TP Hồ Chí Minh: Trường lớp "đuổi theo" dân số

GD&TĐ - Mặc dù số học sinh tăng 1,63 lần và số phòng học tăng 2,06 lần so với năm 2003 nhưng tổng diện tích đất dành cho giáo dục tại các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 57,48% so với quy hoạch được phê duyệt.

Học sinh Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) trong buổi học trực tiếp ngày 3/3/2022. Ảnh: TG
Học sinh Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) trong buổi học trực tiếp ngày 3/3/2022. Ảnh: TG

Điều này cho thấy, sự phát triển về kinh tế cùng sự tăng nhanh dân số cơ học khiến việc mạng lưới trường học không theo kịp. 

Đạt hơn 57% so với quy hoạch

Báo cáo tại hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định số 02/2003/QĐ-UB ngày 3/1/2003 của UBND TP Hồ Chí Minh (Quyết định 02) về phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn đến năm 2020, định hướng giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, thông tin: Diện tích đất giáo dục đúng quy hoạch hiện hữu tại các quận huyện đến nay chỉ đạt 57,48% so với quy hoạch được phê duyệt. Trong đó, tổng số đất giáo dục hiện hữu là gần 12 triệu m2 (đất giáo dục thuộc quy hoạch là hơn 11 triệu m2; đất giáo dục ngoài quy hoạch là 973.754m2). Theo đó, diện tích đất giáo dục còn thiếu so với Quyết định 02 là hơn 8 triệu m2.

Điều này khiến việc xây dựng mới trường lớp và tăng số phòng học, diện tích đất/học sinh chưa đạt theo Quyết định 02. Trong đó, một số quận, huyện (Quận 2, 6, 7, 8, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ) đạt rất thấp về chỉ tiêu đất giáo dục theo quyết định phê duyệt của UBND TP. Đồng thời, so với mục tiêu đạt 300 phòng học/10 nghìn dân có độ tuổi từ 3-18 vào năm 2020 thì nhiều quận huyện chưa đạt hoặc đang ở mức thấp. Trong đó, quận Gò Vấp chỉ đạt 206 phòng học/10 nghìn dân; huyện Củ Chi chỉ đạt 205 phòng học/10 nghìn dân; huyện Hóc Môn đạt 216 phòng học/10 nghìn dân; Quận 8 đạt 292 phòng học/10 nghìn dân.

Theo ông Nguyễn Thanh Sang - Phó Chủ tịch UBND Quận 8, quy hoạch phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn quận theo Quyết định 02 gặp không ít khó khăn do quận có địa bàn rộng, trải dài, bậc học mầm non có nhiều điểm trường lẻ. Nhu cầu học 2 buổi/ngày, số lượng học sinh bán trú tăng, thiếu phòng học, phòng chức năng gây áp lực cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng…

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh

Tương tự, huyện Bình Chánh chỉ đạt 230 phòng học/10 nghìn dân. Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh, giai đoạn từ năm 2003-2021, đơn vị này được giao làm chủ đầu tư thực hiện 141 dự án, đã hoàn thành và đang thi công 104 dự án. Trong đó, cấp THPT có 6/10 dự án đã hoàn thành; cấp THCS hoàn thành 24/30 dự án; cấp tiểu học có 42/60 và 35/41 dự án của mầm non đã hoàn thành.

“Dù đã nỗ lực tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đúng theo quy hoạch phát triển mạng lưới trường học đã duyệt nhưng thực tế cơ sở vật chất của ngành Giáo dục vẫn chưa đáp ứng đầy đủ được yêu cầu học tập của nhân dân. Nguyên nhân là do tốc độ phát triển dân số, đô thị hóa nhanh ở một số khu vực trong địa bàn huyện. Đồng thời, khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng làm kéo dài thời gian thực hiện dự án…” - Đại diện Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh báo cáo.

Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) đang dạy học một buổi/ngày. Thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cơ sở vật chất của trường không đủ để thực hiện bán trú, mặc dù nhu cầu của phụ huynh rất lớn. Trên thực tế, một số trường đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, có nơi chỉ bảo đảm tỷ lệ phòng học theo quy định. Việc đầu tư bếp ăn bán trú, phòng chức năng, trang thiết bị cho các trường chưa thực hiện được.

“Diện tích hiện có của trường là hơn 3.600 m2, nếu để dạy bán trú thì cần khoảng 8.000m2 mới phù hợp. Đa số phụ huynh làm công nhân nên gặp nhiều khó khăn trong việc đưa, đón con em đi học, nên nhu cầu gửi con em vào học bán trú ngày càng nhiều…” - thầy Phạm Trung Hữu chia sẻ.

Trường THPT Lương Văn Can (Quận 8, TP Hồ Chí Minh) đang trong quá trình thi công, xây dựng. Ảnh: TG
Trường THPT Lương Văn Can (Quận 8, TP Hồ Chí Minh) đang trong quá trình thi công, xây dựng. Ảnh: TG

5 nhóm giải pháp

Nói về định hướng công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ: Mục tiêu tổng quát là tiếp tục duy trì ổn định và phát triển quy mô, cơ cấu giáo dục hợp lý, hài hòa, công bằng xã hội tương ứng với các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân; Đồng thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trong đó, thành phố dự kiến đến năm 2030 tăng 992 trường và 397 nghìn học sinh so với năm 2020. Đồng thời, tổng số phòng học cũng dự kiến tăng xấp xỉ 21 nghìn phòng và 18.300 lớp so với năm 2020.

Để ứng phó sự gia tăng này, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, ngành Giáo dục đề xuất thực hiện 5 nhóm giải pháp để khắc phục. Thứ nhất, rà soát, điều chỉnh quy hoạch giáo dục phù hợp thực tế. Thứ hai, ưu tiên quỹ đất cho phát triển giáo dục, đào tạo, mở rộng diện tích đất và nâng tầng cao nhằm tăng diện tích sử dụng.

Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây mới hoặc thay thế, nâng cấp, mở rộng phòng học, tập trung đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị phòng học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Thứ tư, tập trung đầu tư ngân sách Nhà nước hằng năm để xây mới, sửa chữa trường lớp, đồng thời thu hút, sử dụng các nguồn vốn ODA, FDI, nguồn vay có lãi suất thấp để phát triển trường học. Thứ năm, xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát triển trường ngoài công lập.

Thành phố thực hiện hiệu quả quy hoạch sử dụng đất, bố trí đủ diện tích đất để xây dựng trường, lớp đúng với tiêu chí của ngành Giáo dục. Bên cạnh đó, mở rộng diện tích đất và nâng tầng cao hoặc xây thay thế các trường hiện có trong khu vực nội thành nhằm tăng diện tích đất và diện tích sử dụng. Phối hợp rà soát hiện trạng và pháp lý sử dụng đất tại các khu vực là đất trống, nhà xưởng, cơ sở gây ô nhiễm xen cài trong các khu dân cư, cơ sở nhà đất do Nhà nước quản lý để xem xét, bố trí bổ sung quỹ đất quy hoạch công trình trường học. Đồng thời, vận động người dân hiến đất, cho thuê đất để thực hiện quy hoạch, đặc biệt là các điểm trường mầm non. Mặt khác, kết hợp hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các hộ hiến nhiều diện tích đất. - Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.