Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cụ thể hóa và lan tỏa lợi ích của Dự án CATALYST

GD&TĐ - Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên là 01 trong 06 trường Đại học vinh dự được chọn làm điểm mô hình Dự án CATALYST gồm 13 đối tác đến từ 06 quốc gia, bao gồm Việt Nam, Lào và 04 quốc gia thuộc khối EU.

Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế, việc đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhằm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực một cách bền vững đang là vấn đề bức thiết được đặt ra.

“Cách tiếp cận giao tiếp trong phương pháp giáo dục nghề nghiệp ở bậc Đại học nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững của giáo dục” là chủ đề thiết thực, cụ thể thu hút hàng trăm đại biểu tham gia thảo luận trong Ngày hội truyền thông, thuộc khuôn khổ dự án CATALYST được tổ chức lần thứ II, tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (ĐHSPKT) mới đây.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên thực hiện cụ thể hóa và lan tỏa lợi ích của Dự án CATALYST.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên thực hiện cụ thể hóa và lan tỏa lợi ích của Dự án CATALYST.

Dự án CATALYST (Communicative approaches in University Vocational Teaching Methodology focusing on Improving Educational Yield and Sustainability - Cách tiếp cận giao tiếp trong phương pháp giảng dạy hướng nghiệp ở bậc Đại học nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững của giáo dục).

Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên là 01 trong 06 trường Đại học vinh dự được chọn làm điểm mô hình Dự án CATALYST gồm 13 đối tác đến từ 06 quốc gia, bao gồm Việt Nam, Lào và 04 quốc gia thuộc khối EU. Dự án do chương trình ERASMUS + của Liên minh châu Âu tài trợ.

Dự án CATALYST lần này có sự tham gia của nhiều đối tác giáo dục đến từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK), và Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHNN)...

Đứng trước sự thay đổi về kỹ thuật và sự đổi mới về cơ sở hạ tầng và liên kết ngành, PGS.TS Trương Ngọc Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên khẳng định: “Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên sẽ cụ thể hóa các mục tiêu của Dự án, lan tỏa rộng rãi lợi ích của Dự án thông qua chọn lọc những gì tinh túy nhất, phù hợp nhất từ Bộ chương trình Cốt lõi gồm 12 mô-đun với các mục tiêu cụ thể.

Trong đó, tập trung vào các mục tiêu như nâng cao hiệu quả phương pháp giảng dạy, đánh giá người học, phát triển ngoại ngữ trong đào tạo nghề, tăng cường khả năng tự phát triển chuyên môn của giáo viên, liên kết với các khung đào tạo trên thế giới và nâng cao tính bền trong giáo dục, góp phần quan trọng nâng cao giá trị của nguồn nhân lực Việt Nam để phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ hội nhập”.

Với mục tiêu chính là xây dựng và triển khai Bộ Chương trình Cốt lõi toàn diện mang tính sư phạm, trong đó áp dụng thiết kế mô-đun theo Hệ thống chuyển đổi và tích lũy tín chỉ châu Âu (ECTS) có điều chỉnh phù hợp với thực trạng giáo dục nghề nghiệp ở bậc Đại học của Việt Nam và Lào.

Dự án CATALYST lần này sẽ giúp cho hàng nghìn sinh viên của trường được hưởng lợi bởi sự chuyển mình của các cơ sở đào tạo cũng như đội ngũ giảng viên thông qua các chương trình giảng dạy cốt lõi theo thiết kế hệ thống tín chỉ Châu Âu; các công cụ giảng dạy sáng tạo để cải thiện chất lượng sinh viên tốt nghiệp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nâng cao khả năng được tuyển dụng của sinh viên sau khi ra trường… như kỹ năng STEM ở mọi cấp độ, ICT và lập trình, các kỹ năng giúp tiếp nhận, vận hành và bảo dưỡng kỹ thuật; sự sáng tạo, kỹ năng xã hội (sự tương tác, chăm sóc), các nhiệm vụ đòi hỏi sự khéo tay, không thể tự động hoá, giảm thiểu tác động tiêu cực của những tổn thất nghề nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ