Góp phần kiến tạo nền văn minh thứ ba của loài người (Third Civilization) với những bước đột phá mang tầm vóc thế kỷ XXI, những nhà khoa học gốc Việt khắp nơi đang từng ngày nỗ lực đóng góp trí tuệ nhằm thay đổi chất lượng cuộc sống của nhân loại.
Các nhà sáng chế, nghiên cứu người Việt ghi dấu ấn trải dài trong một loạt lĩnh vực chủ chốt được thế giới công nhận: từ lĩnh vực trí tuệ nhân tạo khi đồng hành cùng sự ra đời công nghệ thực tế ảo; tác giả của nhiều phát minh ứng dụng đa dạng như dập lửa bằng âm thanh, sơn chống đạn; đến lĩnh vực y sinh với khám phá ra mã gen ức chế ung thư; hoặc ngành vật lý không gian khi phát hiện ra thiên hà lùn. Mới đây, một Việt kiều Úc, Giáo sư Nguyễn Tấn Hùng lại được ghi danh khi Tạp chí Australian Anthill xếp phát minh của ông vào tốp 3 trong danh sách “100 phát minh hàng đầu Úc”.
Kể từ khi đặt chân đến bang New South Wales sinh sống ở Castle Hill, gần 40 năm qua, Giáo sư Hùng dành trọn tâm huyết cho nghiên cứu khoa học. Ông đỗ thủ khoa Đại học Medal với bằng kỹ sư năm 1976, sau đó 4 năm bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ tại Đại học Newcastle. Những nghiên cứu chuyên sâu của ông trải dài trong nhiều lĩnh vực khoa học đa dạng từ nghiên cứu y sinh, trí tuệ nhân tạo, thần kinh học, cho đến điều khiển học...
Bên cạnh thực hiện công tác nghiên cứu khoa học với hơn 300 công trình, bài báo quốc tế, ông còn tham gia giảng dạy kỹ thuật điện tại Đại học Công nghệ Sydney (UTS). Hiện tại, Giáo sư giữ vị trí trợ lý Phó hiệu trưởng lĩnh vực Đổi mới sáng tạo, đồng thời cũng là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế của UTS. Giáo sư cũng là người sáng lập ra Tổ chức AIMedics và là thành viên cao cấp của một loạt hiệp hội lớn như Institution of Engineers, Australian Computer Society, British Computer Society...
Giáo sư Nguyễn Tấn Hùng. Ảnh do nhân vật cung cấp
Suốt hơn 20 năm qua, cùng với cộng sự của mình, vị giáo sư gốc Việt say mê xây dựng và phát triển một số thiết bị y tế dùng trong lĩnh vực y sinh ứng dụng cho cộng đồng người bị khuyết tật, bệnh nhân tiểu đường và ung thư vú. Năm 2012, ông và nhóm cộng sự đã gây được tiếng vang lớn tại Úc với công bố đã chế tạo thành công chiếc xe lăn thông minh thế hệ mới mang tên Aviator. Điểm nhấn chính ở chỗ phát minh này cho phép người tàn tật có thể thông qua ý nghĩ để chủ động điều khiển chiếc xe lăn vận hành an toàn ngay cả tại những điểm giao thông đông đúc.
Trên thế giới, thị trường xe lăn có động cơ đang chiếm vị trí dẫn dắt so với xe lăn tay truyền thống với giá trị đạt 1,5 tỉ USD trong năm ngoái và được dự báo sẽ đạt 2,5 tỉ USD vào năm 2022. Nhu cầu thị trường thuận lợi lý giải tại sao Chính phủ Úc đã đầu tư 1 triệu đô la Úc vào dự án xe lăn điều khiển bằng ý nghĩ của Giáo sư Hùng. Bên cạnh đó, còn có tiền đối ứng đến từ các nhà đầu tư muốn thương mại hóa thế hệ xe lăn thông minh này. Hiện nay, số tiền đầu tư chính thức từ Chính phủ Úc cho hoạt động nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm này của Giáo sư Hùng vẫn đạt mốc cao kỷ lục so với các dự án tương tự tại Mỹ, Tây Ba Nha.
“Tôi tin tưởng sản phẩm sẽ tạo ra cuộc cách mạng thật sự và sớm đi vào thương mại nhằm góp phần năng cao chất lượng cuộc sống cho những mảnh đời kém may mắn khắp nơi trên thế giới”, Giáo sư Nguyễn Tấn Hùng khẳng định.
Giáo sư chia sẻ tâm huyết nghiên cứu ứng dụng xe lăn cho cộng đồng người kém may mắn đến từ chính người con trai của ông là Jordan Nguyễn. Năm Jordan 27 tuổi, do bị chấn thương vào năm 2005 khi bơi lội, khiến anh suýt bị liệt. Quãng thời gian điều trị này, chính Jordan đã cộng tác với người cha giáo sư của mình để ông làm đề tài nghiên cứu lấy học vị tiến sĩ với phát minh tạo ra những chiếc xe lăn điều khiển bằng cái lắc đầu, ánh mắt, hoặc suy nghĩ.
Tại Việt Nam, số người khuyết tật chiếm khoảng 10% dân số, trong đó tỉ lệ người bị liệt không do bẩm sinh, tức bại liệt thụ động do quá trình lao động hoặc tham gia giao thông, liên tục tăng cao qua các năm. Điều này trực tiếp dẫn đến mức tăng trưởng bình quân cho thị trường xe lăn tự động là 15%, tức cao hơn 7 lần so với mức trung bình của thế giới trong giai đoạn năm 2016-2021.
Phát minh xe lăn điều khiển bằng ý nghĩ mang tên Aviator của Giáo sư Nguyễn Tấn Hùng.
“Ngoài phục vụ cộng đồng ở Úc, tôi rất mong muốn một ngày gần đây sẽ mang phát minh này về Việt Nam, phục vụ cho đồng bào người Việt, những đối tượng bị tổn thương và luôn cần sự chăm sóc từ cộng đồng”, nhà sáng chế Nguyễn Tấn Hùng trăn trở. Ông đã có nhiều chuyến về nước để nỗ lực xây dựng mạng lưới nghiên cứu với nhiều sinh viên Việt Nam. Giáo sư mong muốn đóng góp sức mình để giúp đỡ những sinh viên Việt Nam có cơ hội được tiếp cận với các công nghệ mới trên thế giới, ứng dụng để phát triển kinh tế, xã hội cho đất nước. Theo đánh giá của ông, có nhiều sinh viên Việt Nam đã và đang trở thành một bộ phận không thể thiếu trong mạng lưới nghiên cứu của UTS nhằm tạo nên sự khác biệt cho cộng đồng.
Một nhánh nghiên cứu khác mà Giáo sư Nguyễn Tấn Hùng cũng đạt được thành tựu nổi bật và thu hút được nhiều nhà đầu tư là phát minh HypoMon. Đây là thiết bị chuyên theo dõi chứng bệnh tiểu đường với giá trị đầu tư ban đầu 5 triệu đô la Úc. Điểm nổi trội của dự án nghiên cứu nằm ở việc người bệnh sẽ kiểm tra sự suy giảm glucoza huyết mà không cần lấy máu xét nghiệm như phương pháp truyền thống. Thay vào đó, Giáo sư Hùng và cộng sự xây dựng kiểm tra sự biến động glucoza thông qua nhịp đo huyết áp.
Ngoài ra, một loạt thiết bị y tế khác như thiết bị tim nhân tạo, thiết bị chuyên phát giác bệnh ung thư vú sớm, máy báo chứng bệnh parkinson, máy kiểm tra sức khỏe dành cho các tài xế… đều là kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học miệt mài của ông với tâm niệm “có những phát minh nhỏ nhưng hữu ích cho con người”.