VNEN - xin đừng nhìn một chiều

GD&TĐ - Từ thực tiễn, những ưu nhược điểm, khó khăn, kinh nghiệm triển khai mô hình VNEN được cô Nguyễn Thị Thanh Thúy - chuyên viên phòng GD&ĐT Tam Kỳ (Quảng Nam) - chia sẻ với góc nhìn của người trong cuộc.

Một lớp học VNEN
Một lớp học VNEN

- Từ thực tiễn triển khai, cô nhận định như thế nào về mô hình VNEN?

  Quan điểm cho rằng VNEN không tiến bộ là thiếu cơ sở lí luận lẫn cơ sở thực tiễn.
Còn nói về việc có phù hợp với thực tiễn dạy học ở nước ta hay không? Muốn phù hợp thì phải điều chỉnh, phải gọt đẽo, không thể áp dụng nguyên si, khuôn mẫu.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Hiện nay, tôi nghe và đọc một số thông tin trên báo đài, trong thực tiễn dạy học, cả cán bộ quản lý và giáo viên, có người cho rằng mô hình VNEN là hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn dạy học ở nước ta.

Có cả quan điểm cho rằng: “Mô hình VNEN là mô hình áp dụng cho những nước nghèo, lạc hậu, tại sao chúng ta không học ở những nước phát triển mà lại học tập mô hình của một nước lạc hậu như Columbia?”.

Theo tôi, nhận định về mô hình VNEN như vậy là một chiều, thiếu biện chứng và thiếu nhìn nhận khách quan. Hoặc một số nơi thực hiện một cách máy móc, ồ ạt dẫn đến thất bại.

Qua thực tiễn dạy học VNEN tại thành phố Tam Kỳ nói riêng và Quảng Nam nói chung, việc dạy học theo mô hình VNEN vẫn gặp một số khó khăn, tuy nhiên việc áp dụng Mô hình cũng đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho giáo viên và học sinh.

Học sinh biết tự giác, tự học, biết hợp tác, biết tự quản, tự đánh giá, tự tin, tự trọng hơn trước. Đội ngũ giáo viên trở nên năng động, sáng tạo hơn trong việc đổi mới phươn pháp. Cha mẹ học sinh quan tâm và phối hợp tốt hơn trong công tác giáo dục của nhà trường, của địa phương.

- Tâm huyết nhất của cô đối với mô hình này là gì?

Trước hết, mô hình VNEN hướng đến giúp cho học sinh có được 6 kĩ năng: tự giác, tự quản, tự học, tự đánh giá, tự trọng, tự tin. Đó là những kĩ năng rất cần thiết cho một con người tự chủ, cũng là một phần trong nội dung đánh giá hiện nay.

Như vậy, những kĩ năng đó là yếu tố thực tiễn mà trong mục tiêu của Mô hình đặt ra, là điều mà các thầy cô giáo đã và đang thực hiện. Tiếp theo là hình thức tổ chức, quản lí lớp học.

Hội đồng tự quản được lập ra để tăng cường tính tự quản cho học sinh, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, cố vấn cho Hội đồng tự quản trong việc quản lí lớp học.

Trong quá trình học tập và chiếm lĩnh tri thức, người giáo viên có vai trò hướng dẫn, điều hành, học sinh thực sự trở thành trung tâm của quá trình này.

Tất cả những điều trên, nền giáo dục của các nước tiên tiến đều đã thực hiện từ rất lâu và đã trở thành điều hiển nhiên đối với hai nhân tố chính của quá trình dạy học là người dạy - người học.

Vậy thì, quan điểm cho rằng VNEN không tiến bộ là thiếu cơ sở lí luận lẫn cơ sở thực tiễn.

Còn nói về việc có phù hợp với thực tiễn dạy học ở nước ta hay không? Muốn phù hợp thì phải điều chỉnh, phải gọt đẽo, không thể áp dụng nguyên si, khuôn mẫu là phù hợp được.

Một số hình ảnh về Hội thi trang trí lớp học tại trường TH Lê Thị Hồng Gấm (TP Tam Kỳ, Quảng Nam)
Một số hình ảnh về Hội thi trang trí lớp học tại trường 
TH Lê Thị Hồng Gấm (TP Tam Kỳ, Quảng Nam)
 

- Mô hình này khi triển khai trong nhà trường đã đem lại kết quả thế nào?

Từ năm học 2012-2013 đến nay, phòng GD&ĐT thành phố Tam Kỳ vẫn đang triển khai dạy học theo mô hình VNEN ở cấp tiểu học. Có 3 trường trong dự án áp dụng toàn phần và 11 trường áp dụng nhân rộng bộ phận.

Trong quá trình triển khai, vẫn có một số khó khăn nhất định như sĩ số học sinh trên lớp đông, trình độ năng lực của cán bộ, giáo viên không đồng đều, sự đồng thuận của cha mẹ học sinh,...

Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp và triển khai một cách có kế hoạch, lộ trình, việc dạy học theo mô hình VNEN tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam đã đạt được kết quả tích cực.

 Để triển khai hiệu quả VNEN, trên hết là tâm huyết gắn với việc xác định mục đích của việc dạy học ở tiểu học là dạy cho học sinh phương pháp học, giúp học sinh có nền tảng vững chắc về nhân cách và các kĩ năng ban đầu cần thiết cho một con người tự chủ.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

- Chia sẻ những kinh nghiệm tâm huyết của cô để triển khai hiệu quả mô hình này?

Tôi cho rằng, thứ nhất, vấn đề ổn định tư tưởng, quan điểm của đội ngũ về việc đổi mới phương pháp được đặt lên hàng đầu.

Tiếp theo là tổ chức tập huấn dạy học theo VNEN một cách bài bản cho giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Các hình thức tập huấn chuyên môn luôn được tổ chức dưới hình thức lớp học VNEN, tất cả các thành viên tham gia đều phải tích cực nghiên cứu, hợp tác để hoàn thành nhiệm vụ.

Việc tập huấn đi sâu phân tích những yếu tố tích cực của mô hình, giúp giáo viên thấm nhuần, đồng thời, cùng nhau góp ý, đề xuất những kĩ thuật dạy học rất cụ thể trong quá trình triển khai. Tạo điều kiện cho giáo viên các trường ngoài VNEN đến học hỏi kinh nghiệm, học tập mô hình.

Thứ hai: Áp dụng mô hình không máy móc, rập khuôn. Đối với 3 trường trong dự án, được hỗ trợ kinh phí nên thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, các trường phải luôn cập nhật thông tin từ Dự án để điều chỉnh phương pháp, nội dung trong suốt quá trình dạy học.

Giáo viên linh hoạt điều chỉnh cách tổ chức các hoạt động chiếm lĩnh kiến thức cho học sinh, không phải lúc nào cũng thực hiện như trong Tài liệu hướng dẫn học đã in sẵn.

Việc trang trí lớp học ngoài tác dụng tạo cho lớp học thân thiện, còn phải chú ý nuôi sống chúng, phát huy tác dụng là công cụ hỗ trợ cho hoạt động dạy học chứ không phải chỉ để trang trí.

Các trường nhân rộng có thể sử dụng SGK hiện hành, giáo viên dạy lớp nhân rộng có thể sử dụng Tài liệu Hướng dẫn học để điều chỉnh cách tổ chức lớp học và câu lệnh nhằm phát huy tính tích cực chủ động của học sinh theo mô hình VNEN.

Thứ ba: Để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, sĩ số học sinh trên lớp đông thì các trường cũng đã có những giải pháp cụ thể. Ở lớp có sĩ số đông, giáo viên tăng cường phát huy vai trò của Hội đồng tự quản hay Ban cán sự lớp, thiết lập nội quy lớp học cụ thể, rõ ràng, gắn trách nhiệm tới từng thành viên.

Khi giáo viên đã đánh giá đối với một nhóm nào thì các thành viên của nhóm đó có thể đến các nhóm khác và hỗ trợ việc đánh giá. Hoặc đối với những đơn vị bài học phù hợp, có thể giao nhiệm vụ luân phiên hoặc thay thế cho các nhóm…

Kinh nghiệm về VNEN để chia sẻ cũng không nhiều, trên hết là tâm huyết gắn với việc xác định mục đích của việc dạy học ở tiểu học là dạy cho học sinh phương pháp học, giúp học sinh có nền tảng vững chắc về nhân cách và các kĩ năng ban đầu cần thiết cho một con người tự chủ.

Một lớp học VNEN tại Tam Kỳ- Quảng Bình
 Một lớp học VNEN tại Tam Kỳ- Quảng Bình

- Theo cô, cần làm gì để có thể phát huy tốt nhất hiệu quả dạy học theo VNEN?

Để việc dạy học theo VNEN nói riêng và đổi mới giáo dục nói chung để đem lại hiệu quả, bản thân có một số đề nghị:

Các cấp quản lí cần chỉ đạo quyết liệt hơn, điều chỉnh những bất cập hiện nay trên văn bản quy định của ngành, sĩ số học sinh trên lớp cấp tiểu học cần giảm xuống tối đa là 30.

Đồng thời, cần tập huấn giáo viên kịp thời hơn, làm sao để cán bộ, giáo viên phải thay đổi ý thức hệ dạy học truyền thống đã ăn sâu trong nhận thức, phải năng động, sáng tạo hơn.

Cha mẹ học sinh cần có suy nghĩ tiến bộ hơn, đừng bắt trẻ phải học vì khát khao của bố mẹ chứ không phải của trẻ. Cha mẹ học sinh cũng cần tích cực hơn trong việc phối hợp với nhà trường giáo dục học sinh.

- Xin cảm ơn cô!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.