Ủng hộ miễn học phí THCS, tăng lương giáo viên

GD&TĐ - Góp ý dự thảo cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, TS Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế - đồng tình cần tăng lương cho giáo viên, nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học và miễn học phí cho học sinh THCS trường công lập.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo TS Phạm Văn Hùng, nội dung “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”, Nghị quyết Trung ương đã nói từ lâu. Điều này nên sớm thực hiện trong thực tế để không chỉ giúp giáo viên nâng cao chất lượng cuộc sống, tận tâm với nghề mà còn tạo điều kiện để ngành Giáo dục tuyển được nhiều người giỏi hơn cũng như thu hút đuợc người giỏi vào sư phạm.

Vấn đề chính sách phổ cập liên quan đến học học phí, TS Phạm Văn Hùng cho rằng, dự thảo Luật đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến học sinh trung học cơ sở trường công lập là hợp lý.

"THCS là cấp phổ cập để nâng cao dân trí, vì vậy nên không thu học phí“ - TS Phạm Văn Hùng nhấn mạnh.

Riêng việc nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học, TS Phạm Văn Hùng cho rằng đây là việc làm rất cần thiết và đã nâng thì nâng theo Nghị quyết.

Dẫn nội dung trong Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT: “Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo.

Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm”, TS Phạm Văn Hùng đề xuất nâng chuẩn giáo viên tiểu học lên trình độ đại học để học sinh được học những thầy cô có trình độ cao, năng lực nghề nghiệp tốt nhất.

Cùng với 3 nội dung trên, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế cũng góp ý cho dự thảo Luật các nội dung một số vấn đề:

Thứ nhất, về giáo dục thường xuyên: Cần có Trung tâm GDTX huyện và nhiều loại hình - cơ sở GDTX hơn. Nếu chỉ bó hẹp trong bốn loại hình: Trung tâm GDTX cấp tỉnh, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm tin học, ngoại ngữ thì khó có thể đáp ứng nhu cầu học tập rất đa dạng phong phú, nhiều cấp độ và ở khắp mọi nơi của nhân dân

Thứ 2: Nên cân nhắc thêm việc quy định nhóm trẻ độc lập, mẫu giáo độc lập, mầm non độc lập là cơ sở giáo dục. Theo TS Phạm Văn Hùng, gọi là “Cơ sở giáo dục” thì ở đó phải đảm bảo tính quy chuẩn, tính bài bản và khoa học trong nuôi dạy. Trong khi đó, thực tiễn của các loại lớp trên rất nhiều dạng, nhiều vẽ. Hơn nữa, việc tồn tại nhóm trẻ độc lập, mẫu giáo độc lập, mầm non độc lập hiên nay có thể là bước quá độ, tạm thời trong khi Luật phải hướng tới dài hơi.

Thứ 3: Dự thảo Luật chưa nói rõ đối tượng cán bộ quản lý giáo dục của các đơn vị quản lý hành chính như sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT có phải là nhà giáo không? Nếu không phải là nhà giáo thì mâu thuẫn vì thực tế hiện nay công nhận nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú vẫn có đối tượng cán bộ quản lý ở phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT; trong khi đó đối tượng này lại không được hưởng chế độ chính sách đầy đủ như nhà giáo (phụ cấp thâm niên…)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ