Giáo viên chủ nhiệm: Tâm và tầm

GD&TĐ - Khoác trên vai nhiều trọng trách nặng nề, đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm (GVCN) phải tận tâm, yêu nghề, yêu trẻ và trách nhiệm với công việc. Nhiều người trong số họ có sức cảm hóa, được học trò yêu quý, lãnh đạo tin tưởng, đồng nghiệp đánh giá cao.

Giáo viên dạy các HS khuyết tật, hòa nhập phải vượt qua nhiều rào cản nhưng bằng tình thương yêu họ luôn dành cho trò những điều tốt đẹp nhất. Ảnh: Phan Nga
Giáo viên dạy các HS khuyết tật, hòa nhập phải vượt qua nhiều rào cản nhưng bằng tình thương yêu họ luôn dành cho trò những điều tốt đẹp nhất. Ảnh: Phan Nga

Khi mỗi học trò là một giáo án...

Người ta vẫn ví von, nghề giáo là nghề “gõ đầu trẻ”, còn một số giáo viên dạy trẻ hòa nhập, trẻ khuyết tật vẫn thường nói vui với nhau đây là nghề… “trẻ gõ đầu”. Nói thế để thấu hiểu hơn với các giáo viên dạy trẻ hòa nhập, khi họ phải bỏ ra nhiều công sức, thời gian hơn bình thường để chỉ bảo cho học trò của mình. Dù vất vả, áp lực nhưng bằng tình thương và trách nhiệm, họ luôn dành cho học trò sự quan tâm đặc biệt, để giúp các em tiến bộ mỗi ngày.

Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) hiện có 13 học sinh hòa nhập theo học ở ba khối 1, 2, 3. Các em có tật về vận động và chậm phát triển trí tuệ.

Được bố trí dạy lớp có HS hòa nhập từ nhiều năm nay, cô Nguyễn Thị Thanh Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cho hay, mỗi học sinh có một tật ở mức độ khác nhau, có những em tăng động nhẹ, có em tăng động nặng, có em lại chậm phát triển trí tuệ… cho nên với mỗi em giáo viên sẽ có một biện pháp, phương pháp giáo dục riêng, đề kiểm tra riêng, sổ theo dõi riêng. Chúng tôi tự tìm hiểu thêm kiến thức trên mạng, qua các câu chuyện về dạng bệnh, tự thiết kế giáo án riêng để giúp các con phát triển. Giáo viên cũng phải chú ý, nắm bắt tâm trạng các con để xử lý các tình huống tốt nhất”, cô Nga nói. 

Tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10), hiện có hơn 50 học sinh học hòa nhập. Theo thầy Trần Thanh Dương, giáo viên chủ nhiệm lớp 9/8, người có nhiều năm phụ trách lớp có HS hòa nhập chia sẻ, “mình thương học trò, mình coi các em như con vậy, thấy các em thiệt thòi, nên mỗi ngày mình đều dành nhiều thời gian hơn với học trò, luôn quan tâm giúp các con tiến bộ”. Thầy Dương lấy ví dụ, nếu lớp bình thường chỉ cần ghi lên bảng các em đều hiểu, nhìn thấy, nhưng với HS bị khiếm thị vừa viết vừa phải đọc to lên để em nghe. Giáo viên cũng phải động viên HS học tốt ngồi gần giúp đỡ bạn.

Theo thầy Dương, về cơ bản các em HS học hòa nhập ở trường chăm chỉ, dù bị khuyết tật vận động, chậm phát triển nhưng các em rất ngoan, có cố gắng. Các bạn trong lớp rất hòa đồng, sẵn sàng giúp đỡ các em. Giáo viên rất chú trọng đến việc phát hiện sở trường của các em như ca hát, vẽ… vì với những HS hòa nhập, giáo viên không thể đòi hỏi như HS bình thường, chỉ cần các em có thế mạnh ở môn nào đó, sẽ được phát triển và lấy đó làm ưu điểm để khuyến khích.

Mở rộng vòng tay yêu thương

Cô giáo Cao Minh Hà (đứng giữa) hướng dẫn bài cho học trò. Ảnh: T.G
Cô giáo Cao Minh Hà (đứng giữa) hướng dẫn bài cho học trò.         Ảnh: T.G 

Kèm một HS hòa nhập mất nhiều thời gian, cộng lại bằng cả chục HS bình thường, những lớp có sĩ số cao, giáo viên lại càng áp lực hơn vì phải bảo đảm dạy tốt cho các HS còn lại, vừa phải giúp HS hòa nhập tiến bộ. Chưa kể, khi có HS hòa nhập trong lớp, giáo viên chính là người đóng vai trò nhà công tác tư tưởng để giúp phụ huynh của các HS còn lại hiểu, thông cảm, chia sẻ. Đặc biệt, cô giáo phải khéo léo, động viên HS trong lớp để các con giúp đỡ, chơi hòa đồng với bạn của mình.

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên dạy HS hòa nhập vẫn chưa được tham gia các lớp tập huấn, lớp chuyên đề bài bản để hiểu hơn về công tác giảng dạy những trẻ này. Họ cũng rất mong có thêm những lớp tập huấn, những lớp chuyên đề với các chuyên gia trong lĩnh vực này để có thêm kinh nghiệm.

Và vấn đề lớn nhất, theo các giáo viên chính là sự phối kết hợp của phụ huynh có con hòa nhập trong quá trình dạy trẻ. Bởi không phải phụ huynh nào cũng dễ dàng chấp nhận được việc con mình khác biệt với các HS còn lại.

Điều này cho thấy, bằng tình thương yêu học sinh, bằng sự tận tâm của một nhà giáo, họ mới vượt qua được những khó khăn khi dạy trẻ hòa nhập, bởi nói về chuyên môn nghiệp vụ, họ không được đào tạo bài bản, thậm chí có giáo viên chưa được qua một lớp tập huấn, bồi dưỡng nào.

Cô Lê Xuân Yên, giáo viên Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng: Một số phụ huynh, gần như rất khó chấp nhận con mình khác biệt các HS khác. “Điều này giáo viên chúng tôi cũng rất hiểu và thông cảm nhưng việc chấp nhận bệnh của con, phối hợp với giáo viên nhịp nhàng, quan tâm con đúng mức để giúp con tiến bộ mỗi ngày là điều mà chúng tôi mong muốn nhất sau nhiều năm tham gia dạy trẻ hòa nhập”, cô Yên chia sẻ.

Ngoài ra, theo các giáo viên, việc đả thông tư tưởng cho phụ huynh còn lại của lớp có HS hòa nhập cũng là điều rất quan trọng. Ai cũng sợ cô quan tâm bạn HS hòa nhập nhiều hơn, sẽ không còn thời gian cho họ. Có một số ít phụ huynh còn sợ con mình bị “nhiễm”, nhiều lần còn ngỏ lời góp ý cho phụ huynh chuyển trường cho con sang chuyên biệt…. 

Tế nhị, tôn trọng

Cô giáo Cao Minh Hà (SN 1976), giáo viên môn Ngữ Văn Trường THCS An Đà (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) là 1 trong 10 giáo viên được Công đoàn Sở GD&ĐT Hải Phòng tặng khen với danh hiệu giáo viên chủ nhiệm (GVCN) giỏi cấp thành phố năm học 2016 - 2017.

GVCN phải có trách nhiệm với nghề là chuyện đương nhiên. Nhưng trên hết phải có tình yêu thương học trò, gần gũi, chia sẻ với các em và đặc biệt phải là cầu nối giữa nhà trường với học sinh và phụ huynh. 

Cô Cao Minh Hà 

Hơn 20 năm giảng dạy, nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, cô Hà luôn được học sinh yêu quý, lãnh đạo tin tưởng, đồng nghiệp trân trọng và đánh giá cao về khả năng làm chủ nhiệm lớp.

Chia sẻ về cách giáo dục học sinh, chị Hà nhớ tới năm học 2009 - 2010, khi chị chủ nhiệm lớp 9D5, một lớp có nhiều học sinh nam cá biệt. Mọi phong trào của lớp đều đứng thứ 20/20 lớp trong toàn trường.

Thương trò, chị Hà dồn tâm huyết, hạ quyết tâm vực phong trào của lớp đi lên. Chị bàn với cán bộ lớp đặt ra nhiều nội quy về học tập, phong trào, giờ giấc... Nhưng thời gian đầu, nhiều học sinh ngấm ngầm chống đối, thường xuyên giấu sổ đầu bài để cô không nắm được thông tin của lớp.

Thấy vậy, chị không trách mắng các em, mà bí mật tìm hiểu xem ngày hôm đó, ai trực nhật, người cầm sổ đầu bài là em nào và gặp riêng em đó để làm công tác vận động, tư tưởng.

Cứ như vậy, học trò hiểu ra tấm lòng, tình cảm và sự tế nhị của cô, các em dần dần hợp tác xây dựng phong trào. Chỉ sau ba tháng, lớp chị Hà chủ nhiệm đã đứng thứ 7/20 lớp của trường. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ