Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với lãnh đạo Thừa Thiên Huế: Tập trung phát triển nguồn nhân lực

GD&TĐ - Sáng nay (15/9), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ và Ban Giám đốc ĐH Huế. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc

Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, đại diện lãnh đạo các Vụ của Bộ GD&ĐT.

Kết quả GD-ĐT tốt ở tất cả các cấp học

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết: Toàn tỉnh có 369/573 trường học đạt chuẩn Quốc gia. Tỉnh đã huy động 98% trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp. 100% trẻ em dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt, 100% trẻ em khuyết tật hòa nhập.

Tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày đạt 87,7 %. Riêng với lớp 1, 100% học sinh được học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, với 35 tiết/tuần.

Chất lượng giáo dục đại trà phát triển, đạt kết quả tốt ở tất cả các cấp học. Có 52/75 học sinh đạt giải Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, với 3 giải Nhất, 13 giải Nhì, 18 giải Ba và 18 giải Khuyến khích. Có 7 học sinh vào vòng 2 để thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Châu Á Thái Bình Dương và Quốc tế.

Toàn ngành có hơn 15.000 cán bộ, giáo viên mầm non, phổ thông. Trong đó, chất lượng trình độ đào tạo trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2009 đạt tỷ lệ 80% (đối với giáo viên mầm non); tiểu học đạt tỷ lệ 98.4%; THCS đạt tỷ lệ 91.6% và THPT đạt tỷ lệ 30.7%.

Toàn tỉnh hiện có trên 6.200 phòng học; số phòng học kiên cố là hơn 4.600 phòng, đạt tỷ lệ 74,4%. Tỷ lệ trung bình phòng học/lớp là 0,74.

Báo cáo về một số định hướng phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia, PGS.TS Nguyễn Quang Linh – Giám đốc ĐH Huế cho biết, mục tiêu của ĐH Huế là phát huy hiệu quả nguồn lực chất lượng, phát triển theo hướng quản trị hệ thống ĐH, thành ĐH Quốc gia theo định hướng nghiên cứu:

Xây dựng Mô hình “Trường – Viện” cấp quốc gia có ứng dụng công nghệ cao, đạt chuẩn quốc tế; Trường ĐH Sư phạm trọng điểm quốc gia; Viện Công nghệ sinh học thành Trung tâm Công nghệ cấp quốc gia và hạt nhân Trung tâm nghiên cứu khoa học. Đến năm 2025, ĐH Huế xếp ở tốp 3 các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam, tốp 300 châu Á và 1.000 thế giới.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Đào tạo theo hướng "đặt hàng"

Trước đề xuất ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đề nghị, ĐH Huế cần xây dựng đề án có sức thuyết phục các bộ ngành, trước khi trình Chính phủ.

Đồng thời nghiên cứu các mô hình ĐH của thế giới. Cùng với đó, xem lại thế mạnh của mình là gì để quyết tâm xây dựng và phát triển theo thế mạnh đã có.

Thứ trưởng cho rằng, cần có cơ chế, tạo đột phá để ĐH Huế phát triển, chẳng hạn như cơ chế về xã hội hóa và phát triển đô thị ĐH.

Ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đối với sự nghiệp GDĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: Dù còn nhiều khó khăn nhưng địa phương đã chủ động khắc phục và đạt được nhiều kết quả khả quan, từ mầm non cho đến giáo dục phổ thông và ĐH.

Bộ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế cần quan tâm, giải quyết một số công việc như: Chú trọng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, trước mắt là đối với lớp 1.

Tỉnh cần xây dựng đề án tổng thể về đội ngũ nhà giáo, đề án về cơ sở vật chất. Riêng đối với hai huyện miền núi, cần rà soát cụ thể để có kế hoạch đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng GDĐT ở địa phương này. 

Việc dồn dịch điểm trường cần theo hướng tinh gọn, hiệu quả và chất lượng. Những vùng thuận lợi, có điều kiện cần mạnh dạn huy động từ các nguồn lực xã hội. Riêng với ĐH Huế, Bộ trưởng đề nghị rà soát lại cơ cấu ngành nghề gắn với thực tiễn, đào tạo theo hướng “đặt hàng”. Theo Bộ trưởng, ĐH Huế phát triển theo định hướng nghiên cứu là tốt nhưng phải thiết thực, khả thi.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ báo cáo tại buổi làm việc
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ báo cáo tại buổi làm việc

Ngoài ra, ĐH Huế cần tham mưu và cùng với tỉnh xây dựng đề án tiền khả thi khu đô thị ĐH và đề án tổng thể phát triển ĐH Huế. Về việc tiếp nhận Trường cao đẳng Y tế Huế vào Trường ĐH Y dược (ĐH Huế).

Bộ trưởng cho biết, Bộ đồng ý về mặt chủ trương, nhưng phải tuân thủ theo quy định và quy chuẩn của Nhà nước.

Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế và ĐH Huế tập trung xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực cho địa phương giai đoạn 2021- 2025, định hướng năm 2030. Trong đề án này, cần xây dựng cơ sở dữ liệu, nhu cầu về số lượng, cơ cấu nguồn nhân lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ