Giáo sư Võ Tòng Xuân: “Ngày đầu vào lớp 1, tôi khóc như mưa”

GD&TĐ - “Tôi nhớ mãi ngày khai trường khi tôi vào lớp 1, thời điểm đó không có lễ khai giảng, không có bông hoa gì cả mà chỉ có cô giáo ra đón học trò. Ngày đầu tiên tôi được má đưa đi học; vào đến lớp, tôi khóc như mưa!”, Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Gia đình tôi hoàn cảnh khó khăn, cả nhà rời Ba Chúc (An Giang) theo cha lên Sài Gòn mưu sinh. Dù gia đình khó khăn nhưng tôi được ba má cho đi học đàng hoàng. Tôi nhớ mãi ngày đầu tiên vào lớp 1, năm 1946 ở Trường Tiểu học Cầu Kho (nay nằm trên đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, TPHCM).

Thời đó không học mẫu giáo mà đến tuổi là vào học lớp 1 luôn, tuy được má ở nhà dạy rồi nhưng ngày đầu đi học tôi rất lo lắng. Khi má dẫn tới trường, giao tôi cho cô giáo, tôi òa khóc ngon lành. Tôi nhớ mãi hình ảnh cô giáo ân cần đón tôi vào lớp, dỗ cho tôi nín, cô nói “trò thấy các bạn ngồi học nghiêm túc chưa, mau nín để cùng học với các bạn”. Thấy vậy tôi nín khóc, bắt đầu mở ra trang sách đầu tiên của đời học sinh với bao khó khăn, vất vả.

Giáo sư Võ Tòng Xuân. Ảnh: Quốc Ngữ.
Giáo sư Võ Tòng Xuân. Ảnh: Quốc Ngữ.  

Những năm cuối thập niên 1940, lúc đó còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cái ăn đã khó nói chi đến quần áo mới, tập, sách. Tuy nhiên, thầy cô luôn đồng cảm, yêu thương học trò nhưng cũng không kém phần nghiêm túc. Lớp học chỉ có một giáo viên dạy từ đầu cho đến cuối năm nên trò nào tính tình ra sao, hoàn cảnh thế nào, thầy cô biết rõ.

Ngày khai giảng hồi xưa không có lễ lộc gì, không có bông hoa hay phát biểu mà chỉ có thầy cô giáo đón học sinh vào lớp. Bài học đầu đời là những lời dạy bảo của thầy cô về đạo đức, về lối sống và lòng yêu người. Quyển “Giáo khoa thư” đã trở thành người bạn quen thuộc của tất cả thế hệ học trò thời đó. Sách chỉ ngắn ngọn mấy dòng thơ, mấy dòng đồng dao, văn xuôi nhưng chứa đựng trong đó bao ý nghĩa về cuộc sống, giá trị đạo đức, kỹ năng sống… Thầy cô giáo cũng không bị bó buộc bởi sách giáo khoa mà từ quyển Giáo khoa thư có thể mở rộng giảng dạy nhiều vấn đề thiết thực ngoài đời.

Cuộc đời học tập của tôi phải học nhiều nơi, phải chuyển trường theo gia đình nhưng ký ức ngày khai giảng luôn là kỷ niệm đẹp, mỗi lứa tuổi học trò đều có trải nghiệm khác nhau. Lúc nhỏ ngày khai trường thì hồi hộp vì có thầy cô giáo mới phụ trách lớp; đến khi trưởng thành thì ngày khai trường vui mừng vì gặp lại bạn bè, thầy cô. Dù trưởng thành, đi học, làm việc ở nước ngoài nhưng đến ngày khai trường trong lòng tôi luôn cảm thấy bồi hồi vì những ký ức đẹp thời học sinh không thể nào quên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...