Xu thế phát triển thị trường lao động có trình độ đại học

GD&TĐ - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn cho các nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời cũng đặt ra cho Việt Nam những thách thức về nhân lực trình độ cao để sẵn sàng cho một giai đoạn mới trên nền tảng khoa học công nghiệp 4.0.

Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực là yêu cầu vô cùng quan trọng trong đào tạo
Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực là yêu cầu vô cùng quan trọng trong đào tạo

Cần đánh giá thực trạng công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay ra sao để có giải pháp hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Thực trạng lực lượng lao động trình độ đại học giai đoạn 2012 - 2017

Mỗi quốc gia, muốn phát triển kinh tế - xã hội, cần các nguồn lực gồm: Tài nguyên thiên nhiên, vốn, khoa học - công nghệ, con người… Trong đó nguồn lực con người là yếu tố quan trọng và có tính chất quyết định nhất. Nguồn nhân lực chất lượng cao là một bộ phận không tách rời nguồn nhân lực quốc gia, khi quốc gia đó chuyển dần sang nền kinh tế dựa trên tri thức là chủ yếu.

Việc “Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025” là một trong những nghiên cứu quan trọng, mở đầu cho hướng gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng nhân lực, vừa nâng cao hiệu quả đào tạo, vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo.

PGS.TS Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trưởng nhóm “Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025” cho biết: Lực lượng lao động có trình độ đại học tính đến năm 2017 đạt trên 5,278 triệu người, chiếm 9,63% trong tổng số lực lượng lao động cả nước, tăng 1,913 triệu người so với năm 2012.

Giai đoạn 2012 - 2017, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trong tổng số lực lượng lao động tăng từ 6,43% năm 2012 lên 9,63% năm 2017; bình quân mỗi năm lực lượng lao động có trình độ đại học chỉ tăng thêm 478.000 người hay tăng gần 9,71%/năm.

Lực lượng lao động có trình độ đại học ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào nhóm lao động trẻ nhưng xu hướng chuyển dịch cơ cấu sang nhóm lao động trung niên cho thấy dấu hiệu tham gia lực lượng lao động khá ổn định của nhóm lao động lớn tuổi.

Tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học dưới 24 tuổi tăng chậm, tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trung niên tương đối ổn định còn tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học cao tuổi giảm xuống.

Năm 2017, lực lượng lao động có trình độ đại học thanh niên (dưới 24 tuổi) chiếm 9,65%, lực lượng lao động trẻ (25 - 34 tuổi) chiếm 38,86%, lực lượng lao động trung niên (35 - 54 tuổi với nữ và 35 - 59 tuổi với nam) chiếm gần nửa lực lượng lao động, và lực lượng lao động cao tuổi (trên 55 tuổi với nữ và trên 60 với nam) chiếm 2,60%.

Giai đoạn 2012 - 2017, tỷ lệ lực lượng lao động có trình độ đại học thanh niên tăng chậm, tăng gần 2,15 điểm phần trăm. Nguyên nhân là do giới trẻ có xu hướng đang học và tiếp tục con đường học vấn, làm chậm lại thời điểm tham gia thị trường lao động.

Số lượng và tỷ lệ lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên, 2012 - 2017 (Nguồn: Từ kết quả đề tài “Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025” của PGS. TS. Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chủ nhiệm đề tài )
  • Số lượng và tỷ lệ lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên, 2012 - 2017 (Nguồn: Từ kết quả đề tài “Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025” của PGS. TS. Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chủ nhiệm đề tài )

Thực trạng việc làm của lao động trình độ đại học giai đoạn 2012 - 2017

Năm 2017, Việt Nam có 5,079 triệu người có việc làm trình độ đại học, chiếm 9,46% tổng số lao động có việc làm cả nước, tăng 1,807 triệu người so với năm 2012. Giai đoạn 2012 - 2017, tỷ lệ lao động có việc làm trình độ đại học trong tổng số việc làm tăng từ 6,36% năm 2012 lên 9,46% năm 2017; bình quân mỗi năm lao động có việc làm trình độ đại học chỉ tăng thêm 452.000 người hay tăng 9,53%/năm.

Cơ cấu lao động có trình độ đại học cũng khá tương đồng với cơ cấu lực lượng lao động có trình độ đại học trong cả thời kỳ 2012 - 2017. Cụ thể, tỷ trọng lao động trẻ giảm dần, tỷ trọng lao động trung niên ổn định, tỷ trọng lao động thanh niên và cao tuổi có xu hướng giảm.

Năm 2017, lao động thanh niên trình độ đại học có việc làm chiếm 7,82%, lao động trẻ chiếm 39,05%, lao động trung niên chiếm 50,47%, lao động cao tuổi chiếm 2,66%. Số lao động là người cao tuổi làm việc trong nền kinh tế đến thời điểm hiện nay đã ngang bằng với số lao động thanh niên cho thấy vai trò của lao động là người cao tuổi có trình độ đại học ngày càng lớn trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam.

Trong 5 năm qua, lao động có trình độ đại học phân theo vị thế việc làm của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Số lao động có trình độ đại học làm công hưởng lương đã tăng từ 2,934 triệu người năm 2012 lên 4,489 triệu người năm 2017, số lao động tự làm và lao động gia đình tăng từ 0,219 triệu người năm 2012 lên 0,427 triệu người năm 2017. Năm 2012, lao động có trình độ đại học làm công hưởng lương chiếm 89,68% tổng lao động có việc làm, đã giảm nhẹ 88,39% năm 2017; ngược lại, tỷ trọng lao động tự làm và lao động gia đình đã tăng từ 6,7% lên 8,41%.

Cơ cấu lao động có trình độ đại học phân theo ngành kinh tế cũng chuyển dịch khá nhanh trong 5 năm gần đây, khi mà số lao động có trình độ đại học làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng chậm, từ 93.000 người lên 155.000 người (năm 2017). Kết quả là tỷ trọng lao động có trình độ đại học trong nông, lâm nghiệp và thủy sản đã tăng chậm từ 2,84% năm 2012 lên 3,05% năm 2017. Ngược lại, lao động có trình độ đại học ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 15,74% lên 17,35%, khu vực dịch vụ giảm nhẹ từ 81,42% xuống còn 79,60% cùng thời kỳ.

Số lượng và tỷ lệ việc làm của lao động có trình độ đại học trở lên, 2012 - 2017 (Nguồn: Từ kết quả đề tài “Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025” của PGS. TS. Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chủ nhiệm đề tài)
  • Số lượng và tỷ lệ việc làm của lao động có trình độ đại học trở lên, 2012 - 2017 (Nguồn: Từ kết quả đề tài “Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025” của PGS. TS. Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chủ nhiệm đề tài)

Giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay chỉ đạt 3,39 trên 10 điểm, trong khi Hàn Quốc là 6,91; Ấn Độ là 5,76; Malaysia là 5,59; Thái Lan là 4,94… Hơn nữa, nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta lại phân bố không hợp lý: Hơn 92% số cán bộ có trình độ tiến sĩ trở lên tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; tại Tây Nguyên, Tây Bắc và Nam Bộ tỷ lệ này chưa tới 1%. Nguồn nhân lực ở nước ta đang có rất nhiều bất cập: Số lượng đào tạo ở trình độ đại học trở lên trong những năm gần đây gia tăng đáng kể, nhưng chất lượng lao động của đối tượng này phần lớn chưa đạt các tiêu chí về nguồn nhân lực chất lượng cao như đã đề cập ở trên. Do vậy, khi họ ra làm việc, nhiều người không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quốc gia và đặt trên vai các trường đại học. Cái cần quan tâm nhất với họ chính là chất lượng đầu ra (được tính từ sau khi tốt nghiệp Đại học) của sản phẩm giáo dục. Nếu chất lượng đầu ra của sản phẩm là yếu tố quyết định đến uy tín thương hiệu của mỗi trường, thì thị trường sử dụng nguồn nhân lực là khâu kiểm nghiệm cuối cùng chất lượng sản phẩm đó.

Để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, về mặt nhận thức và quan điểm chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền cần xác định rõ nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là tài nguyên quý giá nhất của địa phương và của quốc gia, phải lấy nguồn lực con người làm tài nguyên thay thế. Vì vậy, phải tăng cường trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, biến số lượng và chất lượng nguồn nhân lực thành lợi thế cạnh tranh trong xu thế hội nhập, phát triển.

Ngay từ bây giờ, chúng ta phải thực hiện đổi mới hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai, đồng thời, nghiên cứu tìm cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp để nhanh chóng nâng cao chất lượng nhân lực hiện có. Đây là chiến lược quan trọng và lâu dài để hình thành và phát triển bền vững đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

(Số liệu bài viết từ kết quả đề tài nghiên cứu của PGS. TS. Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025”)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.