Trường chất lượng cao phải làm gì khi xóa cơ chế đầu tư

GD&TĐ -Ngày 18/2, trong một cuộc trao đổi với các văn nghệ sĩ Thủ đô về định hướng đầu tư cho giáo dục, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết thành phố sẽ mạnh dạn xóa việc đầu tư cho những trường được gọi là chất lượng cao của Hà Nội. Trái với sự lo lắng của một số trường, không ít ý kiến thể hiện sự đồng tình với quyết định này.

Nữ sinh trường Marie Curie
Nữ sinh trường Marie Curie

 Cần đầu tư nhiều hơn cho các trường chất lượng chưa cao

          Câu chuyện có nên phát triển và nhân rộng các trường CLC hay không, theo GS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh - là điều hết sức quan trọng. Theo ông, nếu là trường CLC công lập, hiển nhiên nhà nước phải bỏ ra một số tiền rất lớn để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị dạy học hiện đại và trả lương cao cho giáo viên. Điều đó hoàn toàn không hợp lí khi chúng ta đang rất thiếu các trường học “bình thường”, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Khi mà mọi người dân đều phải đóng thuế như nhau thì đó là điều hết sức không công bằng.

          "Đối với các nước khác trong khu vực có trường CLC hay không? Chúng ta sẽ học tập và áp dụng những cái gì của họ? Theo tôi biết thì ở các nước khác không có hệ thống trường CLC, mà chỉ có các trường với thương hiệu cao do phụ huynh tự đánh giá.

          Bởi vậy, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông báo về việc xóa cơ chế đầu tư cho các trường CLC. Tôi tán thành điều đó và đa số phụ huynh mong muốn rằng các trường chất lượng chưa cao sẽ được đầu tư hơn nữa" - GS Văn Như Cương nêu quan điểm.

          Khác với GS Văn Như Cương, NGƯT Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐQT Trường THPT  Dân lập M.V.Lômônôxốp - cho rằng, đã có chủ trương của Đảng, Luật của Nhà nước, Quyết định của UBND thành phố Hà Nội thì việc thực hiện xây dựng trường chất lượng cao là nhiệm vụ và tiêu chí phấn đấu của những người làm giáo dục Thủ đô, đặt trên vai các nhà quản lý một nhiệm vụ không hề nhỏ. Nếu làm được, đây sẽ là niềm vinh dự và tự hào vì đã vượt qua những khó khăn thách thức, đóng góp cho giáo dục Thủ đô trong sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nước nhà.

          Về việc xóa bỏ cơ chế đầu tư cho các trường chất lượng cao, từ thực tế công tác, theo NGƯT Nguyễn Phú Cường, có những trường còn hạn chế về cơ sở vật chất, chẳng hạn diện tích sử dụng chưa đủ (so với đầu học sinh), số lớp quá nhiều mà không thể rút bớt … mà vẫn xin phấn đấu là trường chất lượng cao thì dù có đổ vào đó nhiều tiền chưa chắc đã đạt, bắt kinh phí nhà nước chi phí kém hiệu quả mà kinh phí thu về chưa rõ có bù được không?

          Bên cạnh đó, một số trường có thể đủ điều kiện thành trường chất lượng cao, nhưng trang thiết bị chưa chuẩn (đồ thí nghiệm mau hỏng hay cơ sở vật chất xuống cấp) hoặc vận hành của trường có vấn đề khi thay đổi hiệu trưởng… Mặt khác, tiêu chí đạt chuẩn đánh giá chất lượng hay đạt chuẩn quốc gia chỉ có thời hạn (5 năm đánh giá lại một lần) nên đầu tư có thể kém hiệu quả thì cần xem xét lại xem có nên đầu tư hay không khi mà nợ công đang là bài toán khó giải!

          "Nếu xóa đầu tư, các trường được gọi là chất lượng cao khó có thể trở thành trường chất lượng cao thực sự nếu không tìm được cách xã hội hóa. Phải thay đổi để có chất lượng thực sự, vừa lòng người học, có uy tín trong dân, các dịch vụ hoàn hảo, thì lúc đó thông qua học phí và vận động đóng góp mới có thể đạt hiệu quả" - NGƯT Nguyễn Phú Cường cho hay.  

Khuôn viên trường Marie Curie
Khuôn viên trường  Marie Curie

Cần thêm nhiều quyền tự chủ

 Trao đổi về xóa bỏ cơ chế đầu tư cho các trường chất lượng cao ở Hà Nội, thầy Nguyễn Xuân Khang  - Hiệu trưởng Trường Marie Curie - cho rằng, khi đã tự chủ tài chính, những trường này cần được tự chủ nhiều khâu khác nữa, như chương trình, nội dung giảng dạy, nhân sự...  Bên cạnh đó, trường chất lượng cao phải tạo được sự khác biệt, đáp ứng nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh, xứng "đồng tiền, bát gạo" họ bỏ ra.

          "Đơn cử, muốn chất lượng giáo dục tốt để thu hút học sinh cần giáo viên giỏi; nhưng liệu hiệu trưởng nhà trường có được quyền chọn lọc giáo viên, loại bỏ giáo viên yếu kém, tuyển giáo viên đáp ứng yêu cầu để có một đội ngũ đến nơi, đến chốn?" - thầy Nguyễn Xuân Khang đặt câu hỏi.

          Thầy Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, trường đầu tiên đạt tiêu chí trường chất lượng cao ở cấp THPT của Hà Nội - khẳng định: để thực hiện chuyển đổi từ trường công lập được hưởng ngân sách nhà nước sang trường công lập tự chủ tài chính không phải là việc đơn giản.

          "Có rất nhiều thứ cần phải làm một cách đồng bộ, nhưng điểm bắt đầu vẫn phải từ đội ngũ lãnh đạo. Ban đầu nên chọn các trường với ban lãnh đạo đồng lòng quyết tâm chuyển đổi mô hình.

          Tiếp nữa là việc phát triển chương trình nhà trường (theo hướng dẫn 791 của Bộ GD&ĐT), triển khai thí điểm và cuốn chiếu kết hợp với đánh giá, rút kinh nghiệm và điều chỉnh trong từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của lãnh đạo các cấp góp phần rất quan trọng trong những giai đoạn đầu chuyển đổi" - thầy Hà Xuân Nhâm chia sẻ.

Trường THPT Phan Huy Chú Hà Nội
 Trường THPT Phan Huy Chú Hà Nội

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.