Tuyển sinh đại học 2018: Phong phú cách thức xét tuyển và đa dạng hình thức đào tạo

GD&TĐ - Tuyển sinh đại học 2018 tiếp tục được nhìn nhận ở sự đa dạng hóa hình thức xét tuyển. Ở nhiều trường đại học, ngoài việc mở các ngành học mới hấp dẫn thì việc làm mới các nhóm ngành đào tạo, tạo sự khác biệt trong đào tạo mang sự khởi sắc mới hơn, đa dạng, hấp dẫn và phù hợp hơn với thực tế.

Các trường ĐH, CĐ đã đổi mới cơ bản trong tuyển sinh nhằm  hướng tới người học
Các trường ĐH, CĐ đã đổi mới cơ bản trong tuyển sinh nhằm hướng tới người học

Phong phú cách thức xét tuyển

Đại học Quốc gia Hà Nội lại tiếp tục tiên phong trong đổi mới tuyển sinh ở năm học này bằng việc, bên cạnh xét tuyển sinh theo phương thức chung từ kết quả Kỳ thi THPT quốc gia và điểm thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức (còn hạn sử dụng) thì chứng chỉ quốc tế quốc tế Cambridge International Examinations A-Level và kết quả kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) cũng được sử dụng để xét tuyển.

Đây là năm đầu tiên ĐHQG Hà Nội xét tuyển đối tượng sử dụng kết quả SAT đăng ký vào các trường và đơn vị thành viên, với những tiêu chí được nhiều chuyên gia đánh giá là nâng tầm vị thế và chất lượng của một đại học hàng đầu đất nước.

Ở phía Nam, Đại học Quốc gia TPHCM cũng đưa ra phương án tuyển sinh năm 2018, ngoài các phương thức tuyển sinh như năm 2017 tức là lấy kết quả thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia thì dự kiến sẽ có thêm kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TPHCM tổ chức. Kết quả thi sẽ được sử dụng như một phương án tuyển sinh.

Dự kiến bài thi có cách tiếp cận tương tự bài thi SAT của Hoa Kỳ và bài thi TSA của Anh, có các nội dung cơ bản nhằm đánh giá chính xác khả năng học tập của người học: Năng lực sử dụng ngôn ngữ, năng lực tư duy logic, năng lực phân tích, tổng hợp giải quyết vấn đề.

Chưa có thông tin cuối cùng về việc có tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực này để xét tuyển sinh hay không nhưng nhiều chuyên gia tuyển sinh đều đánh giá cao và cho rằng đây là cách tiếp cận mới, hiệu quả, chính xác, rất nên thực hiện.

Trường Đại học FPT cũng vừa công bố phương án tuyển sinh 2018 trên website của trường này. Theo đó, các thí sinh có nguyện vọng theo học tại trường này cần đáp ứng đủ hai tiêu chí là: Đủ tiêu chuẩn học đại học theo quy định của Bộ GD&ĐT năm 2018; trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh hoặc đủ điều kiện tuyển thẳng của trường.

Điều nhắc tới ở đây là những thí sinh không đủ điều kiện tuyển thẳng sẽ phải tham gia hai bài thi nhằm đánh giá năng lực phổ thông nền tảng và năng lực chuyên biệt có liên quan ngành học đăng ký dự thi và đánh giá năng lực nghị luận thông qua bài luận có chủ đề thông dụng và gần gũi với học sinh đã hoàn thành chương trình THPT được trường thực hiện cũng được coi là phù hợp, góp phần đánh giá đúng năng lực người học. Tất nhiên, một trong những yêu cầu để được chấp nhận là thí sinh phải đủ điều kiện học đại học do Bộ GD&ĐT quy định.

Đa dạng hình thức đào tạo

Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Nguyễn Phong Điền, cho biết: Do nhu cầu thực tế đòi hỏi, năm nay trường sẽ tăng chỉ tiêu ngành Công nghệ thông tin, đặc biệt là các chuyên ngành Công nghệ thông tin đang cần nhiều như an toàn thông tin - an ninh mạng, truyền thông dữ liệu và mạng máy tính, khoa học máy tính...

Trường sẽ thay đổi phương thức đào tạo, từ phương pháp cũ chuyển sang phương pháp dạy hỗn hợp, một phần trực tuyến, một phần trên lớp. Theo thiết kế, sinh viên sẽ có 30% học phần đào tạo online, 70% còn lại là đào tạo trên lớp. Việc này đạt được hai mục tiêu là sinh viên thuận lợi hơn và giảng viên có thể làm việc ở bất kỳ đâu, không nhất thiết phải lên lớp. Dự kiến sẽ có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo vào quá trình đào tạo này.

Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải sẽ phát huy thế mạnh của mình, trong đó khai thác tối ưu, gắn đào tạo với thực tế. Đại diện trường này cho biết trường đang đào tạo ngành Logistics và vận tải đa phương thức. Các ngành học này đang có sức hấp dẫn rất lớn; với nhu cầu lao động của doanh nghiệp hiện nay thì trường đang không có sinh viên tốt nghiệp để cung cấp cho các công ty của Nhật Bản.

Được biết, không chỉ các công ty của Nhật Bản cần nhân lực của ngành Logistics và vận tải đa phương thức mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác cũng đang thiếu. Nếu có sự ham thích ngành nghề này thì việc theo học sẽ có tương lai rất mở - lãnh đạo Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết.

Trong số các trường đại học được giao nhiệm vụ đào tạo thường xuyên, từ xa phục vụ nhu cầu học tập liên tục và suốt đời của người dân, Trường Đại học Mở TPHCM cũng đã lên phương án tuyển sinh năm học 2018 này. Nhằm thu hút và có thêm lựa chọn cho thí sinh, Trường Đại học Mở TPHCM đã ra mắt chương trình đào tạo trực tuyến với 9 ngành: Kế toán, Kinh doanh quốc tế, Quản trị nhân lực, Quản trị kinh doanh, Kiểm toán, Ngôn ngữ Anh, Tài chính - Ngân hàng, Luật học và Luật Kinh tế.

Khai thác lợi thế của hình thức đào tạo từ xa bằng hình thức học trực tuyến, những học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo này, sẽ được nhận bằng cử nhân theo hình thức đào tạo từ xa, được Bộ GD&ĐT công nhận. Đại diện nhà trường cho biết, dự kiến trong năm 2018, sẽ tuyển 1.000 học viên theo chương trình đào tạo này.

Trong nhóm ngành đào tạo liên quan đến máy tính, công nghệ thông tin, nhiều trường đã có những tính toán sắp xếp lại cho phù hợp với yêu cầu hơn. Đó là liên quan đến các ngành khoa học máy tính, các mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, kỹ thuật máy tính, công nghệ kỹ thuật máy tính… đã hấp dẫn hơn và đáp ứng thực tế nhiều hơn.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia an ninh mạng, công nghệ thông tin và ngành an toàn thông tin, trong đó ngành an toàn thông tin là ngành học rất mới và hấp dẫn; nếu như được đào tạo một cách bài bản, năng lực thuần thục thì các cử nhân tốt nghiệp ngành học này không thiếu gì đất để dụng võ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ