Ý tưởng bỏ biên chế sẽ là đòn bẩy nâng cao chất lượng GD

GD&TĐ -Là một hiệu trưởng, người có nhiều năm gắn bó với nghề, trải qua cương vị là giáo viên, nhà quản lý, thạc sĩ Bùi Gia Hiếu-Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú, TPHCM)  rất đồng tình với ý tưởng về chủ trương thí điểm xóa bỏ công chức, viên chức giáo viên của Bộ GD&ĐT.

Thạc sĩ Bùi Gia Hiếu
Thạc sĩ Bùi Gia Hiếu

Thầy Bùi Gia Hiếu chia sẻ: Đây là một chủ trương mang tính đột phá của ngành GD, nó sẽ là đòn bẩy để nâng cao chất lượng GD quốc gia. Xóa bỏ biên chế, viên chức nghĩa là đang tạo một cơ chế cạnh tranh trong đội ngũ nhà giáo, ở bất cứ lĩnh vực nào, cơ chế cạnh tranh là yếu tố quan trọng để thúc đẩy lĩnh vực đó phát triển.

Thầy Bùi Gia Hiếu lý giải: Một người lao động có năng lực, chuyên môn tốt, đạo đức tốt thì công ty nào cũng muốn có, ngược lại một nhân viên không có khả năng phù hợp với công việc, không có tinh thần cầu tiến chắc chắn sẽ bị “đào thải” ở môi trường làm việc của công ty đó. Giáo dục cũng vậy, khi các giáo viên có năng lực, chuyên môn tốt, thì chắc chắn trường nào cũng muốn tuyển dụng. Một giáo viên bằng lòng với những gì mình có, trong giảng dạy không cập nhật những cái mới, cái hay, công cụ giảng dạy hiện đại, nâng cao trình độ chuyên môn thì chuyện “có vào, có ra” là hoàn toàn hợp lý. Điều này góp phần  nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo, của nhà trường và của cả nền giáo dục.

Từ đó có thể thấy, cởi bỏ chiếc áo biên chế đối với nhà giáo nó như là một đòn bẩy, thúc đẩy những ai đang theo nghề giáo kể cả giáo viên, nhà quản lý phải nỗ lực hơn đáp ứng yêu cầu công việc, lao động hăng say để xứng đáng với thu nhập mà mình nhận. Với những sinh viên đang theo học sư phạm, có năng lực khi vừa tốt nghiệp, nếu gặp khó khăn trong tuyển dụng công chức, viên chức, đơn cử như về rào cản, hộ khẩu, rào cản thâm niên… sẽ không còn lo lắng nữa.

Bên cạnh đó, việc bỏ biên chế đi sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh đối với các nhà quản lý. Khi có cơ chế về tuyển dụng, có quy định ràng buộc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm, phân quyền một cách hợp lý thì không thể có sự lạm quyền như có một vài ý kiến cho rằng “sợ hiệu trưởng lạm quyền, chuyên quyền”.

Bản thân tôi đang quản lý một trường tư thục, việc tuyển dụng các giáo viên là điều trường rất quan tâm. Chúng tôi luôn có chế độ đãi ngộ phù hợp với những người có chuyên môn tốt, giảng dạy hiệu quả, chứ không phải theo cơ chế tăng lương theo quy định. Giáo viên dạy tốt, có năng lực sẽ được thỏa thuận về lương khi tham gia tuyển dụng. Họ sẽ có thời gian thử việc và họ cũng có thể đưa ra yêu cầu đề xuất được tăng lương trong thời gian gia hạn hợp đồng. Khi họ được nhận một mức lương xứng đáng với công sức lao động của mình, họ sẽ thêm yêu nghề và gắn bó lâu dài với nó. Một tập thể, với những giáo viên giỏi, được đãi ngộ xứng đáng, chắc chắn chất lượng, uy tín của ngôi trường được nâng lên, chắc chắn chất lượng GD của nhà trường cũng được khẳng định.

Tôi tán thành và rất ủng hộ chủ trương này nhưng cũng kiến nghị, Bộ GD&ĐT cũng có những hướng dẫn cụ thể, lấy ý kiến góp ý rộng rãi, tập trung thí điểm ở một số địa phương để từ đó có lộ trình cụ thể, có sự tổng kết, rút bài học kinh nghiệm chứ không thể làm gấp gáp. Tôi nghĩ rằng, khi một chủ trương mới đưa ra dù nó rất hợp lý, phù hợp với sự phát triển của xã hội cũng không làm thỏa mãn tất cả mọi người, không thể 100% đều đồng ý, sẽ có những ý kiến này, ý kiến kia... nhưng hãy nghĩ nếu vì cái chung, nghĩ đến nền giáo dục, nghĩ đến sản phẩm vô cùng đặc biệt của GD-ĐT-con người trong tương lai, những chủ nhân của đất nước thì việc xóa bỏ biên chế, thúc đẩy GD-ĐT nâng cao chất lượng là điều nên làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ