Về nơi tiên phong thực hiện VNEN

GD&TĐ - Đến dự giờ một lớp học VNEN của tỉnh Lào Cai, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã dành lời khen ngợi và nhận định: Tỉnh Lào Cai là nơi tiên phong thực hiện Mô hình VNEN và đã trở thành hình mẫu để các địa phương khác học tập, làm theo. 

Về nơi tiên phong thực hiện VNEN

Mới đây, địa phương này đã được Bộ GD&ĐT lựa chọn ghi hình mẫu để làm tài liệu học tập cho tỉnh, thành cả nước.

Giáo viên VNEN tự tin viết tài liệu

Là một trong những giáo viên đầu tiên dạy học theo Mô hình VNEN, cô Trần Thị Liên – Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai) tâm sự: “Chúng tôi không giảng bài truyền thụ tri thức cho học sinh, mà hướng dẫn học sinh làm việc với bản Hướng dẫn học tập, cá nhân học sinh tự nghiên cứu, cùng nhau thảo luận nhóm kết hợp vận dụng các đồ dùng học tập liên quan để tự mình lĩnh hội kiến thức”.

Điều đáng nói là, từ thực tiễn giảng dạy tại các lớp học VNEN, đến nay những giáo viên như cô Liên đã có thể chủ động tự viết tài liệu để phục vụ cho công tác giảng dạy của mình. 

“Chúng tôi viết bằng sự nhiệt huyết, bằng kinh nghiệm, vốn sống của mình và chỉ với mục đích duy nhất là ứng dụng vào hoạt động dạy, học cho chính các em học sinh” – Cô Liên bộc bạch.

Bất kỳ ai cầm những cuốn tài liệu của các thầy, cô của tỉnh Lào Cai trên tay, đều có chung nhận xét: Nội dung được trình bày mạch lạc với những từ ngữ rất đỗi đời thường, giản dị, thậm chí là sử dụng cả ngôn ngữ địa phương để dẫn giải. 

Trong các bài học, đều có hình ảnh minh họa để các em dễ hình dung. Chính cách làm, cách viết không hàn lâm như trên đã khiến những bài học trở nên sống động, gần gũi và không xa rời thực tiễn.

Là người đưa 40 cán bộ, giáo viên của tỉnh đến tham quan và học tập tại Lào Cai hồi cuối tháng 9 vừa qua, bà Nguyễn Thị Hải Lý – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh chia sẻ: 

“Tôi rất ấn tượng với các học sinh của Lào Cai. Các em rất tự tin và mạnh dạn trong cả học tập lẫn giao tiếp. Giáo viên thì chủ động, tìm tòi để viết tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy. Chúng tôi đã học được rất nhiều từ các bạn đồng nghiệp ở Lào Cai trong triển khai thực hiện Mô hình VNEN”.

Học từ cách làm “mở” của Lào Cai

Có thể nói, sau 4 năm thực hiện Mô hình Trường học mới tại Việt Nam, Lào Cai đã tạo được những bước tiến mạnh mẽ về chất lượng dạy và học đối với giáo dục bậc tiểu học. 

Qua quan sát, 100% các trường tham gia VNEN tạo được những chuyển biến rõ rệt, quang cảnh khang trang, lớp học trang trí theo mô hình trường tiểu học mới sinh động hơn, đẹp hơn. 

Đặc biệt là các góc học tập, thư viện lớp học được thể hiện theo chủ đề, chủ điểm giúp học sinh thuận tiện trong việc tra cứu thông tin, nghiên cứu trải nghiệm, học sinh được thể hiện chính bản thân mình trong các hoạt động tìm tòi, khám phá, chủ động lĩnh hội kiến thức trong nội dung bài học.

Một trong những điểm nhấn trong quá trình triển khai thực hiện Mô hình VNEN ở Lào Cai đó là: Xây dựng mô hình trường học gắn với địa phương. Ô

ng Nguyễn Anh Ninh – Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết: “Mỗi mô hình có một ý tưởng riêng, sáng tạo, độc đáo phát huy hết thế mạnh từng lớp, từng trường, từng địa phương.

Chú trọng phát huy vai trò, đề cao tư tưởng, ý tưởng của học sinh, của cộng đồng cùng tham gia xây dựng kế hoạch, hợp tác để cùng thực hiện tốt như: 

Mô hình “Trường học Nông trại” của Trường tiểu học Bản Xen; hay như mô hình “Trường học Sinh thái” tại Trường Tiểu học Lùng Vai; hoặc Mô hình “Trường học năng động” của Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân; “Trường học tự phục vụ, tự quản” của Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ...”.

“Trăm nghe không bằng một thấy”, từ lời giới thiệu của Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai Nguyễn Anh Ninh, chúng tôi ghé thăm Trường Tiểu học Lùng Vai (huyện Mường Khương), ngôi trường thực hiện Mô hình Trường học Sinh thái. 

Qua quan sát cho thấy, mô hình này không chỉ hướng dẫn cho học sinh trong việc chăm sóc cây xanh, xử lý rác thải… mà còn là “công cụ” để giúp nhà trường tổ chức hoạt động giáo dục. 

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hòa cho biết: “Việc xây dựng Mô hình Trường học Sinh thái không chỉ giúp cho các em biết yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường mà còn giúp bố mẹ trong việc chăm sóc cây cối… 

Hoặc khi học môn Sinh học, các em có điều kiện được học bằng trải nghiệm thực tiễn chứ không chỉ là những hình vẽ trên sách giáo khoa …”.

Ấn tượng không kém là Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Lào Cai) với Mô hình “Trường học tự phục vụ, tự quản”. Cô Bùi Kim Chi – Hiệu trưởng nhà trường bộc bạch: 

“Để các con tự tin, thỏa sức sáng tạo và nói lên suy nghĩ của mình, ngoài việc dạy học kiến thức, chúng tôi còn đặc biệt chú trọng đến dạy những kỹ năng sống cho học sinh. 

Đơn giản nhất là các con có thể tự phục vụ những nhu cầu cá nhân. Ví dụ như: Làm sữa chua đánh đá, hoa quả dầm, thổi cơm và luộc rau, quét dọn nhà cửa giúp bố, mẹ…”.

Đánh giá về kết quả thực hiện Mô hình VNEN ở Lào Cai, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận xét: “Lào Cai có những bước tiến mạnh mẽ như vậy cũng là điều dễ hiểu, bởi khi mà địa phương chủ động trong việc quản lý “mở”, nhà trường cũng rất “mở” với xã hội; 

Phụ huynh học sinh, lãnh đạo địa phương hiểu nhà trường như giáo viên trong trường, thậm chí còn hơn cả giáo viên thì thành công là chuyện không khó. Thiết nghĩ các địa phương có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm từ cách làm “mở” của Lào Cai như trên”.

“Trong bối cảnh hiện nay, giáo viên cần đổi mới tư duy, nhận thức và phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận mới. Mục đích là phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của từng cá nhân học sinh.       Điều này cần được thực hiện trong từng tiết học và từng hoạt động giáo dục. Đáng mừng là Mô hình VNEN đã và đang đi theo hướng này. Đây chính là cơ sở thực tiễn để giáo viên đổi mới phương pháp sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.