Xếp hạng giáo dục Việt Nam mang tính khách quan, tin cậy

GD&TĐ - Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) xếp hạng Việt Nam đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng chất lượng trường học toàn cầu dựa trên khả năng toán và khoa học của học sinh 15 tuổi. 

Xếp hạng giáo dục Việt Nam mang tính khách quan, tin cậy

Trước kết quả này, GS.TS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội và GS Đinh Quang Báo - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – đều khẳng định tính khách quan, tin cậy của đánh giá dựa trên cơ sở từ thực tiễn này.

Đánh giá của OECD là thông tin tích cực

Khẳng định tính khách quan, tin cậy của đánh giá này, GS Đào Trọng Thi cho biết: Nếu là chúng ta tự đánh giá, còn nói rằng đó là không khách quan, là mình tự khen mình. Nhưng OECD là một tổ chức rất có uy tín và họ đánh giá không chỉ riêng Việt Nam mà đánh giá trong tương quan với rất nhiều nước trên toàn thế giới. Không thể đánh giá là họ không khách quan, không khoa học.

“Giáo dục phổ thông Việt Nam, lứa tuổi 15 chính là tuổi tốt nghiệp THCS, mà theo như hướng đổi mới giáo dục sắp tới, đây là giai đoạn giáo dục cơ bản; sau đó, lên THPT là định hướng nghề nghiệp. 
Giai đoạn phổ thông, đặc biệt là giai đoạn giáo dục cơ bản, được xem như nền tảng để tiến lên giáo dục đại học – giai đoạn liên đến nguồn nhân lực. Bởi vậy nếu giáo dục phổ thông ít bất cập cũng là thuận lợi cho việc tiếp tục đổi mới để nâng dần chất lượng giáo dục đại học lên.” 

GS Đào Trọng Thi
 Cho rằng, đây là tín hiệu tốt, rất đáng mừng, nhưng GS Đào Trọng Thi đồng thời lưu ý, mỗi cuộc đánh giá đều có tiêu chí riêng, mục đích riêng.

Thứ nhất, OECD chỉ đánh giá học sinh lứa tuổi 15 và về môn Toán và môn Khoa học. Trong khi đó, trên thực tế, học sinh Việt Nam từ trước đến nay được đánh giá tốt, được coi là có ưu thế với hai môn học này.

Thứ hai, phải xem xét đến tiêu chí và phương pháp đánh giá. Chắc chắn, tiêu chí đánh giá của OECD, tuy rất khách quan, nhưng chưa phải đã phản ánh toàn diện về chất lượng hiện đại của giáo dục. Không thể nói giáo dục Mỹ hay giáo dục Anh kém, không thể nói giáo dục các nước châu Âu không tốt. Nhưng trong bảng xếp hạng, những nước này lại đứng thấp hơn so với các nước châu Á, mà cụ thể là thấp hơn so với các nước có truyền thống văn hóa Bắc Á.

Như vậy, đánh giá này cũng chỉ thể hiện một khía cạnh nào đó, chưa phải đánh giá toàn diện, chưa chắc đã đi vào bản chất nhất của chất lượng. Hiểu được điều đó, để chúng ta, bên cạnh niềm vui, cũng phải rất bình tĩnh, rất khiêm tốn, xem xét mình còn điểm yếu nào để khắc phục.

Do đó, trước thông tin này, nên nhìn nhận ở hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất, đây là một tín hiệu tốt, khuyến khích mình cố gắng hơn, phấn đấu vươn lên. Nhưng, bên cạnh đó, cũng phải thận trọng, bình tĩnh, xem xét cho toàn diện, đầy đủ để nhìn đúng, đánh giá đúng tình trạng của mình – GS Đào Trọng Thi nêu quan điểm.

Còn GS Đinh Quang Báo trước khi đề cập đến xếp hạng giáo dục Việt Nam của OECD - cho biết: Mục đích của đánh giá trên diện rộng, nhằm đánh giá mức độ tri thức phổ thông nền tảng cần có của học sinh tuổi 15 ở một quốc gia hoặc một cộng đồng nào đó. Đồng thời, qua đó, đánh giá sự bình đẳng về cơ hội được học của học sinh một quốc gia.

Độ tin cậy của đánh giá trên diện rộng phụ thuộc vào công cụ đánh giá và mẫu chọn. Ở nước ta, nếu xếp thứ 12 mà thỏa mãn theo cách chọn mẫu là biểu hiện rất khách quan của giáo dục Việt Nam.

Kết quả đó cho thấy, học sinh Việt Nam không chỉ có kiến thức mà còn có năng lực vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn đời sống.

“Điểm yếu xưa nay của học sinh Việt Nam là có thể có một khối lượng kiến thức nhất định, nhưng khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề nhận thức, về đời sống còn kém. Nhưng kết quả xếp hạng của OECD cho thấy, khiếm khuyết đó phần nào đã được cải thiện.

Và theo tôi, điều này hoàn toàn có cơ sở thực tiễn vì nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT đã thực hiện đổi mới giáo dục, cả về nội dung lẫn phương pháp dạy học. Trong phương pháp dạy học, đã chú trọng phát triển ở học sinh năng lực vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề theo các mức độ khác nhau.” – GS Đinh Quang Báo nhận định.

Kết quả từ những chủ trương đổi mới

GS Đinh Quang Báo phân tích: Xếp hạng theo đánh giá của OECD là kết quả từ những chủ trương đổi mới của Bộ GD&ĐT.

Theo đó, thứ nhất, Bộ GD&ĐT đã có chương trình về đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực, đặc biệt thể hiện ở Dự án do Ngân hàng thế giới tài trợ.

“Hiện nay, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chắc chắn kết quả đó sẽ ngày càng được nâng cao.” 
 GS Đinh Quang Báo 
Thứ hai, Bộ GD&ĐT đã phát động, tổ chức cho học sinh phổ thông nghiên cứu khoa học trong nhiều năm nay; cuộc thi sáng tạo khoa học kĩ thuật cho học sinh phổ thông trở thành hoạt động thường niên. Học sinh Việt Nam cũng giành được giải cao tại một số kỳ thi nghiên cứu khoa học của học sinh phổ thông trên đấu trường quốc tế.

Kết quả hoạt động tổ chức cho học sinh phổ thông nghiên cứu khoa học cho thấy: Ở trường phổ thông, giáo viên đã có thể tổ chức bồi dưỡng học sinh năng lực nghiên cứu khoa học. Và, học sinh Việt Nam, nếu được tạo điều kiện thì cũng rất sáng tạo, rất hứng thú nghiên cứu khoa học.

Thứ ba, Bộ GD&ĐT đã triển khai dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài, đặc biệt là của Colombia. Mô hình này hiện nay đang được tổ chức ở bậc tiểu học và THCS, tạo điều kiện cho đổi mới rất hiệu quả về phương pháp dạy học, về lựa chọn nội dung dạy học.

Thứ 4, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho các giáo viên về phương pháp bàn tay nặn bột. Thực chất, đây là phương pháp tổ chức học sinh học bằng nghiên cứu, bằng tìm tòi khoa học. Và trong tìm tòi đó, nhấn mạnh rèn luyện học sinh kỹ năng nghiên cứu bằng các thí nghiệm khoa học.

Thứ 5, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho các nhà trường phát triển năng lực giáo dục, năng lực dạy học cho giáo viên bằng phương thức nghiên cứu bài học. Nghiên cứu bài học là một kinh nghiệm phát triển nghề nghiệp dựa vào cộng đồng nhà trường phổ thông, có nguồn gốc từ Nhật Bản hiện được nhiều nước trên thế giới vận dụng. Đây được xem như một phương thức tổ chức phát triển thường xuyên nghề nghiệp trong hội đồng sư phạm nhà trường...

Tất cả những chủ trương ấy, theo GS Đinh Quang Báo, đã và đang làm chuyển biến nhiều mặt giáo dục Việt Nam, và đánh giá của OECD cũng là kết quả của đổi mới nói trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ