Xây dựng văn hóa đọc và Phát triển mô hình thư viện thân thiện trong trường tiểu học

GD&TĐ - Trong hai ngày 29, 30/6, tại Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT phối hợp với tổ chức Room to Read tổ chức Hội thảo“Xây dựng văn hóa đọc và Phát triển mô hình thư viện thân thiện trong trường tiểu học” với sự tham dự của 150 đại biểu đến từ Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở GD&ĐT của 63 tỉnh/thành phố.

Các đại biểu xem trưng bày sản phẩm thư viện thân thiện tại hội thảo.
Các đại biểu xem trưng bày sản phẩm thư viện thân thiện tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Thư viện có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành văn hóa đọc cho học sinh phổ thông. Ngoài ra, thư viện trường học cũng là nơi góp phần tạo hứng thú cho các em học sinh tự học, tự nghiên cứu và có tư duy độc lập, sáng tạo.

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 329 về việc phê duyệt đề án phát triển văn hóa đọc đến 2020 và định hướng 2030. Ngành GD&ĐT rất chú trọng trong việc hình thành và xây dựng văn hóa đọc, trong đó có sự phối hợp với tổ chức Room to Read, nhất là từ năm 2016 đến nay, Bộ GD&ĐT đã ký biên bản ghi nhớ với Room to Read để triển khai xây dựng chương trình Thư viện thân thiện trường tiểu học. Từ đó đến nay mới có một nửa chặng đường của giai đoạn 1 nhưng số trường được hỗ trợ xây dựng đã vượt chỉ tiêu đề ra. Dự kiến 420 trường sẽ được Room to Read triển khai”.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng đánh giá cao những hỗ trợ mà các trường tiểu học đã nhận được từ tổ chức Room to Read. “Năm 2003, Bộ GD&ĐT đã ký quyết định 01 về Ban hành xây dựng tiêu chuẩn thư viện, rất nhiều các Sở ngành đã thành lập Ban chỉ đạo để xây dựng mô hình các thư viện đạt chuẩn. Muốn xây dựng trường chuẩn quốc gia thì thư viện cũng phải đạt chuẩn.

Nhiều địa phương đã xây dựng thư viện xanh, thư viện di động, tủ sách phụ huynh – học sinh, thư viện mở… rất nhiều tên gọi nhưng tựu trung lại vẫn hướng đến phát huy văn hóa đọc, là nơi tạo điều kiện, tạo cảm hứng đọc sách cho HS. Mô hình thư viện thân thiện mà Room to Read xây dựng tại các địa phương đã thu được những thành công bước đầu, để lại nhiều ấn tượng đối với nhà trường và đối tượng hưởng lợi không ai khác là các em học sinh”

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao hiệu quả từ mô hình thư viện thân thiện do Room to Read triển khai tại các trường tiểu học.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao hiệu quả từ mô hình thư viện thân thiện do Room to Read triển khai tại các trường tiểu học. 

Với mục tiêu hỗ trợ cho học sinh tiểu học trở thành những người đọc độc lập, Room To Read thiết lập thư viện với mô hình thư viện thân thiện tại các trường tiểu học ở 16 tỉnh thành trên cả nước: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Định, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Giang, Thái Nguyên, Cà Mau và Lạng Sơn.

Với những đặc điểm thân thiện từ cơ sở vật chất, hoạt động, và thái độ của cán bộ thư viện trong quá trình vận hành, thư viện Room to Read đã thu hút đông đảo học sinh tới đọc và mượn sách. Trung bình, mỗi học sinh tại các trường có thư viện Room to Read mượn 17,2 cuốn sách về nhà/năm.

Cùng với các hợp phần gắn kết gia đình - cộng đồng, cũng như xây dựng năng lực cho Ban giám hiệu nhà trường cùng cán bộ thư viện và giáo viên, mô hình tạo ra một môi trường bền vững để duy trì và phát triển bền vững thói quen đọc cho học sinh.

Sau 17 năm có mặt tại Việt Nam, Room To Read đã thiết lập được 1357 thư viện, xuất bản được 132 tựa sách tranh và cung cấp 522.844 cuốn sách cho các thư viện. Bên cạnh đó, tính đến cuối năm 2017, các tỉnh thành đã tổ chức nhân rộng thêm 443 thư viện theo mô hình của Room to Read từ nguồn kinh phí vận động ngay tại địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ