Vất vả như giáo viên cắm bản

Vất vả như giáo viên cắm bản
Nhà công vụ của GV ở Trường PTCS Hợp Nhất (Ba Vì - Hà Nội)
Nhà công vụ của GV ở Trường PTCS Hợp Nhất (Ba Vì - Hà Nội)

(GD&TĐ) - Trong những năm trở lại đây, ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã có nhiều GV dân tộc thiểu số của địa phương đứng lớp. Tuy nhiên, phần lớn vẫn là GV dưới xuôi lên cắm bản, bám trường, bám lớp. Sống và làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, giao thông cách trở, nhưng với lòng yêu nghề, họ đã trụ lại, cần mẫn gieo chữ cho đời.

Những câu chuyện lay động lòng người
Các tỉnh miền núi phía Bắc hiện có gần 200.000 CB, GV đang công tác với gần 2,7 triệu HS. Song có tới hơn nửa là GV dưới xuôi lên dạy học. Xây dựng sự nghiêp cho mình trên những mảnh đất cằn, nhưng ngày ngày họ vẫn như những con ong cần mẫn gieo quả ngọt cho đời, với mong muốn nâng cao chất lượng GD miền núi, kéo gần khoảng cách GD các vùng miền.
Nhưng với mỗi mảnh đất đi qua, những câu chuyện cảm động về thầy cô giáo cắm bản vẫn còn in đậm trong ký ức. Còn nhớ, trong chuyến công tác vào các trường học trên địa bàn xã Đông Cửu, Khả Cửu (Thanh Sơn, Phú Thọ), khi đi qua đoạn suối, một chuyên viên phòng GD&ĐT đã kể chuyện về một thầy giáo trẻ, khi thấy mình thi đỗ biên chế, mặc trời mưa gió, không quản ngại băng đường rừng từ huyện vào trong xã báo tin cho người yêu. Thầy đi đến giữa đường, nước lũ ập về vô tình cuốn cả thầy và xe máy, hôm sau mới tìm thấy xác. 
Chị Ngọc ở khu Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) ngậm ngùi khi nhớ về người em trai đột tử, vợ con không kịp nhìn mặt chồng, cha lần cuối. Vì khó xin việc dưới Hà Nội, em dâu chị đã một mình dắt con trai 3 tuổi xung phong lên đất Mường Tè – Lai Châu làm cô giáo. Người chồng chẳng may đột ngột mất, gia đình không báo tin bằng điện thoại bởi khi đó Mường Tè chưa phủ sóng điện thoại.
Chật vật nhờ cậy mãi, cuối cùng gia đình phải nhờ đến Bí thư Huyện ủy liên lạc báo tin cho em dâu chị Ngọc ở điểm trường. Nhưng hai mẹ con cô giáo về đến quê thì người chồng đã được người thân lo mồ yên mả đẹp.
Lên núi lập nghiệp, cái cần nhất và cũng thiếu thốn nhất đó chính là nhà công vụ cho GV, nhất là điểm trường lẻ còn thiếu rất nhiều. Theo Chủ tịch Công đoàn ngành GD Sơn La Mùi Thị Thủy: Sơn La có hơn hai vạn GV, nhà công vụ mới giải quyết khoảng 60%. Còn 40% GV sống trong các nhà tạm tranh tre nứa lá. 
Còn tỉnh Điện Biên hiện có gần 13.000 GV. Trong đó, khoảng 60-70% GV là người dưới xuôi lên. Do đó nhu cầu nhà ở gần như 100%. Trong khi đó, khả năng làm nhà công vụ cho GV lại luôn có hạn bởi thiếu kinh phí. Chính vì thế, để bám trường, bám lớp, thầy cô giáo phải chủ động làm nhà tạm để ở.
Cho tới thời điểm này, mạng lưới điện lưới quốc gia chưa phủ khắp được đến tận các thôn bản xa xôi. Chính vì thế, nhiều huyện vùng cao vẫn còn tới gần 20% dân cư chưa có điện lưới. Giáo viên cắm bản ở đây cũng phải sống không điện, đồng nghĩa không ti vi, không phương tiện hiện đại phục vụ cuộc sống.
Trong chuyến công tác tại điểm trường lẻ số 2 Nà Khoa (huyện biên giới Mường Nhé, (Điện Biên), một trong số 62 huyện nghèo nhất cả nước, cô Bùi Thị Si, người Hòa Bình, là GV gắn bó đã gần 20 năm với GD Điện Biên chia sẻ: Vì điểm trường của mẹ không có điện, không có ti vi để xem phim hoạt hình nên cậu con trai 3 tuổi khi lên trên này đã một mực đòi về Hoà Bình tiếp tục ở với ông bà nội.  
Để giữ được sĩ số, tạo điều kiện tốt nhất thu hút trẻ em dân tộc tới trường, lớp học cắm bản ra đời. Một bên là lớp học ghép tranh tre nứa lá, giáp bên là căn phòng của cô giáo cũng tranh tre nứa lá. Đứng trong nhà nhìn thấy cả trời sao.
Để tránh mưa lũ, chiếc thùng tôn đựng đồ dùng là tài sản quí nhất. Không điện, thiếu nước dùng. Mùa đông gió lùa vào tận chỗ nằm. Nếu không có lòng yêu nghề, chắc chắn những thầy cô giáo ấy đã không thể bám trụ với GD vùng khó lâu đến như vậy.
Biết làm sao được bởi trong cái khó khăn chung của ngành, làm GD miền núi là vất vả nhất. Nhất là khi nhà công vụ, điều kiện níu chân GV cắm bản nhiều nhất có tỉnh cũng chỉ đáp ứng nhu cầu được non nửa mà thôi.
Để giữ chân nhà giáo
Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú –THCS Lao Chải (Mù Cang Chải, Yên Bái Nguyễn Xuân Trường cho biết: Đời sống vật chất, tinh thần nghèo nàn, chi phí đi lại đắt đỏ, khó khăn và thiếu thốn tình cảm người thân là điều dễ hiểu với GV miền núi.
Thường khi sinh con được khoảng hơn tuổi, GV phải gửi con về quê cho bố mẹ hai bên chăm sóc vì trên này điều kiện nuôi con không tốt. Cũng có nhiều cặp vợ chồng GV cắm chốt, sinh con và ở cùng con nhưng con cái quanh năm ốm yếu vì tháng 7, tháng 8 dưới xuôi đang oi nóng thì trên Mù Cang Chải đã có sương muối lạnh buốt. 
Nhiều GV Sốp Cộp, Sông Mã (Sơn La) chia sẻ: Đường ra thành phố để về xuôi vô cùng vất vả bởi có đoạn phải đi thuyền trên sông, đoạn đi bộ từ bản, rồi có đoạn đường đi xe ôm, hạnh phúc nhất là đoạn đường từ trung tâm huyện về quê là ngồi ô tô. Nhưng vượt được quãng đường đầy gian khổ đó tốn kém đến tiền triệu. Và hầu như cô giáo nào cũng trong tình trạng vợ chồng nhà Ngâu. 
Nhiều xã nghèo chưa có đường nhựa, vẫn còn là đường mòn, đi lại vất vả, nguy hiểm nên có thầy cô vài ba năm mới dám về thăm quê một lần. Vào mùa mưa lũ, dù trả  vài triệu mà nhiều xe ôm tay lái lụa cũng ngao ngán lắc đầu vì đường nguy hiểm quá, một bên là vách núi, một bên là vực sâu thăm thẳm.
TSKH Vũ Ngọc Hải, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận định: Chính sách sử dụng và đãi ngộ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn có những bất cập, chưa tạo động lực cho đội ngũ này xây dựng và phát triển nền giáo dục chất lượng.
Điều kiện làm việc và sinh sống của đội ngũ nhà giáo đang rất đáng lo ngại, nhất là nhà giáo ở các vùng núi, vùng xa và hải đảo. Vì thế, cần chuẩn hóa các chính sách thu nhập, đảm bảo lương cho đội ngũ nhà giáo tương đồng với các ngành nghề khác. 
Để có được Ngô Phi Long, HS Trường THPT Chuyên Sơn La hai năm liền đoạt HCV Vật lý Olympic quốc tế; Tỉ lệ HS khá giỏi tăng, giữ vững sĩ số trong năm học; Tỉ lệ HS đỗ ĐH, CĐ năm sau cao hơn năm trước; Đặc biệt người dân quan tâm hơn đến việc học của con em…vv, tất cả đều xuất phát từ chữ tâm của các thầy cô giáo dạy học ở miền núi đã cần mẫn gieo chữ cho đời.
Nếu không có lòng yêu nghề sẽ không thể trụ lại đất này, đó là chia sẻ của nhiều thầy cô đang dạy học ở miền núi. Chỉ có sự hy sinh thôi vẫn chưa đủ mà các thầy cô giáo bám trụ với GD miền núi rất cần sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội, với mong muốn điều kiện sống và dạy học tốt hơn, để GD miền núi thực sự có chất lượng.
Bá Kiên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ