Giáo viên A-Level từng dạy ở 7 nước: Những học sinh tốt nhất của tôi là ở Việt Nam!

GD&TĐ - Từng dạy học ở 7 nước trên thế giới, thầy Tony Salt – giáo viên môn Hóa học, Trường TH School – cho rằng, những học trò lớp 12 hiện tại của trường là lứa học sinh tốt nhất mà thầy từng dạy trong quãng đời gần 40 năm dạy học của mình.

Thầy Tony Salt – giáo viên môn Hóa học, Trường TH School
Thầy Tony Salt – giáo viên môn Hóa học, Trường TH School

- Những phẩm chất nào của học trò để thầy có nhận định đầy ưu ái này?

17 học sinh lớp 12 tôi dạy ở TH School đều có tố chất rất thông minh, nền tảng tiếng Anh tốt; nhiều bạn thậm chí còn không cần sự hỗ trợ của trợ giảng. Các em đều đạt điểm A và A* trong kỳ thi AS.

A-Level là chương trình dự bị ĐH, được coi là “tiêu chuẩn vàng” để vào được các trường ĐH hàng đầu trên thế giới. Để có được bằng tú tài quốc tế A-level, học sinh cần vượt qua các bài thi quốc tế vào cuối chương trình. Mức A và A* là mức điểm cao mà ngay cả học sinh bản xứ cũng phải rất nỗ lực mới đạt được.

- Khi dạy, thầy có bị sức ép về điểm số không?

Tất nhiên là chúng tôi mong muốn học sinh đạt điểm tốt nhất, làm điều tốt nhất cho học sinh của mình. Nhưng tôi đủ chín chắn để hiểu học sinh không thể học tốt tất cả các môn, tốt hết mọi thời điểm. Tôi giúp học sinh đạt những điều tốt nhất trong khả năng của mình, vì vậy tôi không cảm thấy áp lực về điểm số.

Lời khuyên của tôi là học sinh nên tiếp cận các môn học yêu thích từ nhỏ, bởi các em có thể khám phá và có nhiều thời gian để rèn rũa hơn.

Thầy Tony Salt: Áp lực mà tôi luôn tạo cho mình là phải có một bài học thú vị
Thầy Tony Salt: Áp lực mà tôi luôn tạo cho mình là phải có một bài học thú vị

- Không phải điểm số thì điều gì khiến thầy áp lực nhất khi dạy học?

Áp lực mà tôi luôn tạo cho mình là phải có một bài học thú vị: quá dễ thì học sinh buồn ngủ, quá khó thì học sinh chán. Bài học phải đủ thú vị để học sinh cảm thấy muốn học, khơi gợi được sự đam mê, hứng thú của từng học sinh.

- Thầy có thể chia sẻ thêm bí quyết để khơi gợi được sự đam mê, hứng thú đó?

Cách làm của tôi là luôn luôn đưa cho học sinh những vấn đề, thử thách mà các em phải tìm cách giải quyết. Vấn đề đó phải đủ khó để các em tìm tòi trả lời.

Ví dụ, tôi giảng dạy môn Hóa học, bài tập của tôi có thể là các em sẽ vào vai… thám tử, phá án theo tình huống: kẻ trộm vào trường để lại một miếng vải, học sinh sẽ phải dựa vào kiến thức hóa học của mình để tự xác định các thí nghiệm cần làm để phân tích các yếu tố tình nghi, tìm các hóa chất để thử trên miếng vải đó xem có các thành phần hóa học nào trên vải để phán đoán thủ phạm…

Tôi nhiều lần bất ngờ về sự thông minh của học sinh khi các em thảo luận về các bài tập như vậy.

Bên cạnh đó, tôi cũng không dùng sách giáo khoa để soạn bài giảng, mà dựa vào mục tiêu của bài học được đặt ra theo chương trình để tìm kiếm các tài liệu và hình thức giảng phù hợp, khơi gợi học sinh tự học, tự nghiên cứu để đạt được mục tiêu đó. Học sinh có thể tham khảo sách giáo khoa trước khi lên lớp.

"Tôi nhiều lần bất ngờ về sự thông minh của học sinh" - thầy Tony Salt
"Tôi nhiều lần bất ngờ về sự thông minh của học sinh"  - thầy Tony Salt 

- Đó có phải là cách dạy học để học sinh có thể làm tốt các bài thi A- Level?

Cách thi của A- Level là đề bài luôn yêu cầu khả năng giải quyết vấn đề của học sinh bằng kiến thức của mình. Bài thi A-Level thiết kế theo kiểu kiểm tra kiến thức và ứng dụng kiến thức, có những nguyên tố hóa học các em chưa bao giờ được học, nhưng phải vận dụng kiến thức đã học và phân tích để giải quyết

- Trước mỗi kỳ thi, điều thầy luôn khuyên học trò của mình là gì?

Các em lấy bằng tú tài quốc tế A-Level không phải từ một kỳ thi, mà là cả một tiến trình, từ khi các em bắt đầu chọn môn học A-Level. Quãng thời gian đó, các em vượt qua nhiều bài tập lớn trước khi đến với kỳ thi cuối cùng nên trước kỳ thi nên lời khuyên của tôi là ăn tốt, ngủ tốt.

Đơn cử, thi Hóa học thì các em đã chuẩn bị kiến thức trong 2 năm, đã làm rất nhiều bài tập, đã thực hành rất nhiều mới có thể giải quyết được các yêu cầu của đề bài. Trước kỳ thi 1 tuần, các em có học ngày học đêm cũng không giải quyết được vấn đề gì cả.

- Trong quá trình dạy học, thầy có thấy học sinh quay cóp, gian lận?

Trong kỳ thi A-Level thì tôi chưa bao giờ thấy gian lận, bởi vào phòng thi các em được mang data booklet cung cấp các hằng số cần thiết (Những thông tin mà theo chương trình A-Level các em không cần phải học thuộc lòng-PV).

Cách ra đề của A-Level- như tôi đã nói- là kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức và khả năng thực hành của các em, nên dù được mang data booklet vào phòng thi thì cũng chỉ giúp các em kiểm tra các công thức cần dùng.

- A-Level mới được biết vài năm gần đây, điều kiện nào để học sinh Việt Nam có thể tiếp cận rộng rãi chương trình này?

Tôi nghĩ giáo viên Việt Nam rất giỏi về kiến thức, nhưng để dạy được A- Level thì họ cần được thực hành nhiều hơn, bởi trong A-Level, phần thực hành rất quan trọng.

Khi giáo viên giỏi thực hành, dạy học theo hướng khơi gợi thì học sinh cũng được nâng cao khả năng ứng dụng, giải quyết vấn để. Đó là tinh thần của A Level mà các em có thể tiếp cận.

Thầy Tony Salt có bằng cử nhân khoa học về Hóa học Dệt may của ĐH Bradford, bằng sư phạm của ĐH Leeds và thạc sỹ khoa học của ĐH Bang New York. Ngoài 26 năm kinh nghiệm giảng dạy ở Anh, Tây Ban Nha, Peru, Brunei, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Oman, thầy còn có 14 năm giữ chức vụ quản lý.

Năm học này, TH school có 17 học sinh thi A-Level môn Hóa học và cả 17 học sinh đều có khả năng đạt điểm A. Hầu hết các em đều đã giành được học bổng toàn phần, bán phần du học tại các trường Đại học danh giá trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ