Có con gái đầu lòng vừa đủ tuổi vào mầm non, vợ chồng anh Hưng đã xin cho con đi học lớp mẫu giáo 3 tuổi tại quận Ba Đình (Hà Nội). Trường gần nhà, gần cơ quan bố mẹ, tiện cho việc đưa đón nhưng gia đình anh luôn băn khoăn rằng ba cô giáo lớp con anh học đều đã cao tuổi.
Sau hơn một tháng đi học, con gái của họ mới thay đổi được cách gọi “bà giáo” sang cô giáo. Vì lẽ, cô giáo trẻ nhất đã tứ tuần, hai cô còn lại ngấp nghé tuổi về hưu.
Sở dĩ các trẻ mẫu giáo cũng có chung tâm lý không thích học cô giáo “già” xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nào là cô nghiêm khắc, không khéo léo nựng trẻ như các cô giáo trẻ.
Đặc biệt, giờ dạy múa hát, tổ chức hoạt động ngoại khóa của cô giáo không thể sinh động, hay, hấp dẫn như các lớp có GV trẻ dạy, chị Nguyễn Thu Hằng (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ như vậy. Chính vì thế, cu Tý con trai chị mấy tháng đầu đi học sáng nào cũng khóc và chỉ đòi mẹ cho học tiếng Anh thôi.
Thực tế cho thấy, ở các trường dân lập, tư thục, đội ngũ GV mầm non đứng lớp có tuổi đời trẻ hơn nhiều so với các cô giáo công lập. Nguyên do, các trường tự chủ trong tuyển GV, đặc biệt các Hiệu trưởng rất khéo trong việc phân công công việc cho GV đã luống tuổi, tránh để họ phải đứng lớp. Vì thế, GV đứng lớp tuổi đời rất trẻ, hầu hết là nữ sinh mới tốt nghiệp hoặc GV có kinh nghiệm vài năm đi dạy.
Còn ở các trường công, đội ngũ GV đã vào biên chế là yên vị công tác. Thêm vào đó, nếu Hiệu trưởng không biết bố trí công việc cho phù hợp thì nhiều cô sẽ phải đứng lớp cho đến lúc nghỉ hưu. Do đó, học trò phải học lớp cô giáo già, đến khi có GV mới về thay thế học sinh mới được học lớp cô giáo trẻ.
Nhiều lãnh đạo quản lý cấp Phòng GD&ĐT cũng thừa nhận, việc đổi mới phương pháp dạy học, nhất là ứng dụng CNTT, soạn giáo án điện tử…với GV lớn tuổi là rất hạn chế.
Do tuổi tác, thầy cô ngại áp dụng các phương pháp dạy học mới mà chỉ dạy phương pháp dạy học truyền thống, vì vậy, giờ học không cuốn hút được học sinh.
Đặc biệt là GV mầm non đã có vài ba chục năm thâm niên với nghề không thể sử dụng cũng như áp dụng phương pháp dạy học hiện đại.
Điều này cũng lý giải tại sao, một số tai nạn của trẻ mầm non ở trường học GV không biết cách sơ cấp cứu, khiến trẻ rơi vào tình trạng nguy hiểm, tử vong như thức ăn, đồ chơi lọt vào đường thở, bị bỏng nặng…vv.
Trong khi đó, GV trẻ mới ra trường có nhiều lợi thế hơn hẳn. Bản thân họ ngay từ khi còn học trong trường sư phạm giáo án của giảng viên cũng đã thay đổi, cập nhật.
Thậm chí các cô còn được học qua các kỹ năng, các lớp đào tạo học sinh chuyên biệt. Vì thế, họ không chỉ giỏi về kiến thức, có trình độ mà còn biết cách thao tác, xử lý các tình huống.
Những năm trở lại đây, công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ tại các trường học các cấp được coi trọng. Nếu không có đội ngũ GV trẻ được đào tạo bài bản chuyên sâu chắc chắn công việc này sẽ khó khăn hơn rất nhiều.