Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy cung cấp thông tin giúp thí sinh tránh trượt oan đại học

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, dự thảo Quy chế tuyển sinh 2021 có một số điểm mới theo hướng có lợi cho thí sinh.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: TG
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: TG

Tuy nhiên, thí sinh cần cẩn trọng khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, đồng thời lưu ý một số sai sót dễ gặp phải để không bị “trượt oan”.

Nắm chắc những điểm mới

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Bộ đã và đang từng bước hoàn thiện chính sách liên quan đến tuyển sinh, đào tạo, đồng thời thành lập tổ chuyên gia đại diện cho các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo để phối hợp rà soát, sửa đổi bổ sung Quy chế tuyển sinh.

Ngoài ra, Bộ đã hướng dẫn về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và cập nhật cơ sở dữ liệu về khu vực ưu tiên nhằm phục vụ cho công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2021; đồng thời hướng dẫn xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học và cao đẳng sư phạm mầm non. Mặt khác, đề nghị các cơ sở đào tạo sớm điều chỉnh và công bố đề án tuyển sinh 2021.

Thông tin về tuyển sinh năm nay, PGS Nguyễn Thu Thủy cho hay: Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần, thay vì 1 lần như năm 2020.

Ngoài ra, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến. “Với địa bàn khó khăn về thiết bị, đường truyền, THPT, ĐH, CĐ trên địa bàn sẽ tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn thí sinh khi đăng ký trực tiếp.

Khảo sát sơ bộ cho thấy, thí sinh ở hầu hết các địa phương có thể thực hiện đăng ký bằng hình thức trực tuyến. Đây là hình thức thuận tiện hơn so với điều chỉnh bằng phiếu” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay, đồng thời nhấn mạnh, sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyển sinh.

Cũng theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học, dự thảo Quy chế tuyển sinh năm nay quy định cụ thể hơn về việc khu vực  “3 Tây”: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ “đặt hàng” nguồn nhân lực.

Theo đó, thí sinh là người có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm THPT tại các địa phương này.

Điểm trúng tuyển của những thí sinh này có thể thấp hơn nhưng không thấp hơn quá 1 điểm so với điểm trúng tuyển của chương trình/ngành đào tạo, tính theo thang điểm 30 và không thấp hơn ngưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định của chương trình/ngành tuyển sinh.

Dự thảo cũng quy định thí sinh xác nhận nhập học vào cơ sở đào tạo đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (với thí sinh tham dự kỳ thi THPT của năm tuyển sinh) đến cơ sở đào tạo.

Dự kiến năm nay thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần thay vì 1 như năm trước. Ảnh minh họa: TG
Dự kiến năm nay thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần thay vì 1 như năm trước. Ảnh minh họa: TG

Để không nhầm lẫn

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội Nguyễn Thị Nhung nêu ý kiến: Nên tiếp tục cho thí sinh xác nhận trúng tuyển, nhập học bằng hình thức trực tuyến nhằm bảo đảm tính chính xác, nhanh chóng và thuận tiện.

Đồng thời tiếp tục duy trì lọc ảo như năm ngoái để có thông tin chung và đạt hiệu quả cao trong tuyển sinh.

Nhất trí cao với một số điểm mới của dự thảo Quy chế tuyển sinh 2021, GS.TS Nguyễn Hữu Tú – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội khẳng định: Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn có giá trị với các cơ sở giáo dục đại học. Theo thống kê, hầu hết các trường dành 50% chỉ tiêu để xét tuyển từ kết quả kỳ thi này.

“Chúng tôi hoan nghênh Bộ GD&ĐT giữ vai trò chủ đạo của kỳ thi. Tuy nhiên, có 3 khâu không thể chủ quan và cần tiếp tục làm tốt hơn nữa là: Đề thi, coi thi, chấm thi.

Với đề thi nên có sự phân loại nhiều hơn để thuận lợi cho các trường xét tuyển. Trường đại học ủng hộ tối đa trong kỳ thi và sẽ huy động nguồn nhân lực để tổ chức kỳ thi công” - GS.TS Nguyễn Hữu Tú nhấn mạnh.

Theo TS Lê Xuân Thành – Trưởng phòng Công tác Chính trị - Sinh viên, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội), năm nay thí sinh vẫn được đăng ký không giới hạn nguyện vọng.

Tuy nhiên, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều, vì khi phần mềm xét tuyển chạy, nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1 hoặc nguyện vọng 2, nguyện vọng tiếp sau sẽ không được xét.

Ở mùa tuyển sinh năm trước, nhiều thí sinh xếp theo thứ tự ưu tiên: Ngành, trường dễ trúng tuyển lên trước, những trường khó xuống dưới.

Tuy nhiên, đây cũng là sai lầm cần tránh.

Thay vào đó, các em nên sắp xếp lần lượt theo thứ tự ưu tiên giữa các nguyện vọng.

Đây là điểm thí sinh cần lưu ý, để tránh bị “trượt oan” những ngành nghề mà mình yêu thích.

Ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khuyến nghị, mặc dù các quy định về tuyển sinh có nhiều điểm thuận lợi cho thí sinh, nhưng các em cần thường xuyên cập nhật thông tin trên website của trường mà mình dự định đăng ký xét tuyển để nắm bắt chủ trương, chính sách về tuyển sinh của trường; trong đó có thông tin về mã tổ hợp xét tuyển, mã ngành đào tạo để không bị nhầm lẫn.

“Tôi  đề xuất các cơ sở đào tạo cần thống nhất nội dung này trên website của trường và phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, tránh những nhầm lẫn, sai sót không đáng có” – ông Đại đề xuất.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo công tác tuyển sinh 2021 theo kế hoạch; đồng thời hướng dẫn các trường điều động cán bộ, giảng viên tham gia vào các đoàn thanh kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau tuyển sinh sẽ có kiểm tra, thanh tra về bảo đảm chất lượng, đặc biệt là những trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Với các sở GD&ĐT, cần rà soát lại danh mục khu vực ưu tiên, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và hỗ trợ thí sinh đăng ký trực tuyến. Đồng thời chủ động phương án, kịch bản nhằm thích ứng kịp thời những diễn biến bất thường của thiên tai, dịch bệnh Covid-19. 

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ