Tránh hình thức “mì ăn liền” trong bồi dưỡng giáo viên

GD&TĐ - Chia sẻ về bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa, GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng: Bồi dưỡng cho mỗi lần đổi mới chương trình và sách giáo khoa có mục tiêu hướng đến triệt tiêu cách bồi dưỡng mang tính giải pháp tình huống.

Một giờ học tại Trường tiểu học Đình Bảng 1 (Bắc Ninh)
Một giờ học tại Trường tiểu học Đình Bảng 1 (Bắc Ninh)

Tiến tới giáo viên chủ động đáp ứng mọi thay đổi về chương trình, SGK

Theo GS Đinh Quang Báo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK) thường được gọi tắt là bồi dưỡng thay sách, với mục tiêu giúp giáo viên quán triệt đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp,… dạy học, giáo dục trong chương trình, SGK mới; nắm vững những thay đổi so với chương trình, SGK hiện hành, để dạy và giáo dục học sinh đáp ứng mục tiêu giáo dục.

Mục tiêu cụ thể của bồi dưỡng thay sách được xác định vừa đáp ứng mục tiêu đổi mới chương trình, SGK, vừa phát triển nâng cao tiềm lực; vì những tình huống khó khăn khi thực hiện chương trình mới mà giáo viên gặp phải cũng là những tình huống điển hình liên quan trực tiếp đến những tiêu chí cơ bản trong năng lực nghề nghiệp giáo viên.

Với quan niệm đó, GS Đinh Quang Báo cho rằng, mục tiêu bồi dưỡng thay sách phải được xác định sao cho kết quả bồi dưỡng phát triển được tiềm lực giáo viên, tiến tới giáo viên luôn chủ động đáp ứng được mọi thay đổi về chương trình, SGK trong quá trình hoạt động nghề nghiệp.

Giải pháp “mì ăn liền” trong bồi dưỡng giáo viên dần dần được khắc phục, thay bằng giải pháp có mục tiêu căn cơ, bền vững. Bồi dưỡng cho mỗi lần đổi mới chương trình và SGK có mục tiêu hướng đến triệt tiêu cách bồi dưỡng mang tính giải pháp tình huống.

Nội dung bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông

Nội dung bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK được GS Đinh Quang Báo đưa ra gồm: Phân tích được những đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình môn học, hoạt động giáo dục, sách giáo khoa môn học;

Hình thành được các kĩ năng vận dụng các phương pháp dạy học, giáo dục đáp ứng đổi mới chương trình theo định hướng tích hợp, phát triển năng lực; kĩ năng phát triển chương trình nhà trường, chương trình môn học; kĩ năng kiểm tra - đánh giá theo định hướng phát triển năng lực;

Kĩ năng thiết kế các dự án, chủ đề dạy học tích hợp, nghiên cứu khoa học cho học sinh; kĩ năng soạn các tiêu chí, tham gia đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh; kĩ năng tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo; kĩ năng nhận ra và giải quyết các tình huống giáo dục; xây dựng các chủ đề giáo dục phù hợp địa phương; kĩ năng tham vấn học đường, tư vấn hướng nghiệp;…

Hình thành năng lực phát triển nghề nghiệp ttrong tập thể sư phạm nhà trường, đặc biệt tổ chức các hoạt động phát triển chương trình giáo dục nhà trường, nghiên cứu bài học;…

Với cán bộ quản lý nhà trường, GS Đinh Quang Báo cho rằng, nội dung bồi dưỡng gồm quản lý tập thể sư phạm nhà trường phát triển chương trình nhà trường; tổ chức bồi dưỡng về những định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, rèn luyện các kĩ năng thông qua các hoạt động cụ thể.

Cùng với đó là tổ chức các hoạt động xã hội hoá giáo dục (tập trung vào các nội dung đổi mới cơ bản). Đây là lĩnh vực quan trọng tác động đến nhiều nội dung đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Nghiên cứu hạ tầng giáo dục, hiện trạng kinh tế, xã hội địa phương, nhu cầu phụ huynh, đặc biệt là học sinh; chất lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục: cơ sở thực hành, thiết bị, phương tiện giáo dục,…

Tổ chức đa dạng hóa các phương pháp, hình thức dạy học, giáo dục dựa trên nghiên cứu bài học, các hoạt động phát triển nghề nghiệp. Tổ chức dạy học phân hóa dựa trên nghiên cứu nhu cầu, sở trường, đặc điểm, đặc thù từng nhóm học sinh.

Các cán bộ quản lý cũng cần được bồi dưỡng về điều chỉnh cấu trúc nội dung dạy học các môn học, hoạt động giáo dục; tổ chức nhóm, tổ chuyên môn, hội đồng xây dựng chương trình giáo dục nhà trường và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp, bồi dưỡng nghề nghiệp thường xuyên.

Cuối cùng, nội dung bồi dưỡng cho cán bộ quản lý liên quan đến phát triển nguồn học liệu trên cơ sở chương trình các môn học, các chuyên đề tự chọn theo nhu cầu học sinh và hướng nghiệp địa phương. Tổ chức đánh giá giáo viên sao cho khích lệ được ý thức tự giác phát triển năng lực nghề nghiệp, biến nhà trường thành tổ chức biết học hỏi.

"Bồi dưỡng phải luôn luôn hướng đến phát triển nâng cao năng lực nghề nghiệp giáo viên. Mục tiêu bồi dưỡng được xác định dựa vào phát triển các năng lực được quy định bởi đặc điểm lao động của người giáo viên và chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Đó là mục tiêu chiến lược, mục tiêu quá trình phát triển nghề nghiệp.

Quá trình phát triển nghề nghiệp thực chất là quá trình làm cho giáo viên chủ động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển giáo dục các cấp học, bậc học. Đó là các hàm đồng biến theo các biến số rất đa dạng liên quan đến các yếu tố cấu thành chất lượng giáo dục, chất lượng nghề nghiệp"
- GS Đinh Quang Báo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ