Tuần cuối năm học, dư luận vẫn “nóng” chuyện thưởng, phạt trong giáo dục

GD&TĐ -  Tuần qua, sự việc cô giáo ở Hải Phòng bị buộc thôi việc vì đánh hàng loạt học sinh trong lớp học; chuyện trao phần thưởng tượng trưng của một Phòng GD tại Hà Nội,... thu hút sự quan tâm của dư luận.

Tuần cuối năm học, dư luận vẫn “nóng” chuyện thưởng, phạt trong giáo dục
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang khóc xin lỗi trong buổi làm việc với lãnh đạo TP Hải Phòng sau vụ việc
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang khóc xin lỗi trong buổi làm việc với lãnh đạo TP Hải Phòng sau vụ việc 

Buộc thôi việc cô giáo đánh học sinh, nên hay không?

Dư luận có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quyết định buộc thôi việc cô giáo ở Hải Phòng có hành vi đánh hàng loạt học sinh trong giờ kiểm tra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, đuổi việc cô giáo là đúng vì chúng ta cần tiến tới một nền giáo dục không có bạo lực.

Với các nghề khác, việc cho người mắc lỗi có cơ hội làm lại là cần thiết nhưng với nghề đặc thù như nghề giáo, việc này là hoàn toàn không nên. Trước hết, những người chấp nhận chọn làm giáo viên là họ phải tự trang bị cho mình tâm thế của người thầy- tấm gương để học sinh và xã hội nhìn vào. Vì thế họ phải luôn ý thức được những việc mình đã làm, đang làm và sẽ làm.

Còn nếu chọn nghề giáo chỉ vì đơn giản nghĩ nó chỉ là một nghề mưu sinh như bao nghề khác thì họ đã sai lầm nghiêm trọng. Từ đó dẫn đến có những hành động phản giáo dục như trường hợp cô giáo Trang và sai phạm của nhiều giáo viên khác trong thời gian vừa qua là khó tránh khỏi.

Thứ hai, những người làm thầy, làm cô là những người đã được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp trong một môi trường mô phạm. Họ không chỉ được đào tạo về chuyên môn và còn được đào tạo về kỹ năng, đạo đức làm thầy nên việc xảy ra những vụ việc như vừa qua, đánh học sinh hàng loạt, bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, thậm chí xâm hại học trò… là điều không thể chấp nhận được.

Thứ ba, với những thầy cô đã xảy ra những sai phạm nghiêm trọng như thế, nếu họ thực sự hối hận về hành động của mình thì chính lòng tự trọng của người thầy cũng đã ngăn cản việc họ trở lại bục giảng. 

Và cho thôi việc những người thầy, người cô như thế đôi khi lại mở ra một cơ hội tốt khác cho họ. Họ sẽ không bị áp lực với một công việc mà mình hoàn toàn không yêu quý, có cơ hội tìm một công việc khác phù hợp hơn. Và lỗi lầm gây ra khi còn là “người thầy” ít ra cũng nhắc nhớ họ khi làm bất cứ công việc gì, cũng nên đặt cái “tâm” vào trong đó.

Hình ảnh "phần thưởng rỗng ruột" gây bức xúc phụ huynh và học sinh quận Cầu Giấy (Hà Nội)
Hình ảnh "phần thưởng rỗng ruột" gây bức xúc phụ huynh và học sinh quận Cầu Giấy (Hà Nội) 

Chuyện thành tích và khen thưởng cuối năm học

Kết thúc năm học, đâu đó lại khiến dư luận quan tâm đến những con số, có lớp 42/43 học sinh đạt học sinh giỏi xuất sắc; những bảng điểm toàn điểm 10; những tờ giấy khen không ăn nhập với thành tích và khả năng của học sinh – khiến phụ huynh “giật mình”,...

Một trong số đó là câu chuyện về “phần thưởng rỗng ruột” khiến nhiều học sinh giỏi ở quận Cầu Giấy, Hà Nội “sốc” khi đi nhận phần thưởng dành cho học sinh tiêu biểu do Phòng GD&ĐT Cầu Giấy (Hà Nội) trao tặng, trong gói phần thưởng chỉ có… một tờ giấy màu.

Dư luận và phụ huynh bức xức vì cho đây là hành động dối trá, coi thường phụ huynh và học sinh. Số khác cho rằng, đã nói hướng tới xóa bỏ “bệnh thành tích trong giáo dục” vậy tại sao còn bày đặt chuyện khen, thưởng?

Ngay sau vụ việc, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, Hà Nội đã gửi thư xin lỗi các bậc phụ huynh, học sinh, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận về sơ suất trong việc phát phần thưởng học sinh giỏi tiêu biểu của quận.

Trong thư ngỏ gửi tới các bậc phụ huynh, học sinh, ông Phạm Ngọc Anh giải thích, nhằm kịp thời biểu dương các học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện, ngày 21/5/2019, Phòng GD&ĐT quận tổ chức Lễ Tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi tiêu biểu quận Cầu Giấy năm học 2018 – 2019.

Tại buổi lễ, ngoài những học sinh tiêu biểu, đạt giải cao trong các kỳ thi các cấp được nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, Phòng GD&ĐT có trao thưởng tượng trưng trên sân khấu cho những học sinh tiêu biểu trong học tập và rèn luyện của các nhà trường.

Tiền thưởng của học sinh, Phòng GD&ĐT đã gửi về các nhà trường để trao cho học sinh trước buổi Lễ nhằm tránh việc học sinh đánh mất tiền thưởng.

Tuy nhiên, một số trường chưa kịp gửi tiền thưởng đến học sinh và chưa thông tin kịp thời đến phụ huynh học sinh. Việc này vô tình đã gây bức xúc cho một số phụ huynh và học sinh về cách thức trao giải thưởng của ngành GD&ĐT quận.

Đây là bài học không chỉ riêng cho ngành GD quận Cầu Giấy mà là bài học chung cho tất cả các cơ sở GD trong công tác tổ chức các chương trình. Nhân sự việc này, chúng ta cũng cần nhìn nhận lại xem, khen thưởng nặng về tiền thưởng có phải là biểu hiện của bệnh thành tích trong giáo dục?.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ