TPHCM: Đề thi học kỳ nhiều đổi mới

GD&TĐ - Trong đợt kiểm tra học kỳ I năm học 2017 - 2018 tại TPHCM, ở một số trường và nhiều quận, huyện đã có sự đổi mới trong việc ra đề kiểm tra cho các môn học khi lồng ghép các vấn đề thời sự từ thực tế như văn hóa tranh luận, thế giới ảo, hay những câu chuyện đời thường… khiến phụ huynh HS, thậm chí cả giáo viên cũng thấy bất ngờ và thú vị.

TPHCM:  Đề thi học kỳ nhiều đổi mới

Đề Ngữ văn mang “hơi thở” thời sự

Theo dòng thời sự, mới đây đề thi học kỳ môn Ngữ văn khối 12 của Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) đã đề cập đến văn hóa tranh luận liên quan đến đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt.

Ở phần làm văn, đề thi yêu cầu: Việc đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền có người đồng tình, cũng có người phản đối. Bản thân anh/chị có ý kiến như thế nào về đề xuất này. Hãy trình bày suy nghĩ của mình bằng một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ.

Ở phần đọc hiểu, cũng liên quan đến chủ đề này, đề trích lại một đoạn dài bài phỏng vấn TS Lương Hoài Nam quanh đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền đăng trên báo Thanh niên.

Từ đó, đề thi đặt ra các vấn đề hết sức thú vị cho học sinh: Vì sao cần khuyến khích tranh luận? Tranh luận, phản biện cần dựa trên tinh thần gì? Thế nào là tranh luận có văn hóa và sống chung với sự khác biệt quan điểm?

Theo chia sẻ của thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, chủ trương của trường trong hai năm gần đây là đề thi ra dù ở bộ môn nào đều phải lồng ghép kiến thức đời sống. Điều này sẽ giáo dục kỹ năng khiến đề thi sát thực tế và học sinh cảm thấy môn học có sự gắn kết với cuộc sống.

Cũng cùng chủ đề về văn hóa tranh luận, đề thi Ngữ văn học kỳ khối 12 của Trường THPT Trưng Vương (Quận 1) cũng rất thú vị, khi vấn đề được đề cập vô cùng quen thuộc với các em hiện nay - văn hóa sỉ nhục trên mạng xã hội.

Trong đề ghi rõ: “Xử sự tàn ác với người khác thì không có gì là mới, nhưng với sự giúp đỡ của công nghệ, của thế giới ảo, sự sỉ nhục ấy được khuếch đại và còn lưu lại mãi mãi.

Nếu như sự xấu hổ ở thế giới thực trong phạm vi gia đình, làng xóm, trường học hay cộng đồng xung quanh, thì ở thế giới ảo, hàng triệu người có thể đâm vào tim bạn bằng những lời lẽ của họ”.

Đó là một phần trong đề được trích từ tác phẩm “Cái giá của nỗi nhục nhã” (Tác giả: Monica Lewinsky - Người dịch: Nguyễn Thảo). Từ đoạn trích, đề đặt câu hỏi cho học sinh: Hành động click vào những loại tin lá cải để lại hậu quả gì? Vì sao sự sỉ nhục trên thế giới ảo còn nặng nề và nguy hiểm hơn trong thế giới thực?

Cũng từ chủ đề trên, phần làm văn yêu cầu học sinh viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) để trả lời cho câu hỏi: Chúng ta cần làm gì trong “cuộc cách mạng văn hóa” khi “văn hóa sỉ nhục bắt đầu lan rộng”?

Hay đề thi Ngữ văn dành cho HS khối 9 của Phòng GD&ĐT quận 8 lại giáo dục cho HS về thái độ sống, khơi gợi cho HS về sự trân trọng, biết ơn cũng như tự hào về lịch sử của dân tộc. Trong đề có câu hỏi: Từ hình ảnh gợi ý trên, hãy viết một văn bản nghị luận (khoảng 1 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn đề “quay lưng với lịch sử là thái độ sống chưa đúng đắn”...

Thú vị đề thi môn Giáo dục công dân

Ngoài môn Toán, Ngữ văn, môn Giáo dục công dân cũng đổi mới rất nhiều trong cách ra đề. Cụ thể đề thi dành cho HS THCS tại quận 3 được đánh giá cao, khi đưa câu chuyện bác bảo vệ của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Đề trích dẫn nguồn từ một bài báo về bác bảo vệ và đặt câu hỏi: Qua hình ảnh và thông tin trên, em rút ra được bài học gì cho bản thân? Nếu em xem clip, đọc bài báo trên ở mạng Internet em sẽ viết lời bình như thế nào?

Hay là câu hỏi liên quan đến sự chia sẻ, đề thi có câu: Là một HS có sức khỏe, có trí tuệ thì em chia sẻ với bạn bè và những người xung quanh như thế nào để tâm hồn mình ngày càng tốt đẹp hơn? Em hãy viết đoạn văn từ 7 - 10 câu thể hiện sự chia sẻ đó.

Tương tự, là một câu hỏi mang tính giáo dục cao, rất sâu sắc và được lấy ví dụ rất cụ thể qua câu chuyện về việc đóng góp của cải, vật chất cho cách mạng của gia đình cụ Trịnh Văn Bô, đề đặt ra: “Em hãy viết đoạn văn từ 7 - 10 câu nêu lên suy nghĩ của mình về việc làm của ông bà cụ (Trịnh Văn Bô) cùng gia đình và bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà”.

Theo bà Dương Hữu Nghĩa, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận 3, TPHCM cho biết, chủ trương ra đề kiểm tra của Phòng cho toàn quận là theo hướng đổi mới, dạng mở bằng cách tăng cường những câu hỏi mang tính vận dụng, gắn liền với đời sống hơn.

Chẳng hạn, sự kiện, đoạn phim quay cảnh học trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cúi đầu chào bác bảo vệ được đưa vào đề thi Giáo dục công dân lớp 8 khiến HS và giáo viên rất thích thú. Hay như môn Ngữ văn đưa vấn đề về việc cha mẹ quá nuông chiều con, chăm bẵm con khiến con sống lệ thuộc, không tự lập....

Từ cách ra đề này, để làm bài, đòi hỏi HS phải liên hệ với cuộc sống, phải đọc để tư duy và thể hiện quan điểm của mình trước những vấn đề được đưa ra chứ không chỉ dừng lại ở việc học thuộc rồi trả bài như trước đây. Như vậy, các em không chỉ hiểu bài hơn, vận dụng kiến thức làm bài tốt mà còn nhận ra được nhiều điều cho bản thân khi làm về các vấn đề được nêu ra.

Câu chuyện chưa hay bên lề kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM khi một học sinh cau có, đôi co với mẹ về cây bút, và đổ lỗi, trách móc “kết quả làm bài không xong là do mẹ, sáng mẹ đưa cây bút gần hết mực, con viết một lúc đã hết mực phải thay cây khác...” được đăng tải trên báo Pháp luật TPHCM cũng được đưa vào đề thi nhằm giáo dục cho HS về việc không được ỉ lại, biết sống tự lập… bằng cách yêu cầu các em kể lại nếu như là người chứng kiến sự việc trên. Đề thi cũng có thêm câu hỏi có tính mở cho HS như: Tưởng tượng em được gặp gỡ nhân vật trong tác phẩm văn học mà em yêu thích, hãy kể lại cuộc trò chuyện thú vị ấy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.