Giáo viên biệt phái: Đi để trở về và phát triển

GD&TĐ - “Một giáo viên đã đích thân gọi điện cho tôi đề nghị xin được đi biệt phái đến vùng khó khăn. Tôi mới giật mình hỏi, sao anh lại mong muốn như vậy, anh ta bảo, không đi trước cũng phải đi sau. Đi sớm sẽ về sớm. Đi để trở về và phát triển” - ông Đặng Quốc Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kể lại câu chuyện trong cuộc họp tổng kết ngành Giáo dục tỉnh năm 2018 – 2019.

Các giáo viên đi biệt phái đều đã thích ứng, làm quen môi trường mới
Các giáo viên đi biệt phái đều đã thích ứng, làm quen môi trường mới

Sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ

Thực hiện chủ trương điều động, biệt phái của ngành Giáo dục Hà Tĩnh, nhiều giáo viên trong tỉnh đã làm đơn tình nguyện đến những vùng khó khăn dạy học, xem đó là nghĩa vụ nhưng cũng là một bước thử thách mới với bản thân.

Thầy Đoàn Trọng Nhân, giáo viên môn Toán, Trường THPT Lê Quý Đôn, Thạch Hà chia sẻ: “Đây là chủ trương đúng đắn của ngành. Tổ chúng tôi tại trường hiện đang thừa giáo viên, tôi là con trai duy nhất nên xin đăng ký đi vào vùng sâu, vùng xa Kỳ Anh dạy học. Với tôi đi biệt phái nó giống như đăng ký học thêm một trường ĐH, thấy cơ hội cho mình học tập nên tôi xem là trách nhiệm”.

“Ban đầu tôi lo lắng, lo khi phải thay đổi môi trường, lo phải xa gia đình. Trên tất cả, tôi giữ một tâm thế ở đâu cũng là nhà, miễn mình tròn trách nhiệm với gia đình, công việc. Sự khó khăn được chia sẻ thì niềm vui sẽ nhân lên. Nghĩ vậy, nên tôi đăng ký đi vào Kỳ Anh không một chút ngần ngại” - Cô Lê Thị Quế, giáo viên Giáo dục công dân - Trường THPT Lê Quý Đôn (Thạch Hà) biệt phái vào Kỳ Anh tâm sự.

Cô Quế cũng suy nghĩ, môi trường mới với những thử thách mới sẽ giúp tôi thêm cơ hội rèn luyện, phát triển bản thân. Chúng tôi đã sẵn sàng đến dạy học ở những vùng khó khăn.

Trường THPT Lê Quý Đôn có 5 giáo viên ở các bộ môn thực hiện nghĩa vụ đi biệt phái như: Giáo dục công dân, Toán, Anh văn. Để chủ trương biến thành hành động, ngay khi có công văn của ngành, ban giám hiệu nhà trường đã kêu gọi giáo viên hưởng ứng. Những cuộc họp ban giám hiệu, hội đồng, công đoàn cũng được tổ chức để phân tích, lấy ý kiến công khai, dân chủ trên tinh thần tự nguyện. Sự quan tâm của nhà trường cũng là lý do để các thầy cô yên tâm đi làm nhiệm vụ.

Cô Bùi Thị Quỳnh Hoa, giáo viên môn Văn và là người đầu tiên của Trường THPT Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh thực hiện chủ trương này cho biết: "Với một người mẹ, người vợ, việc thay đổi môi trường công tác xa nhà sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng sự động viên của chồng, người thân, sự quan tâm của nhà trường, bạn bè đồng nghiệp và các em học sinh là động lực để tôi cố gắng trong môi trường mới”.

  • Cô Lê Thị Hương - giáo viên biệt phái bộ môn Sinh học

Tinh thần trách nhiệm của giáo viên trong việc chia sẻ khó khăn chung của ngành Giáo dục Hà Tĩnh, sự quan tâm của các nhà trường là động lực quan trọng để chủ trương biệt phái giáo viên THPT đi vào thực tiễn, tạo sự đồng tình, hưởng ứng chung của cán bộ, giáo viên.

Chính sách riêng cho giáo viên

Thầy Lê Quang Tuấn - Hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn, cho biết: Tỉnh giao đợt này cho trường là 6 giáo viên đi biệt phái, sau lời kêu gọi của hiệu trưởng và thực hiện công khai, dân chủ thì đã có nhiều giáo viên làm đơn tình nguyện để đi, dù hoàn cảnh mỗi người đều có những khó khăn riêng. Phía nhà trường, ngoài động viên về mặt tinh thần thì có hỗ trợ về kinh phí. Nhà trường đã có cam kết, trích nguồn chi thường xuyên từ nhà trường hỗ trợ cho giáo viên đi biệt phái 200.000 đồng/tháng, ngoài ra mỗi đoàn viên công đoàn hỗ trợ mỗi giáo viên đi biệt phái 30.000 đồng/tháng.

Năm học 2018-2019, Trường THPT Lê Quảng Chí (TX Kỳ Anh) đón nhận tin vui khi có thêm 4 giáo viên ở các bộ môn Văn, Sử, Hoá, Toán được biệt phái từ các trường: THPT Lý Tự Trọng, Nguyễn Trung Thiên (Thạch Hà), Thành Sen (TP Hà Tĩnh). Sự có mặt của các giáo viên biệt phái góp phần làm giảm áp lực thiếu giáo viên bộ môn tại trường.

Thầy Đặng Văn Long - Tổ trưởng tổ Toán Tin Trường THPT Lê Quảng Chí, cho biết: “Trường có 30 lớp nhưng chỉ có 8 giáo viên bộ môn. Vì thế, sự hỗ trợ của giáo viên biệt phái sẽ giảm áp lực ở các giờ dạy. Ngoài ra, để tạo thuận lợi, giáo viên trong trường sẽ gánh bớt những tiết dạy cho giáo viên biệt phái”.

Cô Nguyễn Thị Phượng, giáo viên môn Lịch sử ở Trường THPT Thành Sen vừa được biệt phái về Trường THPT Lê Quảng Chí cũng cho hay: “Sau 2 tuần, chúng tôi đã quen với môi trường mới. Sự thân thiện của học sinh, quan tâm tạo điều kiện của tập thể cán bộ giáo viên nhà trường, tổ chuyên môn về tinh thần, nơi ăn chỗ ở, sắp xếp bố trí giờ dạy... thực sự làm chúng tôi cảm động. Đây cũng là dịp để giáo viên trẻ như tôi có cơ hội học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp trong môi trường mới”.

Bầu nhiệt huyết của tinh thần xung phong đi biệt phái của cô giáo Lê Thị Hương - giáo viên bộ môn Sinh học ở Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà) vẫn còn nguyên vẹn nhờ sự quan tâm của tập thể giáo viên Trường THPT Kỳ Lâm (Kỳ Anh).“Khi được phân công biệt phái xã miền núi tôi lo lắng vì ở đây còn nhiều khó khăn. Thế nhưng ở đây thời gian ngắn mới thấy được sự ấm áp, chia sẻ từ đồng nghiệp, học sinh. Chúng tôi được nhà trường bố trí phòng ở và chỗ ăn ở, bếp ăn tập thể. Tôi đã thực sự hoà nhập với môi trường mới” – cô Hương nói.

“Dù có nhiều cố gắng trong sắp xếp hệ thống trường lớp và đội ngũ nhưng tình trạng thiếu, thừa giáo viên ở các trường THPT vẫn còn nhiều bất cập. Để từng bước khắc phục thực trạng này, việc điều động biệt phái một số giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu được xem là chủ trương hợp lý. Sở, Phòng, nhà trường sẽ luôn sát cánh, tạo điều kiện tốt nhất cho các giáo viên đi biệt phái” – ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ