TP.HCM: Linh hoạt triển khai dạy học trên Internet

GD&TĐ - Trong thời gian học sinh tạm ngừng đến trường để phòng dịch Covid-19, trường học tại TP.HCM đã linh hoạt triển khai dạy học trên internet với nhiều giải pháp khác nhau.

Học sinh tại TP.HCM tham gia học tập trực tuyến trong thời gian tạm ngừng đến trường để phòng dịch Covid-19. Ảnh: T.Tuyết
Học sinh tại TP.HCM tham gia học tập trực tuyến trong thời gian tạm ngừng đến trường để phòng dịch Covid-19. Ảnh: T.Tuyết

Chủ động triển khai

Tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP. Thủ Đức), học sinh tham gia học tập trực tuyến trên ứng dụng K12Online. Học sinh toàn trường học tập theo thời khoá biểu từng lớp đã được thông báo (ngoại trừ môn Thể dục sẽ học tập trung sau khi trở lại trường).

Cô Hoàng Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây cho hay, nhà trường đã chuẩn bị kĩ và tập huấn về phần mềm cho giáo viên trước Tết Nguyên đán, hướng dẫn học sinh cài đặt nên việc triển khai dạy học diễn ra thuận lợi.

Qua thống kê, ngày đầu tiên có khoảng 94% học sinh của trường tham gia học tập trực tuyến; 102 bài giảng đã được tạo và 15 bài kiểm tra ôn tập kiến thức cho học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thu Trang, Trường THPT Đào Sơn Tây đang trong tiết dạy trực tuyến. Ảnh: P.Nga
Cô giáo Nguyễn Thu Trang, Trường THPT Đào Sơn Tây đang trong tiết dạy trực tuyến. Ảnh: P.Nga 

Trong ngày thứ hai triển khai, có khoảng 94% học sinh tham gia học trực tuyến, 116 bài giảng, 20 bài kiểm tra ôn tập kiến thức đã được cập nhật.

Nhà trường đang rà soát, nắm tình hình những học sinh chưa tham gia học trực tuyến để có kế hoạch, phương án hỗ trợ các em. 

Ban giám hiệu cũng sẽ dự giờ một số tiết dạy học trực tuyến. Ngoài ra, hàng ngày, giáo viên chủ nhiệm giám sát và cập nhật tình hình sức khỏe, chuyên cần của học sinh từng lớp.

Giáo viên bộ môn thực hiện kiểm diện học sinh ngay sau 15 phút vào lớp dạy học trực tuyến. Bộ phận học vụ báo cáo lãnh đạo trường trước 8 giờ tình hình kiểm diện học sinh tham gia học trực tuyến. Đồng thời theo dõi, nhắc nhở và ghi nhận giáo viên thực hiện thời khóa biểu.

Học sinh Trường THCS Thái Văn Lung, TP Thủ Đức học tập trên internet. Ảnh: Phan Nga
Học sinh Trường THCS Thái Văn Lung, TP Thủ Đức học tập trên internet.  Ảnh: Phan Nga 

Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1), trong tuần đầu tiên trở lại trường sau Tết, sẽ triển khai dạy học trực tuyến ở ba môn Toán, tiếng Anh, Ngữ văn. Các môn học khác, giáo viên sẽ quay clip, hoặc soạn hướng dẫn nội dung ôn tập, học tập cho học sinh và đưa lên trang web của trường.

Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1 tập huấn cho giáo viên về phần mềm dạy học trực tuyến vào ngày 17/2. Ảnh: T.G
Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1 tập huấn cho giáo viên về phần mềm dạy học trực tuyến vào ngày 17/2. Ảnh: T.G

Để đảm bảo việc dạy học hiệu quả, ngày 17/2 Trường THCS Nguyễn Du cũng đã tập huấn cho giáo viên về phần mềm mới K12Online. Toàn trường sử dụng phần mềm này và kết hợp với một số ứng dụng khác trong dạy học trực tuyến. Buổi sáng, giáo viên tập huấn trực tuyến, buổi chiều tập huấn trực tiếp tại trường.

Theo kế hoạch ở tuần dạy học tiếp theo, giáo viên tất cả các môn sẽ soạn học liệu dưới hình thức e-learning và đưa lên hệ thống K12Online để đảm bảo dạy học cho học sinh theo thời khoá biểu. 

Linh hoạt dạy học cho học sinh tiểu học

Đối với khối tiểu học, bà Phạm Thuý Hà, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT Quận 4 chia sẻ, hầu hết các trường tiểu học ở địa bàn triển khai dạy học trực tuyến bằng hình thức ghi hình những bài giảng và gửi link, clip cho phụ huynh học sinh kèm theo đó là hướng dẫn bài học. Clip được xử lý kĩ thuật với hình ảnh đẹp, âm thanh rõ nét với thời gian ngắn, tầm khoảng 15-20 phút.

Việc giáo viên ghi hình các bài giảng và gửi cho phụ huynh bằng nhiều cách khác nhau giúp cha mẹ học sinh có thể cho con em học bất cứ lúc nào.

Từ kinh nghiệm dạy học trên internet của năm học trước, các trường tiểu học rất chủ động, linh hoạt triển khai. Các trường còn chia sẻ clip  để làm phong phú thêm dữ liệu bài giảng. Cách làm này sẽ giúp giáo viên có nhiều thời gian hơn để luyện tập, sửa bài và củng cố kiến thức cho học sinh.

Học sinh khối 2 học tập môn tiếng Anh qua clip bài giảng được giáo viên gửi trên nhóm zalo của phụ huynh. Ảnh: Thảo Nguyên
Học sinh khối 2 học tập môn tiếng Anh qua clip bài giảng được giáo viên gửi trên nhóm zalo của phụ huynh. Ảnh: Thảo Nguyên

“Ở lứa tuổi tiểu học, chúng tôi hướng dẫn các trường linh hoạt để làm sao tạo thuận lợi về mặt thời gian cho phụ huynh cùng hướng dẫn trẻ học, không gây áp lực. Và quan trọng giáo viên phải nắm được tình hình học tập của học sinh để có những điều chỉnh kịp thời, với những bé chưa nắm được bài có thể hỗ trợ riêng”, cô Hà nói.

Thầy Vương Sĩ Đức, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, Quận Gò Vấp chia sẻ, do đã có kinh nghiệm từ năm học trước nên giáo viên bắt nhịp nhanh. Tuỳ vào môn học và khối lớp để có những cách triển khai bài học qua phần mềm dạy học, quay clip bài giảng…

Thầy Đức cho biết thêm, theo kế hoạch, sau 1 tuần học tập, giáo viên sẽ có một bài kiểm tra nhỏ để nắm tình hình tiếp thu của học sinh. Nếu em nào chưa nắm được nội dung bài học, giáo viên sẽ hỗ trợ thêm.

Trước đó, ngày 14/2, UBND TP.HCM đã quyết định cho học sinh trên địa bàn TP tạm ngừng đến trường đến hết ngày 28/2, tiếp tục học trên Internet để đảm bảo kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 và phòng dịch Covid-19.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ