Tuyển sinh lớp 10 tại Lai Châu: Học sinh vùng cao "không mặn mà"

GD&TĐ - Phân luồng học sinh sau THCS được xem là giải pháp căn cơ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục THPT và tạo nguồn nhân lực có chất lượng.

Nhiều học sinh vùng cao không học tiếp THPT.
Nhiều học sinh vùng cao không học tiếp THPT.

Tuy nhiên, công tác tuyển sinh lớp 10 ở Lai Châu còn nhiều trăn trở khi học sinh vùng cao “không mặn mà” với việc học.

Tỷ lệ tuyển sinh giảm

Nhằm định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, tỉnh Lai Châu đã ban hành Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10. Mục tiêu đặt ra còn nhằm nâng chất lượng đầu vào lớp 10 và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Với 9.176 học sinh tốt nghiệp THCS, năm học 2022 - 2023, địa phương dự kiến tuyển sinh 4.646 học sinh tương ứng với 50,8% em lớp 9 vào học lớp 10. So với năm học 2021 – 2022, Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 của Lai Châu giảm 7,9% (381 học sinh).

Huyện Nậm Nhùn hiện có 631 em đang theo học lớp 9. Theo kế hoạch, 2 trường THPT trên địa bàn huyện chỉ tuyển sinh 264 học sinh. Nếu như năm học 2021 - 2022, Trường THPT huyện Nậm Nhùn tuyển 225 học sinh vào lớp 10 thì năm nay, nhà trường chỉ tuyển 140 học sinh. Với tỷ lệ tuyển sinh thấp, nhiều học sinh lo lắng khi mình không trúng tuyển vào lớp 10.

Em Khoàng Thị Lan, học sinh lớp 9A2, Trường PTDTBT THCS Nậm Hàng, cho biết: “Em đang nỗ lực ôn để có kết quả tốt nhất. Khi biết năm nay các trường tuyển sinh ít chỉ tiêu, em thấy khá lo lắng, không biết mình có trúng tuyển hay không”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Ninh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Nhùn, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay tương đối thấp. Toàn huyện chỉ tuyển hơn 41%. Với nhiều học sinh mong muốn được học lên nhưng không trúng tuyển sẽ là một thiệt thòi. Tuy nhiên, việc phân luồng học sinh ngay từ đầu sẽ giúp lựa chọn những em có năng lực để học tiếp bậc THPT.

Gia đình em Lò Thị Thanh Thương, học sinh lớp 9A2, Trường PTDTBT THCS Nậm Hàng, có 4 chị em trong độ tuổi ăn học. Vì vậy, Thương mong được tuyển sinh vào Trường DTNT THPT huyện Nậm Nhùn để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho bố mẹ. Bởi, học tại trường nội trú, em sẽ được nhận tiền hỗ trợ chi phí học tập.

“Em sẽ nỗ lực hết sức để có kết quả cao trong kỳ thi vào lớp 10 sắp tới. Nhưng nếu không trúng tuyển vào học Trường DTNT Nậm Nhùn, em sẽ theo học nghề” – Lò Thị Thanh Thương chia sẻ.

Ông Vũ Tiến Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn, cho hay: “Số trường THPT trên địa bàn chỉ có 2. Để đáp ứng nhu cầu, quyền lợi học tập của học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, chúng tôi đã tuyên truyền để các em đăng ký vào trường THPT ở huyện giáp ranh như Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ…

Ngoài ra, chúng tôi tăng cường tuyên truyền để học sinh tham gia các lớp trung cấp nghề ở trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, khảo sát mở lớp bổ túc THPT tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện nếu đủ điều kiện”.

Tỷ lệ tuyển sinh của các trường THPT trên địa bàn Lai Châu giảm.
Tỷ lệ tuyển sinh của các trường THPT trên địa bàn Lai Châu giảm.

Học sinh “không mặn mà”

Trên 9.000 học sinh lớp 9 của tỉnh Lai Châu đang học những ngày cuối của cấp THCS. Thi vào lớp 10 là lựa chọn ưu tiên của đại đa số học sinh ở vùng thuận lợi. Nhưng đối với địa bàn vùng cao, nhiều học sinh lại “không mặn mà” với việc học.

Năm học này, Trường PTDTBT THCS Bum Nưa (huyện Nậm Nhùn) có 52 học sinh lớp 9. Theo thầy Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường, năm học trước, nhà trường có 59% học sinh học tiếp các trường THPT và trường nghề. “Năm nay, nhà trường đã tư vấn cho từng em để chọn trường THPT phù hợp hoặc học nghề. Nhưng đến nay, trường mới có 23 học sinh lớp 9 đăng ký tiếp tục học sau khi tốt nghiệp. Trong đó, có 6 em đăng ký thi vào trường nghề” – thầy Minh chia sẻ.

Huyện Mường Tè có 915 học sinh lớp 9. Dự kiến, toàn huyện chỉ có khoảng 50% số học sinh có nhu cầu vào lớp 10 năm học tới.

Theo ông Hà Đình Nhuận – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè, sau khi phân luồng, 60% học sinh có nguyện vọng theo học ở bậc THPT; hơn 8% theo học nghề. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 chủ yếu là những em ở vùng thuận lợi. Còn ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa thì tỷ lệ tương đối thấp.

Theo thầy Cao Văn Hoạt, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Bum Tở, Mường Tè, trường chỉ có 7/63 học sinh lớp 9 đăng ký học tiếp THPT. “Địa bàn chủ yếu là người La Hủ. Nhận thức của không ít phụ huynh còn hạn chế. Họ chưa thực sự quan tâm đến việc học của con em mình. Nhiều gia đình cho con em lao động sớm. Vì thế, nhiều học sinh không mặn mà với việc học”.

Thầy Lò Văn Thại, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, nói: “Năm học trước, tỷ lệ học sinh học sau khi tốt nghiệp THCS là 30%. Năm nay, chúng tôi đang triển khai tư vấn nhưng dự kiến, tỷ lệ đăng ký vào 10 không cao”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ