Văn hóa ứng xử, giáo dục đạo đức lối sống - chìa khóa của thành công

GD&TĐ - Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đòi hỏi nhiều yếu tố từ năng lực người học, quản trị nhà trường, chương trình học tiên tiến…

Sinh viên tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, sống trách nhiệm với xã hội. Ảnh minh họa
Sinh viên tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, sống trách nhiệm với xã hội. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, để phát triển toàn diện, nâng cao văn hóa ứng xử, giáo dục đạo đức lối sống được coi là một trong những tiền đề quan trọng nhất.

Giáo dục đạo đức là ‘then chốt’

Chia sẻ từ thực tế, thầy Trần Bá Uẩn, Quyền Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên, nhận định rằng văn hoá ứng xử là sự giao tiếp. Đây là một trong những yếu tố để đánh giá trình độ tri thức của mỗi con người, mỗi quốc gia. Do vậy, ngoài kỹ năng nghề nghiệp thì việc giáo dục đạo đức rất quan trọng.

Theo thầy Uẩn, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên có tới 90% học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số nên phương pháp giáo dục ở đât phải phù hợp với văn hoá bản địa của địa phương chứ không “máy móc” một khuôn mẫu nào.  

Chẳng hạn, mô hình "nhà trường xanh - ứng xử đẹp" kết hợp văn hoá ứng xử nhà trường xanh, ứng xử đẹp để thúc đẩy tư duy sáng tạo, tự tin cho người dạy, người học. Từ thành công của mô hình này, nhà trường đã phát động thêm nhiều phong trào, chương trình ngoại khóa về kỹ năng ứng xử để giúp các em học sinh được “đóng vai” trong các tình huống thực tế.

Trong khi đó, thầy Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TPHCM, chia sẻ việc nâng cao kỹ năng giao tiếp, truyền thông, kỹ năng mềm được thực hiện thông qua cuộc thi, hoạt động thể dục thể thao, nhất là các cuộc thi sáng tạo về thiết bị tự sáng chế.

Kết quả, tỷ lệ sinh viên sau khi ra trường làm đúng ngành đào tạo của trường đạt tới hơn 95%, có ngành đạt “tròn trịa” 100%. 

"Thông qua mô hình nhà trường văn minh - thân thiện - trách nhiệm đã khẳng định thương hiệu, vị thế của trường, định hướng mục tiêu phát triển của nhà trường. Chính kết quả này giúp cho đội ngũ cán bộ giảng viên, sinh viên nhà trường phát huy tốt thế mạnh trên con đường đổi mới, toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước", thầy Lộc nhấn mạnh.

Rèn ứng xử qua hoạt động Đoàn

Thanh niên tham gia các hoạt động đoàn, tình nguyện.
Thanh niên tham gia các hoạt động đoàn, tình nguyện.

Phong trào tình nguyện đã góp phần giải quyết những khó khăn của cộng đồng, trở thành trường học sinh động để thanh niên rèn luyện, trưởng thành của mỗi bạn trẻ. Trong những năm qua, thanh niên đã có mặt trên những địa bàn khó khăn, ở những công trình trọng điểm, không ngại gian khó và đóng góp sức mình để lại những công trình ý nghĩa, làm lợi cho xã hội hàng trăm tỉ đồng.   

Sau mỗi mùa tình nguyện, nhiều lớp thanh niên trưởng thành về nhận thức, sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng và xã hội. Từ chiếc áo phủ đầy bụi đường và mồ hôi, những bạn học sinh, sinh viên tình nguyện đã học được những bài học mà có lẽ không bao giờ hiểu được nếu chỉ ngồi trên ghế nhà trường.

Các chương trình “Hiến máu tình nguyện”, “Mùa hè xanh”, “Tình nguyện hè”, “Áo ấm cho em”… đã dần dần quen thuộc trong tâm khảm mỗi người. Hàng trăm nghìn lượt thanh niên tình nguyện, có cả các bạn từ Mỹ, Đan Mạch, Nga, Anh… đã và đang cống hiến “thầm lặng” cho cuộc sống. Họ có thể từng ngô ngược, có cái tôi cá nhân cao “ngút trời” nhưng khi vào tập thể, vào hoạt động Đoàn thì tất cả như một, không còn bạn này giàu bạn kia nghèo, chỉ chung lý tưởng cống hiến vì xã hội.

Đổi mới, tránh lối mòn

Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho rằng văn hoá ứng xử không chỉ nằm ở lĩnh vực văn hoá, xã hội mà rộng hơn rất nhiều trong cả chính trị, trong kinh tế.

Vị này dẫn ví dụ Việt Nam đã làm rất tốt chính sách ngoại giao vắc xin và nhấn mạnh đây chính là văn hóa ứng xử. Do vậy, ông Dũng nhấn mạnh việc triển khai bộ quy tắc ứng xử tại các cơ sở đào tạo phải thiết thực, đổi mới, tránh lối mòn. Đặc biệt, nhiều nơi tổ chức một số hoạt động ngoại khóa còn mang tính hình thức, phong trào, thời điểm, không thường xuyên, liên tục.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khẳng định: "Muốn tuyên truyền để tuyển sinh tốt thì nhà trường không chỉ thông qua báo chí, tờ rơi, trang tin điện tử mà còn truyền miệng của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ở trường. Điều này sẽ giúp hiệu quả tuyển sinh tăng lên rất nhiều".

Chia sẻ với Báo GD&TĐ anh Trương Quốc Việt - Bí thư Đoàn thanh niên trường Đại học Nội vụ Hà Nội nhấn mạnh, sinh viên Nhà trường tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, đặc biệt hỗ trợ tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19.

"Sinh viên nhà trường tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Đặc biệt, thời gian quan sinh viên nhà trường tích cực tham gia các hoạt động như: hiến máu, lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ tuyến đầu phòng dịch... Đây là những việc làm ý nghĩa, thể hiện tinh thần trách nhiệm với xã hội. Qua đó, rèn luyện giáo dục tốt đạo đức lối sống cho sinh viên…”, Anh Việt nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.