Trao giải và phát động Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu”

GD&TĐ -"Tất cả những bài viết về các ký ức, kỷ niệm, hoài bão... về thầy cô giáo đều xứng đáng được giải. Tuy nhiên do thể lệ giải thưởng có giới hạn, nên chúng tôi rất tiếc khi những sự xứng đáng ấy chưa được nhận giải. Xin được bày tỏ sự tri ân với những người đã tham gia và sẽ tham gia viết tôn vinh người thầy cùng mái trường", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ tại lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” năm 2019 và phát động Cuộc thi năm 2020.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao giải Nhất cho tác giả đoạt giải. Ảnh: Thế Đại
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao giải Nhất cho tác giả đoạt giải. Ảnh: Thế Đại

Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng Trịnh Xuân Hiếu...; đại diện lãnh đạo các cục, vụ, văn phòng Bộ GD&ĐT, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội. Đặc biệt, chương trình còn có sự hiện diện của các tác giả có tác phẩm đoạt giải.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức
Ông Trịnh Xuân Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng - Bộ GD&ĐT
Ông Trịnh Xuân Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng - Bộ GD&ĐT

Năm 2019 là năm thứ hai Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu”; Báo Giáo dục và Thời đại được giao là đơn vị thường trực tổ chức cuộc thi.

Cuộc thi nhằm ghi nhận, tôn vinh những tấm gương thầy giáo, cô giáo có thành tích, việc làm tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục; ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy học, giáo dục học sinh…

Phát động và nhận bài dự thi từ tháng 5/2019, Ban Tổ chức Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” năm 2019 đã nhận được gần 70.000 bài dự thi của các tác giả từ khắp mọi miền Tổ quốc.

Đây là số lượng bài rất lớn, cho thấy cuộc thi có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các nhà trường. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo độc giả, các tầng lớp nhân dân đối với nội dung của cuộc thi.

Trao giải và phát động Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” ảnh 4

Mỗi một tác phẩm dự thi là một câu chuyện, một kí ức, một kỉ niệm, cảm xúc đẹp và đáng trân trọng về hình ảnh người thầy. Có thể thấy, hình ảnh thầy cô giáo được thể hiện qua các góc nhìn đa chiều, đa diện; song dù ở góc độ nào, mối quan hệ nào thì các tác phẩm dự thi đều là những hình ảnh thật đẹp, thật đáng trân trọng.

Một trong những tác phẩm để lại dấu ấn đặc biệt là câu chuyện ghi lại kỉ niệm về người thầy giáo chủ nhiệm (đã mất) ở ngôi trường vùng cao tỉnh Lào Cai qua lời kể của mẹ. Câu chuyện là những kí ức dung dị, thân thương nhưng cũng đầy xúc cảm và giàu sức nhân văn, lan tỏa.

Ban giám khảo cuộc thi đã chọn được 234 bài vào vòng Chấm chung khảo cuộc thi. 12 giải cá nhân và 2 tập thể đã được chọn trên cơ sở kết quả chấm và ý kiến thống nhất của các thành viên Ban Giám khảo.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng gửi lời chúc mừng đến các tập thể, cá nhân đoạt giải. Thứ trưởng đồng thời ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” đã làm việc nghiêm túc, khách quan, công tâm; các tập thể, cá nhân đã nhiệt tình tham gia cuộc thi.

Khẳng định vị thế, vai trò vô cùng quan trọng của người thầy, theo Thứ trưởng, số bài dự thi lớn – gần 70.000 bài – thể hiện: thầy cô và mái trường thực sự là một nguồn cảm hứng bất tận với người cầm bút. Trong số hơn 200 tác phẩm vào chung kết chỉ có rất ít tác phẩm được trao giải (2 giải tập thể, 12 giải cá nhân), thể hiện tính nghiêm túc, chất lượng của giải thưởng này.

Dịp này, Thứ trưởng cũng chính thức phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” năm 2020. Từ kinh nghiệm đã tổ chức, Thứ trưởng hy vọng cuộc thi năm sau sẽ có số lượng bài dự thi lớn hơn nữa, với nội dung phong phú hơn, đa dạng và sinh động hơn; cơ cấu giải thưởng phù hợp hơn, để cùng tri ân các thầy cô giáo, mái trường, tri ân nghề dạy học – nghề mà nói như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý.

Cơ cấu giải thưởng

Giải tập thể: 2 giải cho tập thể có nhiều tác phẩm dự thi đạt chất lượng tốt, bao gồm: Giấy chứng nhận do Bộ GD&ĐT cấp và 5 triệu đồng.
Giải cá nhân:
- 1 giải Nhất: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và 10 triệu đồng.
- 2 giải Nhì: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và 8 triệu đồng.
- 3 giải Ba: Giấy chứng nhận giải thưởng Cuộc thi do Bộ GD&ĐT cấp và 6 triệu đồng
- Giải Khuyến khích: Giấy chứng nhận giải thưởng Cuộc thi do Bộ GD&ĐT cấp và 3 triệu đồng.

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

report

Chương trình văn nghệ chào mừng

Mở đầu Lễ trao giải là chương trình văn nghệ với 3 ca khúc: Người là niềm tin tất thắng - Biểu diễn: Nguyễn Văn Dũng; Ước mơ xanh - Biểu diễn: Cô giáo Trần Phương Thảo; Bài ca người giáo viên nhân dân - Biểu diễn: Nguyễn Văn Dũng - cô giáo Trần Phương Thảo.

Trao giải và phát động Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” ảnh 5
Trao giải và phát động Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” ảnh 6
report

"Cuộc thi đã có sức sống, lan tỏa mạnh mẽ trong các nhà trường"...

Tổng kết cuộc thi, ông Triệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại – cho biết: Đây là lần đầu tiên Báo Giáo dục và Thời đại được Bộ GD&ĐT giao là cơ quan thường trực, chủ trì tổ chức cuộc thi; cũng là lần đầu cuộc thi nhận được số lượng bài tham gia lớn nhất: Gần 70.000 bài, tăng so với năm 2018 gần 10.000 bài dự thi.

ÔngTriệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại phát biểu tại lễ trao giải. Ảnh: Thế Đại.
ÔngTriệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại phát biểu tại lễ trao giải. Ảnh: Thế Đại. 

Điều này cho thấy cuộc thi đã có sức sống, lan tỏa mạnh mẽ trong các nhà trường. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo độc giả, các tầng lớp nhân dân đối với nội dung của cuộc thi này.

Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân: từ trí thức, các nhà giáo, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đang công tác hoặc đã nghỉ hưu trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, đại học; các trường trong và ngoài công lập; các cán bộ, công chức, viên chức các ngành nghề khác nhau (luật sư, kỹ sư, doanh nhân, kế toán…); người lao động, các bà nội trợ…

Trong số các tác giả dự thi, phần lớn là các tác giả không chuyên, nhưng cũng có một số các tác giả dự thi là nhà văn chuyên nghiệp hoặc hội viên Hội Văn học, nghệ thuật các tỉnh tham dự.

Một số địa phương, cơ sở giáo dục đã chủ động tổ chức cuộc thi cấp trường/cấp phòng/cấp sở; tổ chức chấm và chọn những bài chất lượng để gửi về Ban tổ chức cuộc thi. Nhiều cơ sở giáo dục có sự tham gia đông đủ của giáo viên và học sinh trong toàn trường.

Các địa phương đã triển khai cuộc thi tới cấp trường, cấp sở và có số lượng bài dự thi nhiều là: Hà Nội, Nam Định, Hà Giang, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Thừa Thiên – Huế…

Theo thể lệ của cuộc thi, các bài dự thi tập trung vào 2 chủ đề chính: thầy cô giáo và mái trường mến yêu. Trong đó, phần nhiều là các tác phẩm viết về những kỉ niệm, tình cảm, cảm xúc về thầy cô giáo; hoặc có nhiều tác phẩm thể hiện những kỉ niệm, tình cảm, cảm xúc về mái trường gắn liền với hình ảnh của một hoặc một số thầy cô giáo cụ thể.

Ban Giám khảo cuộc thi đã lựa chọn được các tác phẩm tiêu biểu, đáp ứng yêu cầu của cuộc thi theo Thể lệ để trao các giải thưởng cá nhân, tập thể. Trong đó, nội dung của các tác được giải khá phong phú, đa dạng: tác phẩm viết về cơ sở giáo dục mầm non, THPT; viết về thầy cô giáo mầm non, phổ thông, giảng viên đại học; các thầy cô giáo đã nghỉ hưu, các thầy cô giáo trẻ mới vào nghề; có những thầy cô đã mất; có những thầy cô đã chuyển công tác…

Dù ở góc độ nào, hình ảnh của các thầy cô giáo, nhà trường được phản ánh trong các tác phẩm dự thi đều rất đẹp và đầy ắp tình thương mến.

Ban giám khảo cuộc thi đã chọn được 234 bài vào vòng Chấm chung khảo cuộc thi. Trên cơ sở kết quả chấm và ý kiến thống nhất của các thành viên Ban Giám khảo, kết quả cuộc thi như sau:

Tổng số giải: 14 giải, bao gồm 12 giải cá nhân và 2 tập thể. Cụ thể gồm: 2 giải tập thể; 1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 6 giải khuyến khích.

Hải Bình

report

"Các tác phẩm dự thi năm nay nhiều bài viết tay, trình bày rất đẹp và công phu"

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Giám khảo chung khảo cuộc thi
Ông Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Giám khảo chung khảo cuộc thi

Chia sẻ về công tác tổ chức lựa chọn, đánh giá tác phẩm, chất lượng của cuộc thi, ông Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Giám khảo chung khảo cuộc thi, cho biết:

Đây là năm thứ hai cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” được tổ chức. Ban Tổ chức đã nhận được số lượng bài dự thi rất lớn với số lượng gần 70.000 bài. Đây là niềm vui nhưng đồng thời cũng là áp lực trong khâu tổ chức cuộc thi. Tại vòng sơ khảo, 11 giám khảo đã làm việc trong khoảng thời gian gần 3 tháng để lựa chọn ra 234 tác phẩm xuất sắc vào vòng chung khảo.

Các tác phẩm dự thi năm nay gồm nhiều bài viết tay, trình bày rất đẹp và công phu của các em học sinh, các nhà giáo... Điều đó thể hiện tâm huyết, sự say mê, nhiệt tình của các em và các thầy cô với Cuộc thi.

Về nội dung: Phần lớn bài thi đã đáp ứng được các tiêu chí trong Thể lệ. Có những tác phẩm được tác giả dồn cả tâm huyết, tình cảm và sự biết ơn để gửi tới thầy cô giáo với những hoài niệm đẹp đẽ về mái trường mến yêu. Có rất nhiều tình huống đời thực đã được tác giả thuật lại trong tác phẩm dự thi bằng những từ ngữ dung dị nhưng lại chan chứa cảm xúc sâu sắc. Đó là những việc làm, tấm lòng của thầy cô giúp thay đổi suy nghĩ, hướng thiện cho học trò thân yêu. Những giá trị tốt đẹp, nhân văn nhất của nghề giáo được khắc sâu, làm hành trang khôn lớn cho nhiều thế hệ học trò.

Với tinh thần trách nhiệm cao, công tâm và nghiêm túc, Ban Giám khảo đã hoàn thành tốt việc chấm các tác phẩm tham dự cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu năm 2019”

Kết quả, trong 234 tác phẩm vào vòng Chung khảo, đã có 12 tác phẩm đoạt giải, trong đó: 1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 6 giải khuyến khích và 2 giải tập thể.

Thay mặt Ban giám khảo, ông Nguyễn Ngọc Ân bày tỏ hy vọng, dư âm của cuộc thi và giá trị của các tác phẩm sẽ góp phần vun đắp tình cảm của các thế hệ học trò với thầy cô và mái trường. Để những giá trị nhân văn sẽ lan toả rộng khắp, mang niềm vui nối dài theo dòng chảy thời gian.

Hải Bình, Việt Cường

report

Trao giải tập thể cho 2 đơn vị xuất sắc

Trao giải và phát động Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” ảnh 9

Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) trao giải tập thể 2 đơn vị xuất sắc: Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở GD&ĐT Nam Định.

report

Trao giải Khuyến khích cho các tác giả

Ông Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại trao giải cho các tác giải đạt giải Khuyến khích
Ông Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại trao giải cho các tác giải đạt giải Khuyến khích

 

Ông Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại trao giải Khuyến khích cho các tác giả:

Tác giả Nguyễn Thị Thu Trang, Học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định; tác phẩm: Mưa vẽ nắng.

Tác giả Phạm Vũ Mai Phương, Học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; tác phẩm: Nếu có thể quay ngược thời gian.

Tác giả Dương Thị Ngâm, Giáo viên Trường Tiểu học Xuân La, huyện Pác Nậm, tỉnh Bắc Kạn; tác phẩm: Cô trò bé nhỏ của tôi.

Tác giả Lê Thị Thu, Giáo viên Trường Tiểu học Xuân Tân, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định; tác phẩm: "Cô thương em nhất".

Tác giả Bùi Thị Duyên, Giáo viên Trường THPT Trần Nhân Tông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; tác phẩm: "Nội trú"- Miền kí ức trong tôi.

Tác giả Hà Thủy Lệ Ái, Giáo viên Trường PTDTBT THCS Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang; tác phẩm: Suối nguồn yêu thương.

Hải Bình, Việt Cường

report

Giải Khuyến khích - Tác giả Nguyễn Thị Thu Trang: Giải thưởng là động lực to lớn để em gắng sức hơn nữa!

Em Nguyễn Thị Thu Trang
Em Nguyễn Thị Thu Trang

Em Nguyễn Thị Thu Trang, cựu học sinh lớp 12A11, Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) chủ nhân giải Khuyến khích chia sẻ: “Em vô cùng bất ngờ khi được thông báo đã đoạt giải Khuyến khích của cuộc thi.

Đối với cá nhân em, cuộc thi này có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đây lần đầu tiên em được kể ra câu chuyện của bản thân, kể ra kỉ niệm đã trở thành dấu ấn quan trọng của cuộc đời mình, gắn liền với một cô giáo – người mẹ thứ hai.

Người mẹ ấy tuy không “mang nặng đẻ đau” cho em hình hài, nhưng bằng tình yêu thương và trái tim nhân hậu cô đã cho em được “sống” lại một lần nữa. Cô đã truyền lửa để em tiếp tục nỗ lực từng ngày, sống thật đẹp, thật có ích, theo đuổi mơ trở thành một nhà báo.”

Có được vinh dự ngày hôm nay, em không chỉ muốn gửi cảm ơn tới riêng cô, mà còn muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới Ban Tổ chức cuộc thi, đặc biệt cảm ơn thầy cô ở Trường THPT Trần Hưng Đạo (nơi đã cho em cơ hội biết đến và tham gia cuộc thi) đã giúp em hoàn thành bước đầu ước mơ của mình.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vừa qua, em đã đạt được số điểm thi đại học là 27,37 điểm. Với điểm thi này, em hi vọng sẽ trúng tuyển nguyện vọng 1 để có thể trở thành sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Và giải thưởng của cuộc thi sẽ là động lực to lớn để em gắng sức hơn nữa, hoàn thành ước mơ của bản thân và kỳ vọng của thầy cô, cha mẹ.

Kim Thoa

report

Giải Khuyến khích: Tác giả Dương Thị Ngâm

Cô giáo Dương Thị Ngâm
Cô giáo Dương Thị Ngâm

Tác phẩm đạt giải: “Cô trò bé nhỏ của tôi”

Chủ nhân giải Khuyến khích, cô giáo Dương Thị Ngâm, Trường Tiểu học Xuân La, huyện Pác Nậm, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: “Tôi vô cùng hạnh phúc và tự hào khi biết tác phẩm của mình đã vượt qua 70 nghìn bài dự thi và các vòng chấm khắt khe để đoạt giải cuộc thi. Đối với nghề giáo, có lẽ tình yêu thương, quan tâm, chia sẻ đối với học trò chính là chìa khoá vàng mở cánh cửa thành công.”

Tác phẩm “Cô trò bé nhỏ của tôi” của cô giáo Dương Thị Ngâm kể câu chuyện thật về em học sinh tên Sùng Thị Dậu, người dân tộc H’Mông ở vùng cao. Nơi em sinh ra vẫn còn tồn tại cả tục “bắt vợ” và nhiều hủ tục khác. Mới 11 tuổi, nhưng khi nhận ra nguy cơ phải lấy chồng quá sơm, em đã trốn chạy qua bao đèo dốc để tìm đến cô giáo cũ nhờ giúp đỡ…Và cô giáo đã giúp em vượt qua sự sợ hãi, trở lại trường học tập cùng chúng bạn.

Cô Dương Thị Ngâm muốn nhắn nhủ học trò rằng, các em hãy luôn tin thầy cô giáo chính là người cha, người mẹ thứ hai của mình. Thầy cô luôn sẵn sàng đồng hành, lắng nghe, chia sẻ buồn vui với học sinh bởi họ coi các em như những đứa con trong gia đình.

Bên lề Lễ trao giải, cô Dương Thị Ngâm cho biết: “Vui mừng và hạnh phúc với kết quả ngày hôm nay, tôi muốn gửi lời tri ân cô giáo Triệu Thị Hải – Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nhạn Môn – Pắc Nặm – Bắc Kạn và anh Hà Việt Phương – Bí thư Đảng uỷ xã Nhạn Môn – Pắc Nặm – Bắc Kạn - những người đã sát cánh cùng tôi để đưa được học sinh Sùng Thị Dậu quay trở lại trường học”.

Kim Thoa

report

Giải Khuyến khích: Các tác giả Lê Thị Thu, Hà Thủy Lệ Ái, Bùi Thị Duyên

Tác giả đạt giải Khuyến khích:

Cô giáo Lê Thị Thu – Giáo viên trường Tiểu học Xuân Tân (Nam Định) đạt giải Khuyến khích với tác phẩm “Cô thương em nhất”. Đó là câu chuyện dài về một học sinh đặc biệt mà suốt 9 năm gắn bó với nghề giáo, cô không thể nào quên được. Vì lý do mới sinh con nhỏ, cô Thu không thể ra Hà Nội nhận giải.

Trao giải và phát động Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” ảnh 13

 

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cô Thu về công tác tại trường Tiểu học Xuân Tân (Xuân Trường, Nam Định) và gắn bó với các em học sinh từ những ngày đó, đến nay cũng đã 9 năm, hết khóa học sinh này đến khóa học sinh khác ra trường, cô vẫn miệt mài soạn giáo án. Đặc biệt, đây là ngôi trường mà trước đây chính cô được sự dìu dắt của các thầy cô giáo, giờ lại là đồng nghiệp.

Cô giáo Hà Thủy Lệ Ái (Trường PTDTBT THCS Thượng Phùng, Mèo Vạc, Hà Giang) cũng là tác giả đạt giải Khuyến khích với tác phẩm “Suối nguồn yêu thương”. Đó là cả câu chuyện về những ngày xa nhà để “cắm bản” bằng nhiệt huyết tuổi trẻ và khát khao được trở thành cô giáo.

Cô Ái sinh năm 1986 quê ở Bắc Kạn. Tốt nghiệp trường Cao đẳng SP Bắc Kạn, cô Ái được bạn rủ lên Hà Giang xin đi dạy cho đúng ngành nghề đào tạo.

Trao giải và phát động Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” ảnh 14

 

Cho đến nay đã 10 năm gắn bó, cô đã có không ít kỷ niệm về nơi này. Đặc biệt, Mèo Vạc cũng trở thành quê hương của cô khi quyết định lập gia đình tại đây. Thế là, lại được gắn bó với từng thế hệ học trò và cùng giúp các em đến gần hơn với ước mơ.

Cô Ái tuy không thể xuống nhận giải nhưng vô cùng xúc động khi nói về ý nghĩa cuộc thi: “Chúng tôi cảm thấy mình được trân quý hơn, và đó là động lực lớn nhất để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người”.

Cô giáo Bùi Thị Duyên (sinh năm 1991), trường THPT Trần Nhân Tông (Nghĩa Hưng, Nam Định) là tác giải đạt giải Khuyến khích với tác phẩm “Nội trú – miền ký ức trong tôi”.

Tốt nghiệp trường ĐHSPHN, năm 2014, cô về công tác tại trường THPT Trần Nhân Tông, cô Duyên đã gắn bó với nghề cầm phấn được hơn 6 năm.

Tham gia cuộc thi từ năm 2018, năm đầu tiên phát động, cô Duyên vẫn theo dõi từng câu chuyện, đọc từng bài viết, để lắng nghe những chia sẻ trong nghề của các thầy cô giáo, những tâm tư và tình cảm của các em học sinh.

Trao giải và phát động Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” ảnh 15

 

Năm nay, may mắn nhận giải Khuyến khích khi viết về cô giáo chủ nhiệm trường nội trú, bao ký ức chợt ùa về, cô gọi điên thông báo ngay cho nhân vật trong tác phẩm, cũng chính là cô giáo chủ nhiệm lớp 11 của mình năm xưa.

Ngọc Trang

report

Giải Khuyến khích - Tác giả Phạm Vũ Mai Phương

Em Phạm Vũ Mai Phương
Em Phạm Vũ Mai Phương

Tác phẩm đạt giải: “Nếu có thể quay ngược thời gian”

Em Phạm Vũ Mai Phương hiện đang là học sinh lớp 12D1, trường THPT Hai Bà Trưng, thành phố Huế, chủ nhân 1 trong 6 giải Khuyến khích cuộc thi.

Do điều kiện ở xa không thể về Hà Nội nhận giải, trao đổi với Mai Phương qua điện thoại, có thể cảm nhận đây là một cô bé dịu dàng nhưng cũng rất cá tính.

Em cho biết, bản thân không có môn học yêu thích mà em chỉ thích một môn học khi em thích giáo viên dạy môn đó. Và tác phẩm tham dự cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” em đã viết về một cô giáo đã khiến em yêu môn học.

Tác phẩm của em với nhan đề “Nếu có thể quay ngược thời gian” chủ yếu nói về những kỉ niệm đáng nhớ của em và cô giáo Ngữ văn năm cấp 2 mà em đã luôn yêu quý. Gửi trong câu chữ là những nuối tiếc, mong muốn bản thân…. Giá như ngày xưa mình nên có những hành động cụ thể hơn để tương xứng với tình cảm em đã dành cho cô giáo.

“Khi biết tin tác phẩm của em được giải, em đã rất bất ngờ, sau đó vui mừng. Khi gửi bài tham gia cuộc thi em cũng khá do dự bởi những lo lắng về kinh nghiệm và năng lực bản thân song cuối cùng em đã quyết định bộc lộ những suy nghĩ, những cảm xúc chân thật nhất của mình. Em đã viết những gì em muốn viết bằng tâm hồn và cảm xúc chân thật của mình, thay vì viết những gì em nghĩ là người khác muốn đọc”, Mai Phương tâm sự.

Qua tác phẩm của mình, em mong các thầy cô hãy luôn là những người biết cảm thông, thấu hiểu và truyền cảm hứng. Lời nói và hành động của giáo viên, dù ít hay nhiều cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nhận thức của học sinh.

Kim Thoa

report

Trao giải Ba cho các tác giả

Ông Trịnh Xuân Hiếu trao giải cho các tác giả đoạt giải Ba
Ông Trịnh Xuân Hiếu trao giải cho các tác giả đoạt giải Ba

Ông Trịnh Xuân Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng lên trao giải Ba cho các tác giả:

Tác giả Nguyễn Thị Tốt, Giáo viên Trường THCS Bình Đức, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; tác phẩm: Cô giáo Văn

Tác giả Nguyễn Xuân Hương, Học sinh Trường THPT Phan Văn Trị, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre; tác phẩm: Năm ấy, tôi vì một người mà cố gắng

Tác giả Trần Thị Thanh, Giáo viên Trường THPT An Phúc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; tác phẩm: Nhà giáo, lương y: Nguyễn Như Châu - Người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn!

Hải Bình, Việt Cường

report

Giải Ba - Tác giả Trần Thị Thanh: Tôi muốn nhắc nhở bản thân hãy hết lòng với nghề...

Tác phẩm đạt giải: “Nhà giáo, lương y Nguyễn Như Châu- Người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn”.

Cô giáo Trần Thị Thanh.
Cô giáo Trần Thị Thanh.

Chia sẻ về tác phẩm đạt giải tại Cuộc thi, cô giáo Trần Thị Thanh vẫn vẹn nguyên niềm xúc động: Tôi thực tâm từ tận đáy lòng, biết ơn thầy giáo, lương y Nguyễn Như Châu – người thầy dạy chồng tôi mà không phải là tôi. Nhờ thầy khuyên răn, giáo dục, chỉ bảo tận tình mà chồng tôi có được thành công của ngày hôm nay.

Có dịp tiếp xúc với thầy, tôi càng ngưỡng mộ con người tài năng, đức độ, hết lòng vì học sinh, vì bệnh nhân như thầy. Chính tình cảm cao đẹp, chân thành của chồng tôi dành cho thầy đã thôi thúc tôi viết bài để tỏ lòng cảm tạ trước anh linh thầy.

Thầy đã đi xa, nhưng hình ảnh thầy, những kỷ niệm về thầy luôn là điểm tựa để chúng tôi cùng nhau nỗ lực mỗi ngày...

Cô Thanh chia sẻ: Tham gia cuộc thi, tôi muốn nhắc nhở bản thân hãy hết lòng với nghề, với học sinh và thận trọng trong xử lý mọi tình huống liên quan đến học sinh vì rất có thể, hành động của mình sẽ có tác động làm thay đổi cả vận mệnh, cuộc đời của một con người.

Bên cạnh đó, đọc các bài viết tham gia cuộc thi của học sinh đã cho chính chúng tôi biết hình ảnh, tâm tư, tình cảm mà chúng tôi đã tạo nên trong mắt học trò như thế nào.

Tôi và các thầy cô giáo một lần nữa nhìn lại bản thân mình trong mắt học trò, trong mắt đồng nghiệp, trong mắt nhân dân; nhìn đồng nghiệp khác tạo được ấn tượng tốt đẹp với học sinh ra sao để từ đó học hỏi, trau dồi và hoàn thiện bản thân. Đạt giải cuộc thi cũng đã khơi dậy niềm đam mê viết văn trong tôi.

Hoàng Anh

report

Giải Ba - Tác giả Nguyễn Xuân Hương: Đạt giải cuộc thi là nguồn động lực để em tiếp tục học tập, rèn luyện tốt hơn

Tác phẩm đạt giải: “Năm ấy, tôi vì một người mà cố gắng”

Nguyễn Xuân Hương vừa kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và đang chờ kết quả thi xét tuyển vào ngành Sư phạm Văn, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Em bộc bạch: Đạt giải cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” là nguồn động lực để em tiếp tục học tập, rèn luyện tốt hơn trong môi trường mới. Cảm ơn BTC đã tổ chức một cuộc thi rất ý nghĩa với thầy trò cả nước, với riêng em, đây là cơ hội để em bày tỏ kỷ niệm mà em không bao giờ quên trong quãng thời gian cắp sách đến trường…

Học sinh Nguyễn Xuân Hương.
Học sinh Nguyễn Xuân Hương.

Kỷ niệm ấy đã thôi thúc Hương viết tác phẩm tham dự Cuộc thi. Hương kể: Khi em còn học lớp 9, mặc dù là năm cuối cấp rất quan trọng để chuẩn bị thi vào cấp học mới, thế nhưng em lại chưa chăm học và còn mải chơi.

Đặc biệt, em có ấn tượng không tốt về cô giáo dạy môn Toán và luôn nghĩ rằng cô không ưa mình. Cô cho rằng, nếu vẫn ham chơi và học hời hợt như em sẽ khó thi đỗ vào trường cấp 3. Khi nghe cô nói vậy, em đã tỏ ra “khó chịu” và tìm cách “chơi xấu” cô.

Hôm ấy, em đã cố tình chọc thủng lốp xe của cô với suy nghĩ đắc thắng cô sẽ phải khó khăn xoay xở mới về được nhà. Nhưng không ngờ, đúng hôm đó, mẹ cô bị bệnh, cô phải xin về giữa giờ, nhưng chiếc xe của cô đã bị em làm hỏng. Trong lúc cô loay hoay, em đã xin nhờ thầy Hiệu trưởng chở cô về với niềm ân hận về trò nghịch dại của mình.

Cô biết chuyện nhưng đã thông cảm cho sự thiếu suy nghĩ của em và qua câu chuyện giữa hai cô trò, em hiểu cô không “ghét” em mà chỉ muốn nhắc nhở, khích lệ em chăm chỉ học hành để đạt kết quả thi tốt… Như một “phép màu”, từ sau sự cố đó, cô trò nhỏ thay đổi hẳn thái độ học tập. Xuân Hương đã thi đỗ thủ khoa vào trường THPT Phan Văn Trị với điểm Toán 9,25 trên tổng điểm 43,38.

Giang Nguyễn

report

Giải Ba - Tác giả Nguyễn Thị Tốt: Món quà ý nghĩa sau 35 năm gắn bó với nghề dạy học

Trao giải và phát động Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” ảnh 20

Tác phẩm đạt giải: “Cô giáo Văn”

“Khi được BTC thông báo đạt giải cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu”, tôi đã vỡ òa niềm vui, bởi đây là món quà ý nghĩa ở thời điểm tôi vừa được về nghỉ chế độ sau 35 năm gắn bó với nghề dạy học”- Cô giáo Nguyễn Thị Tốt vui mừng chia sẻ.

Cô cho biết: Tác phẩm có hình bóng của tôi, của những học trò mà tôi từng dạy.

Các em ở lứa tuổi mới lớn, đang muốn khẳng định bản thân, đôi khi còn chưa hiểu hết giá trị của việc học, của môn Văn nên có những cách cư xử chưa đúng mực. Điều này đòi hỏi người giáo viên phải có sự thấu cảm, chia sẻ và định hướng cho các em, để các em hiểu rằng học Văn không chỉ là máy móc vận dụng lý thuyết mà cần có niềm đam mê, sự sáng tạo và tìm tòi vốn sống. Thế thì bài Văn mới có xúc cảm, mang dấu ấn bản thân chứ không phải là bài viết sáo rỗng, tẻ nhạt…

Và khi cô trò gặp nhau ở một cảm xúc chung, một niềm đam mê mà gạt đi những “sự cố” trong quá trình dạy và học, thì đấy là những kỷ niệm sẽ khó quên với mỗi người.

Kiều Giang

report

Trao giải Nhì cho các tác giả

Ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, ông Tony Summer - Phó Giám đốc Học viện Anh quốc Việt Nam trao giải cho các tác giả đạt giải Nhì
Ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, ông Tony Summer - Phó Giám đốc Học viện Anh quốc Việt Nam trao giải cho các tác giả đạt giải Nhì

 

Ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, ông Tony Summer - Phó Giám đốc Học viện Anh quốc Việt Nam trao giải Nhì cho các tác giả:

Tác giả Nguyễn Phú Thành, Giáo viên Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; tác phẩm: Vẹn nguyên ký ức về người thầy và mái trường bên dòng sông ánh sáng

Tác giả Vũ Ngọc Anh, Học sinh Trường THCS Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định; tác phẩm: Thầy tôi!

report

Giải Nhì - Tác giả Vũ Ngọc Anh: Cuộc thi là cơ hội để em bày tỏ lòng biết ơn các thầy cô giáo

Tác phẩm đạt giải: "Thầy tôi"

Trao giải và phát động Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” ảnh 22

“Thầy tôi!”, hai tiếng đó thật giản dị nhưng sao quá đỗi thân thương. Đối với em Vũ Ngọc Anh, người thầy mà em viết trong tác phẩm “Thầy tôi!” tham dự cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” chính là thầy giáo Trần Văn Hiền, giáo viên chủ nhiệm của em khi em còn học lớp 5.

Người thầy mà Ngọc Anh rất tự hào, kính trọng ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc trong em bởi những việc làm âm thầm, lặng lẽ, quan tâm, yêu thương giúp đỡ học sinh một cách vô điều kiện.

Cho đến bây giờ, em vẫn không quên được hình ảnh của thầy, thầy đã giúp em nhận ra tình yêu thương, sự thông cảm chân thành sẽ cảm hóa, xoa dịu được vết thương lòng của con người.

Thầy cũng là người đã cho em lòng tin vào cuộc sống. Nhờ có thầy, em thấy yêu đời, yêu người hơn, biết sống là để cho đi và để cống hiến. Đấy cũng chính là lý do khi Bộ GD&ĐT phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu”, em đã tham gia để tri ân đến các thầy cô của mình. 

8 năm liền là học sinh giỏi, ngoài yêu thích môn Tiếng Anh và Hóa học, Vũ Ngọc Anh cũng rất thích môn Ngữ văn, do đó khi được hỏi cảm nghĩ về cuộc thi, Ngọc Anh cho biết, cuộc thi là cơ hội để em bày tỏ lòng biết ơn tới các thầy cô giáo của mình. Ngoài tính giáo dục cao, cuộc thi còn là nơi để chúng em thể hiện niềm đam mê đối với văn học. Cuộc thi đã cho em có thêm động lực để học tập tốt hơn, rèn luyện bản thân, xứng đáng với niềm tin yêu của thầy cô.

Thời gian tới, em mong rằng, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức nhiều cuộc thi với nhiều chủ đề hơn nữa để em và các bạn học sinh trên khắp mọi miền của Tổ quốc được tham gia, gửi gắm tâm sự của tuổi học trò đồng thời để được trải nghiệm và phát triển năng lực viết văn của mình.

 

Hà Hồng

report

Giải Nhì - Tác giả Nguyễn Phú Thành: Cuộc thi rất có ý nghĩa với những người công tác trong ngành giáo dục

Trao giải và phát động Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” ảnh 23

Tác phẩm đạt giải:  “Vẹn nguyên ký ức về người thầy và mái trường bên dòng sông ánh sáng”

Tham dự cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” với tác phẩm “Vẹn nguyên ký ức về người thầy và mái trường bên dòng sông ánh sáng”, từ đáy lòng mình tác giả Nguyễn Phú Thành - Giáo viên dạy Văn, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) muốn tri ân những người thầy đáng kính và ngôi trường cấp 3 thân yêu đã một thời nâng bước anh trưởng thành.

Ngôi trường ấy cũng là nơi anh đã được tuyển chọn về giảng dạy sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong suốt 23 năm qua.  

Mặc dù gần 30 năm đã trôi qua nhưng đúng như tựa đề của tác phẩm, những ký ức, niềm vui, niềm hạnh phúc về những ngày được sống, học tập dưới mái trường THPT Hoàng Văn Thụ cùng những người thầy đáng kính vẫn còn vẹn nguyên trong tâm hồn thầy giáo Nguyễn Phú Thành, để rồi anh đã gửi trọn ký ức ấy vào những trang viết đong đầy cảm xúc để tri ân các thế hệ đi trước và cũng là để “những kỷ niệm không chỉ là hoài niệm trong mỗi chúng ta”.

Chia sẻ cảm nghĩ về cuộc thi viết, thầy giáo Nguyễn Phú Thành cho hay: “Đây là cuộc thi rất có ý nghĩa đối với những người công tác trong ngành giáo dục đồng thời cũng là cách để giáo dục những thế hệ học sinh biết trân trọng tình cảm với thầy cô và mái trường.

Tôi mong muốn cuộc thi sẽ có nhiều giáo viên và học sinh tham gia hơn nữa để họ bộc lộ những tâm tư tình cảm về lòng yêu nghề mến trẻ, sự biết ơn uống nước nhớ nguồn và cũng là dịp để chúng ta cùng nhìn lại những chân giá trị của cuộc sống. Điều đó sẽ giúp mỗi người trưởng thành hơn trên những con đường mà mình đã chọn khi nhớ về mái trường dấu yêu”.

Hồng Hà

report

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao giải Nhất cho cô giáo Lường Thị Thu Trang

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trao giải Nhất cho cô Lường Thị Thu Trang
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trao giải Nhất cho cô Lường Thị Thu Trang

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trao giải nhất cho cô Lường Thị Thu Trang - Giáo viên Trường THPT số 1 Bảo Thắng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, với tác phẩm “Thầy ơi!”. Tác phẩm là câu chuyện cảm động ở ngôi trường vùng cao của tỉnh Lào Cai. Những ký ức dung dị thân thương thông qua những tiết học, những bài giảng nhân hậu giầu ý nghĩa. Từ mái trường ấy đã có bao đứa trẻ học sinh vùng cao trưởng thành.

Chia sẻ cảm xúc hồi hộp, xúc động khi nhận giải, cô Lường Thị Thu Trang hy vọng giá trị nhân văn của Cuộc thi sẽ lan tỏa rộng rãi hơn nữa; để từ những mái đầu bạc đến các em học trò nhỏ bắt đầu vào trường học đều trân trọng mỗi giây phút bên thầy cô của mình.

Nguyễn Nhung

report

Giải Nhất - Tác giả Lường Thị Thu Trang: Em muốn được thay thế hệ bố mẹ em gửi sự tri ân đến thế hệ nhà giáo năm xưa!

Tác phẩm đạt giải: “Thầy ơi"

Trao giải và phát động Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” ảnh 25

Tác giả bài viết “Thầy ơi” là cô giáo Lường Thị Thu Trang (Sinh năm 1986),  giáo viên môn Toán - Trường THPT số 1 Bảo Thắng, huyện Bảo Thắng, Lào Cai.

Cô giáo Lường Thị Thu Trang cho biết: Tác phẩm “Thầy ơi” gồm những câu chuyện về thầy giáo Dương Văn Phẩm, nguyên giáo viên chủ nhiệm lớp 4B – Trường Cấp I Duyên Hải – Thị xã Lào Cai  năm học 1969 - 1970.

Đến nay đã gần 40 năm, “lứa học trò xưa của thầy đã rải khắp mọi miền đất nước”, thầy cũng đã mất nhưng kỉ niệm về thầy Dương Văn Phẩm mãi không phai mờ trong ký ức của học trò một thủa. Thậm chí, tình nghĩa thầy trò thời gian khó, chiến tranh loạn lạc ấy còn gây ấn tượng mạnh để cô giáo Lường Thị Thu Trang – thế hệ con cháu chắp bút thành tác phẩm.

Cô giáo Lường Thị Thu Trang chia sẻ, khi biết tới cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy/cô và mái trường mến yêu” được Báo GD&TĐ phát động tổ chức, cô đã nghĩ ngay đến việc tham dự và viết về đề tài thầy giáo Dương Văn Phẩm dù bản thân có nhiều đề tài khác có thể lựa chọn (về học sinh của mình, về tình cảm của giáo viên dành cho học sinh và ngược lại…).

“Em muốn được thay thế hệ bố mẹ em gửi tình cảm, sự tri ân đến thế hệ nhà giáo năm xưa. Thế hệ bố mẹ em không có điều kiện, cơ hội để tham dự vào những cuộc thi viết ý nghĩa như thế này để được tri ân thầy cô của mình. Thậm chí chiến tranh loạn lạc, ly tán… đã khiến nhiều học trò không còn cơ hội gặp lại hoặc liên lạc với thầy cô giáo cũ dù trong lòng họ mãi khắc khoải mong ngóng và biết ơn sâu sắc thầy cô…” - Cô Trang bày tỏ.

Cô Lường Thị Thu Trang  chia sẻ cảm xúc khi nhận giải Nhất

Bài Đức Hạnh; clip Việt Cường

report

Mong thông điệp nhân văn của cuộc thi sẽ ngày càng lan toả

Thầy giáo Nguyễn Phú Thành phát biểu hưởng ứng cuộc thi
Thầy giáo Nguyễn Phú Thành phát biểu hưởng ứng cuộc thi

Phát biểu hưởng ứng cuộc thi, thầy giáo Nguyễn Phú Thành, giáo viên Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình – một trong những tác giả đoạt giải - chia sẻ:

“Viết về kỷ niệm thầy cô và mái trường mến yêu” là một cuộc thi mang đậm ý nghĩa nhân văn về truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt; nhắc nhở chúng ta ngày hôm nay, dù có đi bốn phương trời và trưởng thành tột bậc, cũng không thể quên những viên gạch đầu tiên lót bước cho ta chập chững bước vào ngôi nhà văn hóa nhân loại: đó là thầy cô và mái trường. Ở đó, bên cạnh kho tàng kiến thức đồ sộ của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, còn có cả những bài học về nhân cách, chứa chan tình người, thấm đẫm nhân văn, dạy ta cách làm người có ích cho gia đình và xã hội. Ở đó, có các thầy cô giáo dạy trò bằng tất cả tình yêu thương và dốc toàn bộ tâm huyết vì những thế hệ công dân có ích cho Tổ quốc cho Nhân dân.

Cuộc thi đã giúp tôi sống lại tuổi học trò đẹp nhất với sự yêu thương, dìu dắt của thầy cô; đồng thời giúp tôi thêm yêu, thêm tự hào về con đường mình đã chọn: nghề giáo.

Hưởng ứng cuộc thi “Viết về kỷ niệm thầy cô và mái trường mến yêu”,  thầy Nguyễn Phú Thành mong rằng thông điệp nhân văn của cuộc thi sẽ ngày càng lan toả và có nhiều hơn nữa những bài viết hay về những người làm nghề giáo và về mái trường mến yêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ