(GD&TĐ) - Sau đợt đánh giá kĩ năng của học sinh lớp 1 và lớp 3 (EGRA) năm 2013 do một nhóm chuyên gia tư vấn thực hiện với sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học về ngôn ngữ và giáo dục của Việt Nam, nhóm chuyên gia cho thấy: Điều ngạc nhiên và vui mừng là kết quả đọc từ quen thuộc và đọc thành tiếng đoạn văn của HS cao hơn so với chuẩn kĩ năng của Bộ GD&ĐT đề ra.
Tuy nhiên, kết quả các phần đọc hiểu, nghe hiểu, chính tả vẫn còn tương đối thấp, đặc biệt thấp đối với HS lớp 1. GD&TĐ đã phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Trí (chuyên gia của Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục nhà trường- SEQAP) - người đã tham gia EGRA, về một số khía cạnh đáng quan tâm.
Ông có nhận xét gì về kĩ năng đọc của HS đầu cấp Tiểu học hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Trí |
- Kĩ năng đọc của HS đầu cấp Tiểu học nếu đánh giá so với chuẩn hiện nay của Bộ GD&ĐT thì tốc độ đọc trơn của HS còn cao hơn cả chuẩn. Nhưng ở các khía cạnh khác, ví dụ đọc những tiếng quen thuộc, đọc âm chữ cái, đọc tên chữ cái do ta chưa có chuẩn nên chưa thể so sánh được.
Bộ GD&ĐT nên xây dựng thêm các chuẩn ngoài chuẩn về tốc độ đọc trơn như đã có hiện nay. Chúng ta cũng đã bắt đầu tham khảo các quốc gia khác về vấn đề này để có những so sánh. Ví dụ như đối với tốc độ dừng sớm, HS ở Việt Nam có tỉ lệ rất thấp. Tức là số HS đọc đủ 1 phút rất lớn. Điều này tốt hơn nếu so với HS ở một số quốc gia khác mà những nhà khoa học làm khảo sát đã nêu trong báo cáo mới đây.
Những yếu tố chi phối kĩ năng đọc của HS đầu cấp Tiểu học có khá nhiều. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu về kĩ năng đọc của HS đầu cấp Tiểu học cũng đã đưa ra các giải pháp liên quan. Theo ông, những yếu tố nào cần phải nhấn mạnh?
Có 3 lĩnh vực đã được nghiên cứu để chỉ ra các yếu tố chi phối kĩ năng đọc của HS đầu cấp Tiểu học: Thứ nhất là yếu tố chi phối về phía nhà trường, thứ hai là yếu tố chi phối về phía gia đình, thứ ba là yếu tố chi phối về phía giáo viên và các hoạt động chuyên môn của giáo viên.
Đã có những kiến nghị mà nhóm nghiên cứu về kĩ năng đọc của HS Tiểu học nêu ra sau khi chỉ được những yếu tố chi phối kĩ năng đọc của HS đầu cấp Tiểu học. Có 3 kiến nghị lớn cần quan tâm, đó là về phía vĩ mô, nên có những điều chỉnh về chuẩn (tốc độ đọc của HS); Kiến nghị nữa là cần đưa ra những hướng dẫn, phương pháp dạy học sao cho hiệu quả hơn. Ví dụ, hiện nay vẫn đang chú ý việc dạy đọc thành tiếng nên tốc độ đọc thành tiếng rất nhanh; nhưng trong quan hệ đọc - hiểu thì chưa được đầu tư nhiều, cho nên phần đọc - hiểu so với phần đọc thành tiếng kết quả thấp hơn. Tuy nhiên, cái đích cuối cùng đối với việc đọc của HS là đọc hiểu, đọc văn bản mà hiểu được đúng văn bản, hiểu đầy đủ thì lý tưởng.
Học sinh sẽ có hứng thú với việc học đọc cũng như việc học ở trường nói chung nếu được giáo viên và gia đình quan tâm. Ảnh: Thanh Tuấn |
Xét vấn đề kĩ năng đọc của HS đầu cấp Tiểu học với chương trình hiện nay, có gì cần điều chỉnh không, thưa ông?
- Nếu nói về chương trình hiện nay thì tôi thấy không có vấn đề gì lớn. Nhưng ở đây phải phân biệt rõ hai khái niệm giữa chương trình và SGK. Một chương trình có thể có nhiều quyển SGK viết cho chương trình đó. Cụ thể, có sách dùng đại trà hiện nay và có sách Công nghệ GD. Rõ ràng, mỗi loại sách khác nhau viết cho một chương trình thì cũng có tác động khác nhau.
Trước mắt, để nâng cao kĩ năng đọc của HS đầu cấp Tiểu học, theo ông, giáo viên cần phải làm gì?
- Nhóm khảo sát về kĩ năng đọc của HS đầu cấp Tiểu học vừa qua cũng đã nêu những ý kiến đối với GV. Đề nghị được đưa ra với GV là cần lưu ý hơn đến đối tượng dạy học của mình, để có những áp dụng cụ thể theo đối tượng GV dạy. GV cũng cần đẩy mạnh những sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường. Bởi vì, những trường có sinh hoạt chuyên môn đều thì trình độ đọc của GV cũng tốt hơn. Cũng phải bồi dưỡng những chuyên đề về đọc cho GV. Vì theo khảo sát, những GV có hứng thú với chuyên đề về đọc thì cũng có được kết quả dạy đọc cho HS tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!
Khả năng đọc và hiểu những văn bản đơn giản là một trong những kĩ năng cơ bản nhất mà một đứa trẻ có thể học được ở nhà trường. Thiếu khả năng đọc cơ bản này thì đứa trẻ lớn lên có nhiều nguy cơ sẽ bị rơi vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo. |
Thái độ của GV đối với các loại bài học của phân môn đọc và sự nhấn mạnh một số kỹ năng đọc bộ phận cũng có tác động đến kết quả học tập của HS. Việc quá chú trọng đến các bài dạy học vần, chính tả, tập viết sẽ làm cho GV không đủ thời gian tập trung vào các kỹ năng đọc quan trọng khác, do đó có tác động tiêu cực đến kết quả đọc của HS. Trong khi đó, chương trình đào tạo, các khóa huấn luyện chuyên môn có liên quan đến kỹ năng đọc và hiệu quả của các chương trình, khóa tập huấn giúp cho GV dạy tốt hơn và kết quả đọc của HS cũng đạt cao hơn. Cùng với đó, sự thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, dự giờ góp ý và chia sẻ khó khăn với Hiệu trưởng và các đồng nghiệp trong trường giúp tạo môi trường làm việc thoải mái và giúp các tiết học đạt kết quả tốt. Khảo sát còn chỉ ra thêm rằng SGK Tiếng Việt 1, tập 1 của Công nghệ GD không chỉ làm cho HS thích học và GV thích dạy mà còn giúp cho HS đạt được kết quả cao hơn ở một số kỹ năng đọc bộ phận. |
Thu Ba