê đó là hàng loạt vấn đề đáng suy nghĩ.

Theo Tổng cục Thuế, nguyên nhân chính của việc nhiều doanh nghiệp chậm nộp thuế là do gặp khó khăn về tài chính, sản xuất kinh doanh thua lỗ, rơi vào tình trạng giải thể nên không có nguồn thanh toán nghĩa vụ thuế đúng hạn.

Ngoài ra, báo cáo của cơ quan thuế cũng nhận định, một phần nguyên nhân khiến nợ thuế tăng lên bởi theo quy định của Luật Quản lý thuế, các khoản nợ thuế trên dưới 90 ngày, nợ không có khả năng thu vẫn phải tính tiền chậm nộp theo mức 0,05%/ngày (từ 1/7/2016 giảm xuống mức 0,03%/ngày). Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng chỉ ra sự thật rằng, có không ít doanh nghiệp hay cá nhân người nộp thuế chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, chây ì không nộp thuế đúng hạn.

Một trong những thông tin đáng chú ý được báo cáo của Tổng cục Thuế đề cập là việc doanh nghiệp không cung cấp đầy đủ thông tin về các tài khoản có dòng tiền hoặc khi có nợ thuế, bị truy thu số tiền lớn thì ngay lập tức bỏ công ty cũ, rời địa điểm kinh doanh, sau đó đăng ký lập công ty mới.

Có thể thấy, lỗ hổng quản lý nằm ở chỗ, hiện nay Luật doanh nghiệp hay Luật Quản lý thuế không có quy định nào đối với các thủ thể nợ tiền thuế thì không được phép thành lập công ty mới dù chỉ là thành viên góp vốn trong công ty mới thành lập. Việc cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng theo lãnh đạo ngành thuế cũng đang gặp khó bởi việc kê khai thông tin về tài khoản người nộp thuế chưa đầy đủ.

Chính lỗ hổng quản lý này dẫn đến thực tế một số người nộp thuế không chấp hành tốt việc cung cấp cho cơ quan thuế đầy đủ các tài khoản có dòng tiền, chỉ cung cấp những tài khoản không có số dư hoặc số dư nhỏ không đủ để thực hiện cưỡng chế.

Cùng với đó, trên thực tế, đối với công tác quản lý thuế, việc thu thập thông tin về tài khoản của người nợ thuế hiện còn mất nhiều thời gian do những cá nhân đơn vị này mở nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng đóng trên các địa bàn khác nhau. Từ đó, một trong những giải pháp mà cơ quan thuế cần hướng tới là phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cung cấp đầy đủ thông tin tài khoản cho cơ quan thuế.

Để giải quyết những bất cập này, đòi hỏi sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng đối với cơ quan thuế, cụ thể trong việc hợp tác để cung cấp, tạo điều kiện tiếp cận, khai thác thông tin về đăng ký tài khoản của các doanh nghiệp để phục vụ cho công tác xác minh thông tin tài khoản để cưỡng chế nợ.

Đồng thời, cơ quan thuế có thể gửi thông báo về số nợ phải cưỡng chế của người nộp thuế đến Ngân hàng Nhà nước, khi các doanh nghiệp nợ thuế phát sinh dòng tiền tại bất kỳ ngân hàng nào thì Ngân hàng Nhà nước có thể chỉ đạo các ngân hàng tự động trích tiền để nộp vào ngân sách Nhà nước đến khi hết nợ.

Một giải pháp khác trực tiếp đối với ngành thuế và cần được làm ngay là tập trung giải quyết kịp thời các hồ sơ gia hạn nộp thuế, xóa nợ, nộp dần tiền thuế hay không tính tiền chậm nộp để hỗ trợ người nộp thuế trong sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.