Giáo viên vùng cao khắc phục khó khăn để dạy online cho học trò

Giáo viên vùng cao khắc phục khó khăn để dạy online cho học trò

“Hứng sóng” để nhận bài giảng

Với những địa phương thuận lợi, việc dạy học trực tuyến cũng còn nhiều rào cản. Thế nên, ở địa bàn miền núi việc dạy học thông qua các phần mềm công nghệ tới HS đòi hỏi thầy cô và nhà trường phải cố gắng rất nhiều. Cô Lưu Thị Minh Đức, hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Bắc Hà (Lào Cai) tâm sự: Là trường dân tộc nội trú do đó HS phân bố rải rác ở khắp huyện, địa hình phức tạp nên các thiết bị CNTT chưa được phủ tới mọi nơi. Chính vì vậy để dạy học bằng hình thức trực tuyến nhà trường gặp vô vàn khó khăn.

Trình độ dân trí hạn chế, thu nhập thấp nên để có một chiếc máy tính hay điện thoại thông minh đối với các gia đình ở miền núi không phải dễ dàng. Thậm chí mua được điện thoại rồi nhưng để nhận được tài liệu, thông tin thầy cô gửi học trò có khi phải lên tận đỉnh núi để “hứng sóng”. Ngay các việc muốn HS được học trên sóng truyền hình cũng phụ thuộc rất nhiều vào việc tiếp sóng. Nhiều HS ở những thôn bản hẻo lánh cũng không theo dõi được bài dạy trên truyền hình.

“Trước khó khăn như vậy nhưng BGH nhà trường và các thầy cô vẫn tìm mọi cách để có thể cung cấp kiến thức tới học trò. Ngay khi Bộ GD&ĐT hướng dẫn nội dung tinh giảm cũng như đề thi minh họa ở các bộ môn cho HS lớp 12, nhà trường đã họp và lên kế hoạch thống nhất chương trình dạy và ôn tập cho các em. 

Để dạy trực tuyến qua các phần mềm có tương tác là rất khó khả thi (do điều kiện về cơ sở vật chất và đường truyền hạn chế), nên nhà trường đã khuyến khích các thầy cô sử dụng phần mềm miễn phí của VNPT để chia sẻ kiến thức và ôn tập cho các em.

Giáo viên vùng cao khắc phục khó khăn để dạy online cho học trò ảnh 1
Học trực tuyến ở vùng cao gặp nhiều khó khăn

GV thực hiện việc quay các video bài giảng để chuyển cho HS của mình. BGH nhà trường cũng đã tuyên truyền tới phụ huynh đặc biệt ở khối 12 tạo điều kiện mua cho con một chiếc điện thoại, còn sim thẻ dùng để học thầy cô sẽ quyên góp giúp đỡ”, cô Lưu Thị Minh Đức cho biết như vậy.

Linh hoạt chuyển tải kiến thức qua nhiều kênh

Trao đổi về việc làm thế nào để chia sẻ kiến thức được tới học sinh nhiều nhất, cô giáo Lục Thị Vân, GV giảng dạy bộ môn Ngữ văn lớp 12 của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Bắc Hà cho biết: Học sinh ở các lớp cô dạy rải rác khắp huyện ở nhiều thôn bản cách trở như Bản Liền, Tả Củ tỷ, Bản Cái... nên điều kiện học tập của các em còn nhiều khó khăn. Đợt chưa có lệnh cách ly do dịch, khi HS nghỉ học tôi thường tranh thủ gửi bài cho HS thông qua hệ thống bưu điện hoặc có người lên đó.

Còn hiện giờ để các trò có thể nhận được nhiều nhất nội dung kiến thức tôi đã thực hiện trên 3 nhóm phần mềm khác nhau. Phần mềm Zoom tương tác trực tiếp với HS ở những khu vực thuận lợi hơn nhưng cũng chỉ được 5 HS. Ngoài ra là phần mềm Loom và phần mềm của VNPT trên điện thoại thông minh.

“ Mặc dù phải mất nhiều thời gian hơn để tương tác và chia sẻ cho HS, nhưng tôi vẫn cố gắng vì nghĩ thêm được em nào học theo cô giáo trong lúc này là rất tốt cho các em. Trong số 70 HS của khối 12 có khoảng 70% các em có thể học online theo hướng dẫn của cô giáo. Thông thường tôi sẽ soạn các bài trên Power point, sau đó quay video và ghi âm lời giảng của mình để gửi cho các em trên Zalo, trên phần mềm Loom hay VNPT.

Việc ôn tập cũng sẽ được tôi soạn theo cách tóm tắt các nội dung kiến thức cơ bản từng bài rồi gửi kèm nội dung đề bài để HS có thể luyện tập ở nhà. Với những đề bài khó tôi sẽ chia sẻ dàn ý chi tiết và yêu cầu các em hoàn thành bài viết của mình theo thời gian quy định”, cô giáo Lục Thị Vân chia sẻ như vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ