Tự chủ đại học và vai trò của Hội đồng trường

GD&TĐ - Một trường đại học chắc chắn sẽ lớn mạnh hơn khi sức mạnh của Hội đồng trường được phát huy tốt nhất. Do hoạt động độc lập theo cơ chế dân chủ tập thể nên Hội đồng trường sẽ phát huy tối đa vai trò tư vấn, giám sát, định hướng kế hoạch phát triển nhà trường. 

Tự chủ đại học và vai trò của Hội đồng trường

Nhiều nhà giáo dục đồng quan điểm với việc thành viên Hội đồng trường không chỉ là người trong trường, mà còn có thành viên đến từ bên ngoài mà uy tín và năng lực đã được khẳng định, là chuyên gia hoặc những cá nhân thành đạt trong một lĩnh vực nào đó. Với danh dự và địa vị xã hội, tham gia vào Hội đồng trường không vì mục đích cá nhân, tư lợi mà mục đích cao cả nhất là vì sự phát triển của nhà trường gắn với phát triển cộng đồng, chắc chắn sẽ có những quyết sách thực tế và hiệu quả hơn.

Vai trò quan trọng

Trong số các trường đại học được thí điểm tự chủ thời gian qua đều là những trường đại học lớn, nhiều trường trong số đó thời gian thực hiện kéo dài đã hơn chục năm, có những trường từ việc giao cho thực hiện tự chủ đã hâm nóng bầu nhiệt huyết của cán bộ, giảng viên, hiệu quả hoạt động tốt hơn.

Đặc biệt là khi vai trò của Hội đồng trường được khẳng định với chức năng tư vấn, giám sát đã đưa hoạt động điều hành của những trường này hiệu quả hơn so với trước đây. Tuy nhiên, vẫn còn có những băn khoăn về mối quan hệ và quyền của Hội đồng trường với những thực thể chính trị - xã hội khác, trong đó quan trọng nhất là với trực tiếp Hiệu trưởng.

Theo PGS.TS Lê Văn Thanh – Chuyên gia giáo dục, thực tế cho thấy, tuy rằng các quy định về tự chủ trong đó có vai trò, chức năng của Hội đồng trường đã được cải tiến khá nhiều nhưng vẫn chưa mạnh dạn thực thi, bị ràng buộc bởi quá nhiều cơ chế, luật định cũng như các trường đại học vẫn mang tâm lý Hiệu trưởng và Đảng bộ trường mới là nơi quyền lực to nhất.

Cần phải thay đổi cách nghĩ này vì thực tế về lý thì Hội đồng trường là tổ chức điều hành mang tính học thuật nhiều hơn là chính trị. Một Hội đồng trường nên được thành lập như Hội đồng quản trị, được giao mọi quyền hạn về tuyển dụng bổ nhiệm hiệu trưởng, quản trị nguồn nhân lực (tuyển dụng, đào tạo, đãi ngộ, sa thải nhân viên), chất lượng đào tạo (tuyển sinh, học phí, chất lượng giảng dạy…).

Phát biểu tại Hội thảo “Tự chủ đại học: Cơ hội và thách thức” được tổ chức mới đây ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ: Mô hình Hội đồng trường là nhằm tăng quyền tự chủ của trường đại học, chuyển từ mô hình quản trị hành chính một thủ trưởng sang mô hình quản trị là cá nhân kết hợp với tập thể khi các cơ quan hành chính chủ quản không còn can thiệp vào hoạt động của trường.

Nhưng thực tế thời gian qua, Hội đồng trường trong các trường công lập chưa phát huy được vai trò đúng nghĩa, quyền lực vẫn tập trung vào Hiệu trưởng. Phó Thủ tướng cho biết, dự thảo Nghị định của Chính phủ về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp đối với khối đại học sẽ đặt Hội đồng trường là cơ quan quản lý cao nhất, toàn quyền lựa chọn Hiệu trưởng, Hiệu phó, cơ quan lãnh đạo trong trường.

Phát huy sức mạnh của Hội đồng trường

Một Hội đồng trường sẽ chỉ mạnh và phát huy tác dụng tốt nhất khi không bị ràng buộc chỉ đạo của một cơ quan cấp trên, ở Hội đồng trường đó với cơ chế tập trung dân chủ mà thành viên sẽ đại diện đủ theo cơ cấu quy định, sẽ đưa ra những quyết sách đường hướng chiến lược cho việc phát triển nhà trường. Khi đó, Hiệu trưởng với tư cách chỉ là một cá nhân vừa là thành viên, vừa là người có nhiệm vụ thi hành nghị quyết của Hội đồng trường.

Theo đánh giá của nhiều nhà giáo dục, cơ chế này sẽ phát huy tối đa trí tuệ tập thể, đồng thời cũng khắc chế được quan điểm duy ý chí, rất dễ dẫn đến sai lầm khi quyền lực chỉ tập trung duy nhất vào Hiệu trưởng, khi mà vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể ở trường đó phát huy hiệu quả chưa tốt.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, tới đây sẽ từng bước tiến tới xóa bỏ cơ chế “Bộ chủ quản” để đảm bảo cho Hội đồng trường hoạt động hiệu quả. Khi trao cơ chế tự chủ cho trường đại học hoàn toàn không đồng nhất với cơ chế phân quyền trách nhiệm giám sát trường đại học từ Trung ương cho các tỉnh, thành phố và địa phương. Quyền tự chủ của nhà trường sẽ không còn chỉ ở một cá nhân (Hiệu trưởng) mà là ở cả một tập thể thành viên chủ yếu là các đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội.

Hội đồng trường với quyền lực thực sự sẽ quyết định mọi chính sách của nhà trường, có quyền chọn lựa Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng và có cơ chế kiểm soát độc lập đối với mọi hoạt động của nhà trường. Nhiều nhà giáo dục đồng quan điểm với việc thành viên Hội đồng trường không chỉ là người trong trường, mà còn có thành viên đến từ bên ngoài mà uy tín và năng lực đã được khẳng định, là chuyên gia hoặc những cá nhân thành đạt trong một lĩnh vực nào đó.

Với danh dự và địa vị xã hội, tham gia vào Hội đồng trường không vì mục đích cá nhân, tư lợi mà mục đích cao cả nhất là vì sự phát triển của nhà trường gắn với phát triển cộng đồng, chắc chắn sẽ có những quyết sách thực tế và hiệu quả hơn.

Khi quyền tự chủ của trường đại học càng lớn thì trách nhiệm giải trình với xã hội càng cao, trong đó vai trò của Hội đồng trường là vô cùng quan trọng. Cần phải hiểu, trách nhiệm giải trình với xã hội giờ không còn là chỉ riêng của Hiệu trưởng mà là của cả một Hội đồng, mỗi quyết sách chiến lược, mỗi nghị quyết không phải chỉ là nghị quyết trên giấy mà phải đi vào thực tế, điều này thể hiện trách nhiệm của Hội đồng trường với người học, phụ huynh, người sử dụng lao động, Nhà nước và cả xã hội. Đó là trách nhiệm đảm bảo chất lượng đào tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thông tin minh bạch và báo cáo giải trình công khai với công chúng, người học để cộng đồng chấp nhận.

Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 đã chỉ rõ, để tăng cường trách nhiệm giải trình của các trường đại học công lập, phải đẩy mạnh hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả cơ chế Hội đồng trường và cơ chế kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Chắc chắn, Hội đồng trường sẽ mạnh hơn khi được thiết lập hoàn chỉnh và thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học.

Hội đồng trường sẽ toàn quyền khi giữ vai trò bầu thành viên Ban Giám hiệu gồm cả Hiệu trưởng. Thành viên Hội đồng trường không chỉ đảm bảo số lượng thành viên theo cơ cấu mà cần có cả thành viên đến từ bên ngoài. Thành viên Hội đồng trường nên là những cá nhân thành đạt có uy tín trong cộng đồng với nhiều kinh nghiệm thực tế trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và tiếng nói của họ sẽ có trọng lượng hơn nhiều khi họ không hưởng lương hay bất kể một khoản phúc lợi nào từ nhà trường nơi mà họ tham gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ