Vào mùa bồi dưỡng: Thực hành nâng cao năng lực

GD&TĐ - Hoàn thành chương trình tập huấn do ngành GD tổ chức, đội ngũ cán bộ quản lý, GV trên khắp cả nước tiếp tục tự bồi dưỡng bằng nhiều hình thức từ tìm hiểu kiến thức đến vận dụng phương pháp mới trong giảng dạy.

Giáo viên cùng nhau tháo gỡ vấn đề trong quá trình bồi dưỡng. Ảnh: ETEP
Giáo viên cùng nhau tháo gỡ vấn đề trong quá trình bồi dưỡng. Ảnh: ETEP

Học đi đôi với hành

Đánh giá cao vai trò của việc tự bồi dưỡng, cô Đỗ Thị Cúc, Trường THPT Trưng Vương, tỉnh Hưng Yên, chia sẻ: Để đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, bên cạnh các khóa tập huấn chung, mỗi thầy, cô giáo cần phải tự học, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, nghiệp vụ sư phạm và nắm vững các phương pháp dạy học.

Cũng theo cô Cúc, việc tự bồi dưỡng hiện nay có nhiều ưu điểm. Trước hết, giáo viên có thể quản lý thời gian tự học, không phải di chuyển đến nơi tập huấn nên tiết kiệm chi phí và đảm bảo an toàn. Một ưu điểm khác là thầy cô không bị giới hạn về mặt thời gian.

“Với mỗi mô-đun, giáo viên – trong vai trò người học – có thể luyện đi luyện lại nhiều lần đến khi vận dụng thuần thục trong giảng dạy để đạt hiệu quả cao nhất. Việc tự nghiên cứu cũng không khó khăn khi nguồn học liệu do Chương trình ETEP xây dựng tương đối đầy đủ, ở nhiều định dạng như bản giấy, bản mềm, video, câu hỏi, bài tập...”, cô Cúc cho hay.

Tại Sơn La, cô Vũ Thị Hiền, Tổ trưởng Tổ Văn Sử Địa, Trường THPT Yên Châu, đã hoàn thành bồi dưỡng theo diện cốt cán với mô-đun 9 về ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh tiểu học, THCS, THPT. Sau khi hoàn thành tập huấn, cô Hiền lựa chọn tự bồi dưỡng thông qua thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tế giảng dạy.

Trước khi bắt đầu tiết học, cô Hiền thường cho học sinh ôn tập bài cũ dưới hình thức trò chơi “Ai là triệu phú” và sử dụng qua phần mềm tạo câu hỏi trắc nghiệm Kahoot. Khi ứng dụng kiến thức được tập huấn từ mô-đun 9, bản thân nhận thấy học sinh hào hứng, tập trung hơn vào bài giảng. Điều này cũng giúp tiết học Ngữ văn sinh động hơn.

“Trong quá trình tự bồi dưỡng, thầy cô có thể khai thác kho học liệu số, phần mềm đã được giới thiệu trong quá trình tập huấn và vận dụng vào quá trình dạy học. Tuy nhiên, việc vận dụng phải linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của môn học, tránh lạm dụng. Ứng dụng kiến thức được tập huấn vào chương trình giảng dạy, song giáo viên không nên bài trừ những phương pháp truyền thống. Vận dụng linh hoạt, bổ sung các phương pháp giúp việc tự bồi dưỡng đạt hiệu quả thực tế cao hơn”, cô Hiền đánh giá.

Ngoài thời gian giảng dạy trên trường, cô Lê Kim Một, Trường Tiểu học C, thị trấn Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, lên kế hoạch hoàn thành tự bồi dưỡng mô-đun vào các tiết trống hoặc buổi tối. Vừa học trên hệ thống quản lý học tập (LMS), nữ giáo viên vừa kết hợp tham khảo tài liệu được cấp, đồng thời đọc thêm học liệu do đồng nghiệp chia sẻ để bổ sung kiến thức cá nhân.

Quan điểm “học đi đôi với hành”, cô Một tìm cách vận dụng nội dung trau dồi vào tình huống của lớp, trường. Khi dạy, gặp khó khăn ở đâu, cô sẽ hỏi đồng nghiệp, giáo viên cốt cán nhà trường hoặc địa phương để cùng tháo gỡ.

Cô Một chia sẻ: Khi tập huấn kết thúc, tôi cùng đồng nghiệp tiếp tục tự bồi dưỡng thông qua nghiên cứu và thực hành giảng dạy. Tuy nhiên, lúc này, việc tự bồi dưỡng sẽ đi vào thực tiễn, cụ thể, thiết thực hơn bằng các tiết dự giờ, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn về phương pháp, đánh giá, hỗ trợ học sinh... làm sao để đạt mục tiêu CT GDPT mới đặt ra.

Tự bồi dưỡng giúp giáo viên nâng cao tri thức và đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy học. Ảnh: INT
Tự bồi dưỡng giúp giáo viên nâng cao tri thức và đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy học. Ảnh: INT

Chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau

Là giáo viên cốt cán đang hỗ trợ hàng chục đồng nghiệp, cô Vũ Thị Hiền lưu ý: Để việc tự bồi dưỡng đạt hiệu quả cao nhất, trước hết, mỗi giáo viên cần ghi nhớ tầm quan trọng của việc tự bồi dưỡng và chuẩn bị sẵn sàng về tâm thế, học liệu và phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Giáo viên phải thực hiện theo đúng yêu cầu, hướng dẫn trong tài liệu, bài tập do Chương trình ETEP xây dựng. Vốn công việc đã bận rộn nên thầy cô phải lên kế hoạch cụ thể, trong đó dành thời gian tự học để không xao nhãng nhiệm vụ quan trọng này.

Cô Hiền bày tỏ: Sau khi tập huấn kết thúc, các thầy cô nên duy trì kết nối với đồng nghiệp, giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý địa phương hoặc giảng viên các trường sư phạm. Trong quá trình tự bồi dưỡng, nếu gặp khó khăn, thầy cô hãy mạnh dạn thảo luận với đồng nghiệp trên các kênh trực tuyến. Sự đoàn kết, chia sẻ sẽ mang lại những hiệu quả tích cực.

Đồng tình với quan điểm của cô Hiền, cô Kim Một nhìn nhận: Trong quá trình tự bồi dưỡng, giáo viên luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ phía đồng nghiệp, nhà trường. Ban giám hiệu luôn theo sát quá trình tự bồi dưỡng, chỉ đạo tổ chuyên môn đôn đốc, nhắc nhở, hỗ trợ kịp thời cho giáo viên khi cần.

“Tự học là quá trình cần thiết đối với mỗi giáo viên. Tuy nhiên, tôi cũng hy vọng giáo viên đại trà có thể gặp gỡ thầy cô là giảng viên sư phạm cốt cán tại địa phương của mình để trao đổi, chia sẻ và có những hỏi – đáp trực tiếp liên quan đến dạy học phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh”, cô Một bày tỏ.

Nhà trường luôn tạo điều kiện để giáo viên tự bồi dưỡng về chuyên môn, tìm hiểu nội dung chương trình, sách giáo khoa và có hướng dẫn cụ thể để mỗi giáo viên chọn mô-đun phù hợp. Khi thầy cô gặp khúc mắc, tổ chuyên môn, ban giám hiệu sẽ cùng tham gia trao đổi.

Chia sẻ thông tin trên, cô Nguyễn Thị Minh Thịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, tỉnh Phú Thọ, đồng thời nhấn mạnh: Việc tháo gỡ chung cũng là cách để cán bộ quản lý ôn lại hoặc đúc rút giải pháp mới phù hợp với thực tiễn của nhà trường. Từ đó, cán bộ quản lý lẫn giáo viên cốt cán, đại trà có thể tự nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng CT GDPT 2018. Bản thân giáo viên, cán bộ quản lý đều cần tự học, tự nghiên cứu và không ngừng đổi mới, sáng tạo.

Trong quá trình tự bồi dưỡng, giáo viên cần trang bị tốt kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và tương tác thường xuyên hơn với đồng nghiệp. Bên cạnh đó, cần khai thác tối đa các nguồn học liệu mở, cập nhật thông tin mới trong tổ, nhóm, bộ môn và hệ thống thư viện số của nhà trường để quá trình trau dồi được thường xuyên, liên tục. - TS Nguyễn Thị Ninh (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn, Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ