Giáo viên phải là chủ công

GD&TĐ - Là một trong những nhà giáo được nhận Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” dịp 20/11/2018, cô Nguyễn Thị Thu Trà - GV Tiếng Anh Trường THCS Tam Hưng (Thanh Oai, Hà Nội) tâm niệm: Để có được những tiết học vui vẻ, hạnh phúc, GV phải là người khơi nguồn cảm hứng và là “chủ công” để xây dựng những giờ học hạnh phúc.

Cô Trà khởi động tiết học bằng một trò chơi. Ảnh: NVCC
Cô Trà khởi động tiết học bằng một trò chơi. Ảnh: NVCC

Luôn thân thiện với học trò

Từ những năm tháng đứng trên bục giảng, cô Trà rút ra bài học kinh nghiệm cho mình: Dù GV có phương pháp dạy học tích cực hoặc sáng tạo đến đâu nhưng bước vào lớp với khuôn mặt nghiêm nghị, kém vui sẽ khó đạt được kết quả như mong muốn. Cô cho biết: Khi xem chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” và tiếp xúc với Đề án Ngoại ngữ 2020, tôi được tiếp xúc với GV nước ngoài.

Bản thân nhận thấy mình cần phải thay đổi từ thái độ, cách cư xử với học trò ngay từ giây phút đầu tiên khi bước vào lớp. GV có vui vẻ, gần gũi, thân thiện, học trò mới thoải mái, tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ với cô giáo. “Tôi hay nói với học sinh: Các con là tình yêu, là niềm tự hào của cô, các con rất tuyệt vời. Có lẽ vì thế, học sinh luôn tin tưởng, tâm sự với tôi từ chuyện học tập cho đến những chuyện thầm kín của tuổi mới lớn” - cô Trà bộc bạch.

Nhớ lại kỷ niệm với một cậu học trò, cô Trà kể: Năm đấy, cô là GV chủ nhiệm lớp 7 và dạy tiếng Anh. Một lần, cô giáo môn Sinh học ghi vào sổ đầu bài một học sinh nam vì mắc khuyết điểm nói chuyện trong giờ học. Quá tức giận với cô giáo môn Sinh học nên học sinh đó đã tìm cách trả thù. Con lấy trộm điện thoại di động của cô giáo. Cả lớp không ai biết việc làm của con.

Đến cuối buổi dạy, cô giáo mới phát hiện mất điện thoại. Cô đi tìm tất cả những lớp mình đã dạy ngày hôm đó nhưng cũng không thấy điện thoại đâu. Xâu chuỗi lại tất cả các sự kiện, cô đoán chỉ có cậu trò nhỏ kia đã lấy. Cô đến gặp và nói chuyện với cậu học trò đó nhưng em nhất quyết không nhận.

“Đến chiều con gọi điện cho người nhà của cô và giả danh người lớn đòi tiền chuộc. Cô giáo cũng chuộc và chụp lại được hình của con. Khi cô cho tôi xem tấm hình, tôi nhận ra đấy là học sinh của lớp mình chủ nhiệm. Tôi đến gặp phụ huynh và học sinh của mình để động viên con nhận lỗi. Dù động viên bằng mọi cách nhưng con vẫn không nhận mình làm.

Khi tôi đưa những bằng chứng xác thực, con mới nhận lỗi và viết kiểm điểm trước cô giáo và Ban Giám hiệu nhà trường. Tuy nhiên, tôi đã xin với cô giáo môn Sinh học và Ban Giám hiệu nhà trường cho học sinh của mình cơ hội sửa sai. Năm học ấy, con xếp con hạnh kiểm Khá và đặc biệt nhà trường không phê bình hay kỷ luật con trước toàn trường” - cô Trà kể lại.

Không dùng “kỷ luật thép”

Cô Trà luôn tận tình giúp đỡ và GD các em bằng sự chân thành. Ảnh: NVCC

Cô Trà luôn tận tình giúp đỡ và GD các em bằng sự chân thành. Ảnh: NVCC 

Không quát mắng, không dùng “kỷ luật thép” để xử lý học sinh phạm lỗi, mà bằng sự chân thành của mình, cô Trà đã giúp cậu học trò của mình thay đổi và trở thành người con ngoan, trò giỏi. Cô Trà kể tiếp: “Thời gian đó, mỗi khi bước vào lớp, tôi luôn động viên con bằng ánh mắt, cử chỉ và tuyệt nhiên không bao giờ nhắc lại sai lầm của con. Khi tốt nghiệp THCS, con đã đỗ vào lớp chất lượng cao của một trường THPT.

Ngày quay trở lại trường, con gặp tôi và bật khóc khi nghĩ về hành vi sai trái của mình trong quá khứ. Con nghẹn ngào nói: “Cô ơi, tại sao ngày đấy con lại hành động như vậy nhỉ?”. Tôi ôm con và nói: Ai cũng có những lúc mắc phải sai lầm! Quan trọng là mình biết nhận ra và sửa chữa. Con đã làm được, cô tin con sau này là người tốt và có ích” - cô Trà bộc bạch và cho biết: Kỷ niệm này cũng là bài học và kinh nghiệm cho cô trong quá trình dạy học sau này.

Được biết, cô giáo Nguyễn Thị Thu Trà là một nhà giáo tâm huyết, sáng tạo, luôn hết lòng vì công việc, vì học sinh và tập thể nhà trường. Với mong muốn đưa những điều mới lạ, thú vị vào trong mỗi bài giảng để thu hút học sinh vào tiết học nên phần đầu mỗi tiết học, cô đã lồng ghép các trò chơi, hoặc cho học sinh nghe một bài hát, video clip về nội dung bài học để tạo cảm giác tự tin, vui vẻ cho học sinh.

Phần tìm hiểu nội dung bài học, cô cũng thiết kế thành các trò chơi như: “Who is millionaire”, “Magical Hat”… Qua đó, tạo hứng thú cho học sinh ngay từ những phút đầu tiên của tiết học. Nhờ vậy, những giờ lên lớp của cô luôn sôi nổi. Điều quan trọng hơn là cô - trò đều cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc sau mỗi giờ học.

Tôi luôn coi học sinh như những người bạn để chia sẻ. Một nụ cười, một cái xoa đầu, một cái nắm tay hay một lời động viên cũng đủ để thầy trò chúng tôi hiểu nhau và thân thiện hơn.
Cô Nguyễn Thị Thu Trà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.