Vai trò của Nhà nước trong chiến lược triển khai tự chủ đại học

GD&TĐ - Báo GD&TĐ đã trò chuyện với TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo và Hướng nghiệp sinh viên, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về vai trò của Nhà nước trong triển khai tự chủ đại học và đánh giá mức độ tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam.  

Tự chủ đại học phải hướng tới hội nhập sâu rộng trong lĩnh vực đào tạo
Tự chủ đại học phải hướng tới hội nhập sâu rộng trong lĩnh vực đào tạo

Những thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thưa thầy, tự chủ đại học là xu thế tất yếu của các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới. Tại Việt Nam, vấn đề tự chủ đại học được thực hiện như thế nào trong thời gian qua?

Kết quả khảo sát và phân tích định lượng cho thấy: Đa số các trường đại học của Việt Nam có mức độ tự chủ tương đối thấp, đặc biệt tự chủ về các lĩnh vực tài chính và nhân sự còn rất thấp; các trường đại học đang trong lộ trình tiến tới tự chủ toàn diện.

Tại Việt Nam, xu thế tự chủ đại học gắn liền với vai trò của Nhà nước thông qua hệ thống Luật, văn bản quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành. Ban đầu, Nhà nước (thông qua Bộ GD&ĐT, các bộ chủ quản) áp dụng mô hình kiểm soát, tức là các đại học chịu sự quản lý Nhà nước chặt chẽ về mọi mặt (tổ chức, bộ máy, học thuật, tài chính).

Tự chủ đại học là xu thế phát triển tất yếu khách quan. Coi tự chủ đại học là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của thế giới và khu vực, đồng thời cũng là nội dung then chốt cần giải quyết triệt để trong sửa đổi Luật Giáo dục. Xu thế này vừa tạo ra các cơ hội phát triển nhưng cũng chứa đựng những khó khăn, thách thức nhất định trong xây dựng mô hình trường đại học 4.0.

Có thể nhận thấy, tự chủ đại học của Việt Nam đã được thể chế hóa, cụ thể hóa, có đủ hành lang pháp lý để vận hành. Tuy nhiên, nhiều học giả, tổ chức độc lập cho rằng các quyền tự chủ đại học chưa thật sự phát huy hết tác dụng vì tính chất chưa triệt để và thiếu sự nhất quán, đồng bộ các chủ trương, chính sách của Nhà nước về giáo dục đại học.

Các cơ sở giáo dục đại học dường như vẫn hết sức mong muốn được tăng thêm quyền tự chủ, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý tài chính, bộ máy, nhân sự, tuyển sinh, trang thiết bị, cơ sở vật chất. Một số cơ sở giáo dục đại học cho rằng: Sự dịch chuyển từ mô hình quản lý kiểm soát sang giám sát của Nhà nước còn chậm; vai trò của Nhà nước đối với tự chủ đại học thể hiện sự bất hợp lý khi can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của cơ sở giáo dục đại học; thậm chí gây cản trở xu thế tự chủ đại học và sự phát triển của chính cơ sở giáo dục đại học đó.

Là người tham gia đề tài khoa học cấp Nhà nước về vai trò của Nhà nước trong triển khai tự chủ đại học và đánh giá mức độ tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam, thầy có thể cho biết quy luật tự chủ đại học tại Việt Nam được thực hiện như thế nào?

Quy luật tự chủ đại học tại Việt Nam cho thấy: Các mức độ tự chủ đại học tỉ lệ nghịch với sự can thiệp của Nhà nước. Tức là, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ càng cao thì Nhà nước chủ yếu thực hiện chức năng giám sát; cơ sở giáo dục đại học được tự chủ càng thấp thì Nhà nước chủ yếu thực hiện chức năng kiểm soát.

Kết quả điều tra cho thấy: Về mức độ tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, đa số được người điều tra xếp loại tự chủ ở mức độ trung bình và thấp, rất thấp; đặc biệt ở các lĩnh vực tài chính và nhân sự; trong đó có quyền chi trả cho giảng viên theo thỏa thuận, học phí, cơ sở vật chất và chi phí. Tức là, đa số các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam chưa có nhiều quyền tự chủ, đồng nghĩa với việc vai trò kiểm soát của Nhà nước còn rất lớn trong khi đó vai trò giám sát còn hạn chế.

Đặc biệt, trong giai đoạn các cơ sở giáo dục đại học phải đối mặt với những thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống chính sách, hành lang pháp lý do các cơ quan quản lý Nhà nước chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống và mang nặng yếu tố duy ý chí, chưa bám sát sự vận động và phát triển của hệ thống giáo dục đại học.

TS Nguyễn Anh Tuấn
  • TS Nguyễn Anh Tuấn

Hướng đến tự chủ theo xu hướng hội nhập

Thưa thầy, vai trò của Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học khi hoạt động tự chủ hiện nay ra sao?

Đối với nhóm các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập thể hiện rất rõ mức độ tự chủ trong các vấn đề về tổ chức, bộ máy nhân sự, tài chính, học phí... Tại các cơ sở giáo dục đại học này, vai trò của Hội đồng quản trị được xem như tuyệt đối khi quyết định đến quá trình vận động và phát triển của nhà trường; sự can thiệp của Nhà nước chỉ ở mức độ hết sức mờ nhạt.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học đã được Thủ tướng Chính phủ giao tự chủ thì mức độ tự chủ đã được cải thiện rất nhiều; được quyết định đa số các vấn đề về nhân sự, mức thu học phí (có hạn chế mức trần học phí), chương trình đào tạo và tuyển sinh (tự chủ về học thuật), đầu tư cơ sở vật chất, ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn hạn chế quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học này thông qua mức trần học phí, cắt quỹ lương và chi thường xuyên, ban hành các chế định, chế tài và thể hiện chức năng giám sát là chủ yếu.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học đang trên lộ trình tự chủ thì vai trò kiểm soát vẫn lấn át so với giám sát. Nhà nước đang triển khai việc cắt giảm chi thường xuyên, xác định lại quỹ lương, tinh giản đầu mối và giảm biên chế theo lộ trình đến năm 2020 sẽ bắt buộc các đại học tự chủ hoàn toàn về học thuật, tài chính, nhân sự. Các cơ sở giáo dục đại học này phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Rõ ràng, nếu không tự chủ thành công, một số cơ sở giáo dục đại học sẽ phải giải thể hoặc sáp nhập. Giải thể hoặc sáp nhập cũng là một xu thế phát triển tất yếu của các đại học trên thế giới.

Ảnh minh họa/ Internet
 Ảnh minh họa/ Internet

Để các trường đại học Việt Nam hướng đến tự chủ theo xu hướng hội nhập công nghệ 4.0, giáo dục đại học Việt Nam cần có sự chuyển dịch như thế nào?

Đối với Nhà nước cần nhanh chóng chuyển đổi từ mô hình quản lý có tính chất kiểm soát sang giám sát. Sự chuyển đổi này sẽ khơi dậy tính chủ động, tích cực và sáng tạo; phát huy được nguồn lực sẵn có và thu hút được các nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển của các đại học. Đồng thời với cơ chế giám sát, Nhà nước cần có các hoạt động thiết thực để tăng tính hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước và giảm sự can thiệp quá sâu vào các vấn đề có tính chất nội bộ của các đại học.

Nhà nước có thể tham khảo cách thức quản lý Nhà nước của Hoa Kỳ, Trung Quốc và các quốc gia khác để phát triển một số đại học trọng điểm của Việt Nam thành đại học đẳng cấp quốc tế. Việc này rất quan trọng vì các đại học đẳng cấp quốc tế sẽ là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của cả hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học: Cần nhận thức tự chủ đại học là xu thế phát triển tất yếu khách quan. Xu thế này vừa tạo ra các cơ hội phát triển nhưng cũng chứa đựng những khó khăn, thách thức nhất định (đặc biệt đối với các đại học không thuộc top 1).

Từ sự nhận thức đó, mỗi cơ sở giáo dục đại học chẳng còn cách nào khác ngoài việc chủ động, tích cực, sáng tạo để thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên kết hợp với đổi mới nội dung, chương trình đào tạo và tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình xã hội.

Việc đánh giá và xếp hạng tự chủ đại học là căn cứ giúp các cơ quan quản lý Nhà nước và hoạch định chính sách dự báo sự vận động và phát triển của các trường đại học; từ đó đưa ra các quyết định quản lý, kiến tạo cho sự phát triển của các trường đại học. Mặt khác, các kết quả nghiên cứu trên cũng là cơ sở để các trường đại học nhìn nhận, tự đánh giá và đi tắt, đón đầu lộ trình tự chủ toàn diện của chính mình.

Xin trân trọng cảm ơn thầy!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ