Vĩnh biệt người "Anh cả" của nền Giáo dục cách mạng Việt Nam

Vĩnh biệt người "Anh cả" của nền Giáo dục cách mạng Việt Nam

(GD&TĐ)-GS.Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên, cũng là một trong những giáo sư đầu tiên của nền giáo dục Việt Nam mới đã từ trần lúc 9h20 ngày 29/1/2011 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.Hồ Chí Minh, hưởng thọ 100 tuổi. 

GS.Vũ Đình Hòe
GS.Vũ Đình Hòe

GS.Vũ Đình Hoè sinh ngày 1/6/1912, trong một gia đình truyền thống Nho học, là hậu duệ đời thứ 4 của danh nhân Hà Nội - Tiến sĩ Vũ Tông Phan. Trong giai đoạn những năm 1940 - 1945, Vũ Đình Hoè thuộc lớp tân học tiến bộ, từng bước giác ngộ cách mạng mà mốc cao nhất là được Hồ Chủ tịch tiến cử tham gia Chính phủ của nước Việt Nam độc lập ngay sau ngày cách mạng tháng Tám thành công.

Thời trẻ, anh thanh niên Vũ Đình Hoè đã phải tự kiếm sống bằng cách làm gia sư dạy thêm cho các con cái tầng lớp nhà giàu để theo học ban tú tài bản xứ rồi tú tài tây, tiếp tục học lấy bằng cử nhân luật khoa Đại học Đông Dương.

Với tấm bằng có thể dễ dàng được chính quyền thuộc địa bổ nhiệm làm quan chức tay sai hoặc tham gia đội ngũ viên chức chính quyền thuộc địa với chức cao lương trọng, nhưng Vũ Đình Hòe đã chọn nghề dạy học tại các trường tư Thăng Long và Gia Long ở Hà Nội để có điều kiện cùng nhiều đồng nghiệp yêu nước khác tập hợp thành các tổ chức tự do tham gia các hoạt động xã hội và yêu nước hợp pháp và để kinh qua thực tiễn nhà trường mà khởi xướng các chủ trương xây dựng nền giáo dục Việt Nam tiếp cận tư tưởng văn hóa giáo dục văn minh phương Tây, tích cực chống đối lại chính sách giáo dục nô dịch của nhà cầm quyền thực dân Pháp tại Đông Dương.

Ông đã tham gia hoạt động trong Tổng hội sinh viên, cùng kiến trúc sư Nguyễn Văn Luyện lập hội Ánh sáng (tuyên truyền dựng nhà tranh tre hợp vệ sinh cho dân nghèo), cùng cụ Nguyễn Văn Tố đi vận động mở các lớp của Hội Truyền bá Quốc ngữ.

Tháng 11/1944, Vũ Đình Hòe được bầu làm Phó Chủ tịch Hội kiêm Trưởng ban soạn sách học và đọc thêm cho người lớn tuổi. Từ tháng 5/1941 đến tháng 8/1945, ông cùng một số trí thức tiến bộ như Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Đỗ Đức Dục, Lê Huy Văn, Hoàng Thúc Tấn xuất bản báo Thanh Nghị và phụ trương Thanh Nghị Trẻ Em và ông được cử làm Chủ nhiệm.

Khoảng cuối 1943 đầu 1944, Vũ Đình Hoè tiếp cận với một số chiến sĩ Cộng sản trong Việt Minh như Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Dương Hồng, Vũ Quý (một thời gian làm quyền Bí thư Thành uỷ Hà Nội, phụ trách trí thức vận).

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, bị hiến binh Nhật bắt hụt ở Toà báo Thanh Nghị, ông bắt đầu hoạt động bán thoát ly, tham gia đảng Dân chủ trong Mặt trận Việt Minh; được trao nhiệm vụ vào Bắc bộ phủ thuyết phục Khâm sai Phan Kế Toại từ chức, sau đó đi Huế khuyến nghị Phan Anh và Vũ Văn Hiền, hai đồng sáng lập viên Thanh Nghị rút ra khỏi Chính phủ Trần Trọng Kim.

Cuối tháng 7/1945, với tư cách Ủy viên Trung ương Đảng Dân chủ được cử lên chiến khu Việt Bắc để tham gia Quốc dân Đại hội Tân Trào

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945 Vũ Đình Hoè được cử vào Chính phủ Nhân dân lâm thời do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục.

Trong hồi ký, ông kể lại  sự việc được Hồ Chủ tịch cho yết kiến riêng ngay sau buổi họp đầu tiên của Chính phủ Nhân dân lâm  thời. Ông và các cộng sự lãnh đạo Bộ Quốc gia giáo dục trình  lên Người dự kiến để Người duyệt về kế hoạch tổ chức khai giảng trường Đại học với danh nghĩa là trường Đại học  Viêt Nam đầu tiên của chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Một tuần sau Lễ Độc lập 2/9, ông Vũ Đình Hòe đã đệ trình Hồ Chủ tịch ký liền 3 Sắc lệnh: về thành lập ngành Bình dân học vụ, về mở lớp học buổi tối cho nông dân và thợ thuyền và về thanh toán nạn mù chữ và  triển khai nhanh chóng, tiết kiệm và hiệu quả phong trào "diệt giặc dốt", được Hồ Chủ tịch khen ngợi.

Ngày 15/11/1945, thừa lệnh Chính phủ , Bộ trưởng Vũ Đình Hoè chỉ đạo khai giảng Đại học quốc gia Việt Nam, chủ trương giảng dạy bằng tiếng Việt, cử các giáo sư đầu tiên của nền đại học mới và trực tiếp dạy môn Kinh tế (cùng ông Võ Nguyên Giáp).

Để tiến hành cải cách căn bản và xây dựng nền giáo dục mới, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Hội đồng cố vấn học chính gồm 30 học giả, nhà giáo uy tín, đại biểu các đoàn thể chính trị và văn hóa và chỉ vài tháng sau, đã cùng một số vị đại diện Hội đồng trình lên Hồ Chủ tịch đề án cải cách giáo dục.

Trong hoàn cảnh hết sức phức tạp về chính trị sau ngày độc lập đe dọa sự tồn vong đối với Nhà nước độc lập còn trứng nước, Hồ Chủ tịch và Chính phủ cách mạng lâm thời vẫn quyết định phải tiến hành Tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội, Vũ Đình Hoè được cử vào Ban Dự thảo điều lệ Tổng tuyển cử.

Trong cuộc Tổng tuyển cử 6/1/1946 nhân dân Hà Nội được bầu 6 đại biểu Quốc hội trong tổng số 74 ứng cử viên thì Hồ Chủ tịch dẫn đầu về số phiếu, Bác sĩ Trần Duy Hưng đứng thứ 2,  còn Vũ Đình Hoè đứng thứ 3. Cùng các vị Võ Nguyên Giáp, Cù Huy Cận, Dương Đức Hiền, Nguyễn Tường Long, ông được cử vào Ban trù bị khai mạc Quốc hội và đã thay mặt Uỷ ban này báo cáo trước Chính phủ những đề nghị về công việc trù bị.

Tại kỳ họp Quốc hội khoá I, khai mạc ngày 2/3/1946, Hồ Chủ tịch đã giới thiệu Vũ Đình Hoè làm Bộ trưởng Tư pháp trong Chính phủ chính thức đầu tiên của nước VNDCCH. Vũ đình Hoè đã được giữ cương vị đó từ 1946 đến năm 1960, khi theo Hiến pháp mới 1959 Bộ Tư pháp giải thể.

Trong suốt 14 năm đứng dầu Bộ Tư pháp, ông kiên trì tư tưởng pháp quyền - nhân nghĩa Hồ Chí Minh, cùng các đồng nghiệp xây dựng  hệ thống cơ quan tư pháp và hệ thống luật pháp dân chủ nhân dân, kiên trì bảo vệ quan điểm tư pháp nhân dân và nguyên tắc tư pháp độc lập với hành chính được ghi trong Hiến pháp 1946 của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.  Vũ Đình Hoè từng được Hồ chủ tịch tín nhiệm giao phó một số trọng trách như Trưởng đoàn một trong 4 đặc uỷ đoàn thay mặt Chính phủ đi kinh lý công tác kháng chiến ở 12 tỉnh trên Chiến khu Việt bắc, Phó ban sửa sai trong Cải cách ruộng đất, đặc trách các bản án oan sai lớn.

Sau khi Bộ Tư pháp giải thể (năm 1981 mới lập lại), Vũ Đình Hoè được chuyển sang làm chuyên viên tại Viện Luật học thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Nhà nước, chuyên nghiên cứu dân luật và luật kinh tế.

Đã biết tiếng Pháp, tiếng Anh, ông tự học thêm tiếng Nga và 15 năm lặng lẽ đọc sách, làm công tác nghiên cứu, chủ biên và đồng tác giả của nhiều công trình luật học như: Hợp đồng kinh tế, Những vấn đề Nhà nước và pháp luật, Nhà nước và cách mạng, Từ điển thuật ngữ luật học Nga - Trung - Pháp - Việt. Theo lời mời ông tham gia giảng dạy các chuyên môn này tại một số đại học và các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý cho đến khi về hưu năm 1975. Ngoài ra ông còn được bầu làm Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam từ 1955 đến 1981.

Từ sau khi có đường lối đổi mới của Đảng ta, tuy tuổi cao, sức yếu, Cụ Vũ Đình Hoè  lại tích cực tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội. Mới đầu là ở địa phương - thành phố Hồ Chí Minh, Cụ tham gia các diễn đàn về Đổi mới, về Dân chủ theo lời mời của Ban Khoa học xã hội trực thuộc Thành uỷ Hồ Chí Minh, tích cực giúp Ban này làm một số sưu tập về những vấn đề trên. Tiếp sau đó Cụ được Quốc hội, Bộ Tư pháp mời tham dự các hội thảo quốc gia và đọc tham luận về các vấn đề lớn như "Tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp lý",  "Nhà nước pháp quyền", "Tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh”.

Từ năm 1991, đã 80 tuổi, Cụ dành toàn bộ thời gian và sức lực nhằm bổ sung và hoàn thiện cho 2 công trình lớn : Hồi ký Thanh Nghị (đã xuất bản 4 lần 1995, 1997, 2000, 2004) và Pháp quyền Nhân nghĩa Hồ Chí Minh (đã xuất bản quyển I, năm 2001, và quyển II năm 2005), và còn đang gắng sức hoàn thành quyển III.

Năm 1996, cựu Bộ trưởng Vũ Đình Hoè được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, UBND TP.HCM chụp ảnh lưu niệm cùng GS. Vũ Đình Hòe. Ảnh: gdtd.vn
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, UBND TP.HCM chụp ảnh lưu niệm cùng GS. Vũ Đình Hòe tại Lễ kỷ niệm 65 năm nền giáo dục Cách mạng Việt Nam. Ảnh: gdtd.vn

Nhân kỷ niệm 65 năm nền giáo dục Cách mạng Việt Nam (1945-2010), ngày 8/9/2010, tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật  thành phố Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT đã tổ chức lễ mừng đại thọ GS. Vũ Đình Hòe. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những cống hiến của GS.Vũ Đình Hòe cho ngành giáo dục, tạo nền tảng cho những bước phát triển giáo dục Việt Nam trong 65 năm qua.

GS.Vũ Đình Hòe, nhà yêu nước, một trí thức lớn, một tấm gương đạo đức trong sáng đã đi xa.

Lễ viếng GS.Vũ Đình Hòe sẽ bắt đầu từ 8h ngày 10/2/2011 (tức ngày mùng 8 tháng Giêng năm Tân Mão) tại Nhà tang lễ thành phố, 25 Lê Quý Đôn, TPHCM. Lễ truy điệu và đưa tang hồi 11h ngày 11/2. An táng tại Nghĩa trang thành phố.

GD&TĐ Online

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.