Giật mình với ấu trùng giun sán

GD&TĐ -  Mới đây, một bệnh nhân đến Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương trong tình trạng ấu trùng giun sán bò lổm ngổm dưới da và làm tổ trong cơ thể. 

Giật mình với ấu trùng giun sán

Các bác sĩ Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết, bệnh giun sán hiện có rất nhiều loại, trong đó có các loại hay gặp ở Việt Nam là sán lá gan lớn, giun đầu gai, giun lươn, giun đũa chó/mèo (sán chó), amíp, sán máng, sán gạo heo và sán lá phổi (Paragonimus). Nguyên nhân là do thói quen ăn uống đồ sống như gỏi cá, rau sống và môi trường sống không hợp vệ sinh…

Ấu trùng giun sán “làm tổ” dưới da

Bệnh nhân Nguyễn Thị X (41 tuổi, ở Quốc Oai, Hà Nội) bị mắc ấu trùng giun sán và làm tổ trong cơ thể. Cách đây 15 ngày, trên cánh tay bệnh nhân chỉ xuất hiện một vài nốt đỏ giống như muỗi đốt, nhưng khi gãi thì vết đỏ trên tay đó lại chạy và bò thành vệt dài dưới da, khiến bệnh nhân hoảng sợ. Bệnh nhân X cho hay: “Tôi bất ngờ khi ấu trùng giun sán xâm nhập vào cơ thể vì tôi nghĩ chỉ những người hay ăn đồ tái, sống mới bị. Còn tôi làm nông nghiệp mà cũng mắc căn bệnh nguy hiểm này. Đến ngày thứ 3 thì vết di chuyển càng dài hơn, lo lắng quá tôi đi khám thì được bác sĩ kết luận bị ấu trùng bò dưới da và chuyển về viện này điều trị”.

Bệnh nhân Lại Thị H. (29 tuổi, TP Vinh, Nghệ An) khi đang có thai ở tháng thứ 4 thì xuất hiện sẩn ngứa liên tục khắp người. Thậm chí sau khi sinh con, bệnh nhân này có hiện tượng ngứa xuất hiện trở lại với mức độ nặng hơn, lúc đầu ở mặt, sau đó toàn thân. Ngứa làm mặt bệnh nhân biến dạng, bị phù nhiều, bôi các thuốc chống ngứa đều không giảm. Dù dùng thuốc nhưng các nốt dị ứng, phù mặt, nổi sẩn ngứa ngày càng nhiều hơn. Bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán hồng ban đa dạng, dùng thuốc chống dị ứng có đỡ, nhưng sau đó tái phát như cũ. Bệnh nhân tiếp tục đi khám tại Bệnh viện Da liễu T.Ư và được chẩn đoán chàm đồng xu. Đáng nói không chỉ bệnh nhân mà ngay cả bác sĩ cũng ít khi nghĩ tới nguyên nhân gây bệnh là do ký sinh trùng. Sau đó, bệnh nhân đến Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương và được các bác sĩ chỉ định xét máu ELISA chẩn đoán ký sinh trùng.

Ông Nguyễn Văn H., 55 tuổi (Quảng Nam), bị mẩn ngứa, nổi mề đay hơn 30 năm, điều trị khắp nơi không khỏi. Thậm chí có nơi còn kết luận ông H. mắc viêm da cơ địa và được kê thuốc điều trị nhưng uống không thuyên giảm. Cuối cùng, ông được chỉ định xét nghiệm máu ELISA chẩn đoán ký sinh trùng. Kết quả xét nghiệm cho thấy, ông bị nhiễm giun đũa chó, giun lươn ruột và giun đầu gai. Các bác sĩ kê thuốc điều trị đặc hiệu ba loại giun này. Sau điều trị một tháng ông đã hết ngứa, hết phù, hết các nốt ở da và trở lại bình thường.

BS Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết, đây là 3 trong số rất nhiều trường hợp mắc ấu trùng giun sán được điều trị tại Viện. Những trường hợp bị ngứa lâu ngày nên xét nghiệm máu để chẩn đoán một số loại giun sán trong máu gây ngứa dị ứng da. Thông thường, sau điều trị đặc hiệu giun sán, bệnh nhân sẽ hết ngứa trong vòng 3 tuần.

Nhiễm ấu trùng giun sán nguy hiểm

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có trên 60 triệu người nhiễm ấu trùng giun sán. Theo đó, hơn 1/3 mẫu rau ở nông thôn, 1/4 mẫu rau ở thành phố xét nghiệm có trứng giun đũa. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10% dân số bị ngộ độc, trong đó ngộ độc do vi sinh vật và ký sinh trùng chiếm 1/2 số ca ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế cảnh báo, tình trạng nhiễm ký sinh trùng chiếm một tỉ lệ rất lớn trong cộng đồng gây nên nhiều bệnh cảnh phức tạp, biểu hiện rất đa dạng nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Không chỉ người dân không biết đến bệnh mà ngay cả các bác sĩ cũng dễ bị bỏ sót.

GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên trưởng bộ môn Ký sinh trùng Trường ĐH Y Hà Nội cho hay, những người nhiễm ấu trùng là do thường xuyên tiếp xúc với đất có ấu trùng và những đường ngoằn nghèo đó không phải là hình thù con ấu trùng mà là đường hầm do ấu trùng di chuyển tạo ra. Loài ấu trùng thường gặp khi di chuyển dưới da là ấu trùng giun lươn. Đây là loài có chu kỳ tự nhiễm nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời.

GS.TS Nguyễn Văn Đề nhấn mạnh, người có biểu hiện dị ứng ngoài da, thậm chí hình giun, sán ra bên ngoài nhìn tuy sợ nhưng không đáng ngại bằng biểu hiện thầm lặng bên trong. Mỗi loại giun sán sẽ gây một sức tàn phá khác nhau trong cơ thể. Chúng có thể ăn lên não, cơ tim, mắt hoặc chỉ gây ngứa, mủ và viêm da. Khối u này dần chuyển thành một nốt nhỏ hoặc một khối phù nề, gây ra những tổn thương đối với hệ thần kinh Trung ương như làm rối loạn tri giác, liệt nửa người, hôn mê. Ngoài ra, ấu trùng còn có thể di chuyển vào nội tạng như gan, phổi, gây đau bụng, ho, đau ngực, khó thở. Nếu chúng di chuyển vào mắt thì sẽ gây xuất huyết, giảm thị lực, dẫn đến mù lòa. Còn khi chúng chui vào hốc tai, hốc mũi sẽ gây ra hiện tượng nhức tai, viêm mũi.

Để tránh những biến chứng nguy hiểm và phòng chống bệnh do ký sinh trùng cần ăn chín, uống chín, vệ sinh môi trường sạch sẽ: Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi ra môi trường, quản lý tốt phân, nước, rác...; không dùng phân tươi hoặc chưa ủ kỹ để bón cây; không để chó lợn gà ăn phân và thải ra môi trường; vệ sinh cá nhân: Đi giày dép, mang găng tay, đi ủng... khi tiếp xúc với đất, rau. Đặc biệt, các bác sĩ khuyến cáo, các xét nghiệm phát hiện giun sán trong đường ruột, trong máu, trong gan, trong đường mật, trong phổi, trong não, trong mắt, trong hệ thần kinh Trung ương, dưới da cơ và các cơ quan khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ