Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm: Cần minh bạch về số liệu

GD&TĐ - Thời gian qua, nhiều trường ĐH đã công bố tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm. Con số thống kê cho thấy, SV ra trường nhiều nơi có việc làm với tỷ lệ “cao ngất”. Nhìn vào những con số “đẹp như mơ” này, thí sinh sẽ khó biết được đâu là con số xác thực!

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm: Cần minh bạch về số liệu

Có “lệch pha” số liệu?

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ năm 2018, các trường ĐH phải công bố tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo về đội ngũ giảng viên, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất... mới được phép công bố chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh năm 2018. Bộ cũng yêu cầu các trường phải công bố cụ thể, công khai tỷ lệ SV ra trường có việc làm trên

website của trường và cổng thông tin tuyển sinh của Bộ trước khi thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi THPT quốc gia. Đồng thời, nhà trường phải chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung báo cáo. Song song đó, các cơ sở đào tạo gửi đề án về Bộ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra…

Công khai tỷ lệ SV có việc làm là một trong những giải pháp để xã hội giám sát về chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH. Đồng thời, đây cũng là trách nhiệm giải trình của trường ĐH cần thực hiện khi được giao quyền tự chủ ĐH.

Với những trường chất lượng đào tạo tốt, chương trình đào tạo gắn với nhu cầu người sử dụng lao động, thì đây là cơ hội để khẳng định thương hiệu của nhà trường. Qua đó các cơ quan quản lý sẽ có những chính sách, giải pháp phù hợp để đảm bảo đáp ứng nguồn nhân lực cho xã hội và hỗ trợ nhà trường phát triển.

Tuy nhiên, qua con số tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm của các trường cho thấy có sự “lệch pha” giữa các trường, giữa các vùng miền và giữa các ngành nghề. Cụ thể là tỷ lệ SV có việc làm có sự phân hóa rõ giữa các nhóm trường và khu vực. Với nhóm trường thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và nhiều trường địa phương, tỷ lệ SV sau khi tốt nghiệp có việc làm thấp.

Đơn cử như Trường ĐH Tây Bắc, Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định, các trường CĐ Sư phạm… có tỷ lệ SV có việc làm dao động ở mức 30% - 75%. Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM tỷ lệ chỉ từ 47,69 - 53,46%. Trường ĐH Quốc tế miền Đông tỷ lệ 66,07 - 84,55%.

Trong khi đó các trường ở khu vực thành phố và các đô thị trung tâm có tỷ lệ SV có việc làm khá cao, có trường hơn 90% (Trường ĐH Công nghệ TPHCM 95,45%; Trường ĐH Bình Dương 90,38 - 98,86%; ĐH Công nghệ Đồng Nai 87,64 - 91,02%; Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn hơn 95%; Trường ĐH Tôn Đức Thắng 98,68%; Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM 100%...).

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, số liệu SV có việc làm sau khi ra trường được khảo sát theo nhiều nguồn và mỗi trường có cách làm khác nhau. Có trường khảo sát qua thông tin trên trang web, qua hệ thống; có trường khảo sát bằng phiếu và có trường khảo sát qua điện thoại. Việc khảo sát hầu như rất khó đảm bảo chính xác vì số lượng SV được khảo sát không đầy đủ...

Theo chia sẻ của một cán bộ phụ trách đảm bảo chất lượng và khảo thí một trường ĐH: Tỷ lệ SV có việc làm khi công bố chỉ là thông tin tổng hợp. Ví dụ nhóm ngành Kinh doanh - Quản lý có trên 400 người tốt nghiệp nhưng trường chỉ liên hệ khảo sát được trên 300 người; trong đó 247 người đã có việc làm nên tỷ lệ đạt trên 90%. Số SV còn lại trường vẫn đang tiếp tục liên hệ và sẽ báo cáo bổ sung sau. Tất nhiên, đây là vấn đề rất khó bởi không thể buộc tất cả SV phải phản hồi!

Phải công khai, minh bạch

Khi các trường vừa công bố tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm, đã có trường hợp số liệu nhà trường công bố bị “lệch pha”. Theo đó, số SV tốt nghiệp chỉ có 1.566, nhưng số có việc làm lên đến 1.683 (tỷ lệ SV có việc làm lên đến 107%). Đây có thể là trường hợp “sai số về số liệu có thể xảy ra” được lý giải (!).

Nhìn vào những con số SV có việc làm “đẹp như mơ” được các trường công bố, thí sinh sẽ khó biết được đâu là con số xác thực. Cũng khó tránh khỏi việc các trường tìm kiếm “đối sách”, công khai số liệu thiếu tin cậy?! Đây cũng chỉ là số lượng SV có việc làm sau khi ra trường 12 tháng, không phân biệt đúng ngành hoặc không. Trong đó, nhiều trường không nêu rõ số lượng SV được khảo sát và có phản hồi như quy định. Trong mục “3 công khai” trên website nhiều trường hiện vẫn chưa thấy thông tin này.

Mới đây, đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT có buổi làm việc với Trường ĐH Bách khoa TPHCM để kiểm tra, rà soát các điều kiện về đảm bảo chất lượng tại trường. Trong hàng loạt các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mà đoàn đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại trường, thì trường bị “vướng” duy nhất một hạn chế là việc khảo sát và xác định tỷ lệ việc làm SV sau khi ra trường.

Theo thống kê của Trường ĐH Bách khoa TPHCM, tỷ lệ SV ra trường có việc làm sau 12 tháng (thống kê 2 khóa tốt nghiệp gần nhất) là 93,95% và 90,15%. Tuy nhiên, theo TS Trần Văn Kiên - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT): Theo báo cáo tình hình khảo sát việc làm của SV sau khi ra trường mà nhà trường gửi về cho Bộ GD&ĐT năm 2017 có nhiều điểm chưa tốt.

Cụ thể, trong báo cáo này, số lượng SV tốt nghiệp được khảo sát có phản hồi khá ít (ngành Kỹ thuật Hàng không có 25 SV tốt nghiệp nhưng chỉ có 3 SV phản hồi; ngành Kỹ thuật Dầu khí có 77 SV tốt nghiệp nhưng chỉ có 7 SV phản hồi)...

Những con số cụ thể nêu trên cho thấy trường chưa đảm bảo tỷ lệ phản hồi tối thiểu theo Công văn số 2919 của Bộ GD&ĐT (cụ thể từng ngành). Qua đối chiếu các số liệu thống kê, số lượng phiếu phản hồi của SV sau tốt nghiệp với nhà trường vẫn chưa đảm bảo theo quy định. Cụ thể là trường chưa đảm bảo tỷ lệ tối thiểu SV tốt nghiệp được khảo sát có phản hồi theo Công văn số 2919, ngày 10/7/2018 của Bộ GD&ĐT.

Chất lượng việc làm của SV sau khi tốt nghiệp ĐH là thước đo quan trọng phản ánh chất lượng giáo dục dạy học của các trường. Đã đến lúc trường ĐH cần minh bạch về tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm. Đây là căn cứ quan trọng để đẩy mạnh giao quyền tự chủ và khẳng định thương hiệu một trường ĐH.

Điều đáng chú ý là số liệu SV tốt nghiệp có việc làm đã được nhiều trường ĐH công bố chính là tỷ lệ SV có việc làm trên tổng số SV có phản hồi. Nghĩa là, sẽ có một bộ phận SV không phản hồi. “Sai số về số liệu” có thể xảy ra ở chỗ, những SV chưa có việc làm có thể chưa hoặc không phản hồi và những SV có việc làm phản hồi cao hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ