Trường học vùng cao: Nhiều biện pháp chống rét cho học sinh

GD&TĐ - Những ngày này, liên tiếp có những đợt không khí lạnh tràn về gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là đối với HS ở bậc học mầm non và tiểu học. Để bảo đảm việc học và sức khỏe cho các em, nhiều trường học vùng cao đã triển khai các biện pháp giữ ấm.  

Tỷ lệ chuyên cần của các nhà trường được bảo đảm
Tỷ lệ chuyên cần của các nhà trường được bảo đảm

Phương châm “ba cần”

Với đặc thù là địa phương có nền nhiệt tương đối thấp vào mùa đông, nên huyện Sa Pa (Lào Cai) đặc biệt coi trọng công tác phòng chống rét cho HS. Tại điểm trường Lếch Dao, Trường Mầm non xã Thanh Kim, huyện Sa Pa, những chiếc quạt sưởi đã được huy động để giữ ấm cho các em.

Cô Vi Thị Thắm, giáo viên ở phân hiệu Lếch Dao cho biết: Mặc dù là xã vùng thấp của Sa Pa, nhưng những ngày vừa qua, thời tiết tại Thanh Kim vẫn rất khắc nghiệt. Nhiệt độ xuống thấp ảnh hưởng khá lớn tới việc đến trường của HS. Bên cạnh việc sử dụng quạt sưởi, hoặc đốt lửa sưởi ấm cho các em trong những ngày mất điện, giáo viên cũng nhắc nhở các bậc cha mẹ mặc quần áo ấm, tất, khăn mũ cho các em. Những hoạt động ngoại khóa ngoài trời cũng được hạn chế, thay vào đó là những giờ học không kém phần sôi nổi trong lớp.

Để bảo đảm sức khỏe, an toàn cho HS, các trường học đã thực hiện chống rét theo phương châm “ba cần”: Cần kín gió, cần ăn uống nóng và cần ngủ ấm. Mặt khác, tích cực huy động các nguồn xã hội hóa để trang bị thêm quần áo ấm, mũ len, khăn quàng, ủng chân cho HS vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào DTTS còn khó khăn. Nhờ vậy, mặc dù thời tiết khá khắc nghiệt, nhưng tỉ lệ chuyên cần của nhiều trường học những ngày qua vẫn được bảo đảm, các hoạt động dạy và học vẫn diễn ra bình thường.

Cô Nguyễn Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tả Giàng Phìn, huyện Sa Pa chia sẻ: Ngoài việc bổ sung thêm quần áo, chăn ấm cho các em, nhà trường còn hướng dẫn các em mặc ấm, phòng tránh những bệnh có thể phát sinh trong thời gian giá rét; và đặc biệt là quan tâm đến chế độ sinh hoạt và ăn uống của HS bán trú, giúp các em có được sức khỏe tốt, đảm bảo việc học tập đạt kết quả tốt.

Giờ học của cô trò phân hiệu Lếch Dao, xã Thanh Kim, huyện Sa Pa, Lào Cai
  • Giờ học của cô trò phân hiệu Lếch Dao, xã Thanh Kim, huyện Sa Pa, Lào Cai

Tỷ lệ chuyên cần được bảo đảm

Ông Đỗ Văn Tân, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sa Pa nêu rõ: Để bảo đảm sức khỏe, duy trì tỷ lệ HS chuyên cần cho trên 20.000 HS trên toàn huyện, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường học căn cứ vào tình hình thực tế, khi nhiệt độ xuống dưới 6 độ C sẽ cho HS nghỉ học. Đối với HS ở bán trú sẽ được quản lý tại trường.

Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tăng cường tuyên truyền cho phụ huynh thực hiện phòng chống rét cho HS. Thời gian vừa qua, Phòng GD&ĐT cũng đã tham mưu cho UBND huyện dành kinh phí hơn 2 tỷ đồng để bổ sung đệm, chăn, ga trải giường đối với các trường học bán trú, trang bị miếng xốp trải sàn cho các trường mầm non, cải tạo sửa chữa đường điện tại các trường có đường điện yếu, không đảm bảo, bổ sung các thiết bị sưởi ấm, ưu tiên cho cấp học mầm non.

Đặc biệt, các trường học trên địa bàn huyện cũng thực hiện tốt công tác vận động xã hội hóa GD. Tính từ đầu năm đến nay, từ các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã hỗ trợ các trường học về cơ sở vật chất như áo ấm, ủng, bàn ghế, sách vở, gạo... với tổng trị giá khoảng 10 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.