Giáo viên giỏi phải cùng học sinh “bơi tới bến”

GD&TĐ - Là giáo viên dạy lớp chuyên Lịch sử Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, cô Nguyễn Thị Minh Hải với lòng nhiệt huyết của mình đã tạo dựng được nhiều thế hệ học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi quốc gia. Năm học 2018 - 2019, đoàn học sinh giỏi môn Lịch sử do cô bồi dưỡng đã đoạt 4 giải Nhì kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử.

Cô Nguyễn Thị Minh Hải cùng đội tuyển 10 học sinh giỏi môn Lịch sử năm học 2018 - 2019
Cô Nguyễn Thị Minh Hải cùng đội tuyển 10 học sinh giỏi môn Lịch sử năm học 2018 - 2019

Hiểu tâm lý học trò

Những thành tích trên đây đã làm giàu thêm bảng thành tích các đoàn học sinh giỏi môn Lịch sử của Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc được cô Nguyễn Thị Minh Hải bồi dưỡng những năm gần đây với 2 giải Nhất, 12 giải Nhì, 5 giải Ba, 4 giải Khuyến khích. Nhận định về giáo viên giàu thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi của nhà trường, nhà giáo Hoàng Mạnh Du - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc khẳng định: Các thầy cô giáo dạy môn chuyên của trường đều có lòng say mê, tâm huyết, nhiệt tình và truyền lửa đến học sinh. Cô Nguyễn Thị Minh Hải ngoài những phẩm chất trên còn là một giáo viên rất hiểu tâm lý học sinh, được học trò yêu mến.

“Cô Hải đã có nhiều sáng tạo về phương pháp dạy học. bài học trong sách được cô liên hệ với thực tiễn sinh động và cách truyền đạt nhuần nhuyễn. Nhiều trận đánh tiêu biểu được cô đổi mới phương pháp giảng dạy, học sinh được học tại bảo tàng, xem phim về trận đánh đó trong lịch sử. Cách dạy của cô không bị bó buộc trong 4 bức tường mà học sinh được thoát ra ngoài môi trường học tập trên lớp với phấn trắng bảng đen truyền thống nên các em rất thích thú với bài giảng của cô”, thầy Du cho biết.

Về phần mình, nhà giáo Nguyễn Thị Minh Hải chia sẻ: Cô tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội về giảng dạy tại Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc đến nay đã 21 năm. Những năm đầu đứng lớp 10 chuyên Sử, rồi hơn 10 năm nay cô được chuyển dạy đuổi môn Lịch sử từ lớp 10 đến lớp 12. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho cả cô và trò trong giảng dạy - học tập kiến thức chuyên và nâng cao môn Lịch sử.

Đặc thù môn Lịch sử là có nhiều học sinh nữ theo đuổi, tuy nhiên cô Hải đã biết cách phát huy thế mạnh của cả học sinh nam và nữ khi học môn này. Theo cảm nhận của cô, các bạn nữ chăm chỉ hơn nhưng về mặt nào đó độ bật của học sinh nam tốt hơn. Điều này có phần đúng với đội tuyển môn Lịch sử dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia do cô Hải bồi dưỡng có 10 học sinh thì tỷ lệ nam nữ ngang bằng nhau (có 5 nam, 5 nữ).

“Cả bạn nam, bạn nữ đều có thể học tốt Sử học vì các bạn có thế mạnh riêng của mình, điều quan trọng là giáo viên phải biết phát huy hết những điểm mạnh của học trò để các em phấn đấu học tốt” – cô Hải chia sẻ.

Cùng học sinh “bơi tới bến”

Theo cô Nguyễn Thị Minh Hải, môn chuyên nào cũng có hai mục tiêu: Đó là giáo dục đại trà và bồi dưỡng học sinh giỏi. Học sinh trường THPT chuyên cũng phải học đều tất cả các môn học đáp ứng phân phối chương trình giáo dục phổ thông, tuy nhiên còn có các mục tiêu cao hơn hướng đến là các kỳ thi mũi nhọn. Chính vì vậy để có các mức kiến thức khác nhau, học sinh cần được bồi dưỡng trên nền tảng kiến thức cơ bản của giáo dục phổ thông.

Cô Hải luôn tâm niệm: “Muốn học giỏi, các em phải nắm được kiến thức cơ bản trước đã. Đối với học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi, giáo viên phải biết khơi dậy đam mê. Để tạo được đam mê cho học sinh, trước hết cô giáo phải đam mê môn học, cô đam mê mới truyền lửa cho học sinh được”.

“Về mặt kiến thức, giáo viên luôn luôn phải tìm tòi những cái mới, cái hay để cập nhật cho học sinh. Từ những bài học của quá khứ song vẫn còn mang tính thời sự giáo viên phải có sự liên hệ, phân tích cho học sinh hiểu bài học. Nếu chỉ dạy một chiều mà không cho học sinh tranh biện, phản hồi sẽ gây nhàm chán cho học sinh” - cô Hải chia sẻ.

Với học sinh giỏi, kỹ năng lập luận, trình bày một vấn đề lịch sử rất quan trọng, cũng cần những mạch lôgic, hành văn như bài làm văn. Nhiều khi trình bày một vấn đề lịch sử cũng như văn học, giáo viên cần dạy cho học sinh những cách trình bày, đầu tư thời gian nhiều hơn, rèn luyện kỹ năng cho học sinh từ câu từ, diễn đạt, từ những nhận thức bắt đầu từ diễn biến chính trị, bối cảnh lịch sử của vấn đề để trình bày bài viết, cần có thời gian để học, luyện.

Cô Hải cho rằng: “Học sinh lớp 10 mới từ THCS vào học trường chuyên, nếu theo chuyên Sử như là người đang học bơi trong ao làng mà ra biển lớn. Trong cuộc đua dài hơi này, giáo viên đóng vai trò đặc biệt quan trọng là hướng dẫn học sinh cả về quyết tâm theo đuổi việc học. Việc học ở đây được ví như cuộc đua bơi dài hơi và giáo viên phải song hành, trang bị cho học sinh kỹ thuật bơi bền bỉ để về đích”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ